Một thời khắc cốt ghi xương
(Cadn.com.vn) - Sau ngày đất nước hoàn toàn độc lập (1975) tôi công tác ở ngành Bưu điện tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Làm bưu điện, tôi có điều kiện cập nhật thông tin thời sự hằng ngày, nhất là tình hình chiến sự ở biên giới tây nam của Tổ quốc. Lúc bấy giờ, khí thế nô nức xung phong tòng quân lên đường giết giặc cứu nước, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ... của tuổi trẻ trên khắp mọi miền Tổ quốc càng thôi thúc chúng tôi, những thanh niên công nhân viên chức của Nhà nước càng phải gương mẫu đi đầu, khi cuộc chiến đấu của quân và dân biên giới tây nam đang bước vào giai đoạn ác liệt nhất.
Là Bí thư chi đoàn liên cơ quan (Phòng Bưu điện và Phòng VHTT Quận 3), lại là đối tượng cảm tình Đảng, tôi càng thấy rõ trách nhiệm của mình, nhất là việc các bạn trẻ trong chi đoàn đang nhìn vào mình để xem thái độ ứng xử của “thủ lĩnh” trước tình hình đất nước, trước tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc như thế nào... Dù người vợ trẻ đang mang thai đứa con đầu lòng sắp đến ngày sinh nở, tôi đến Quận đội Quận 3 đăng ký khám sức khỏe tình nguyện nhập ngũ, trước ánh mắt ái ngại và có phần cảm phục của anh chị em trong cơ quan. Sau vài tuần khám sức khỏe, tôi nhận được lệnh gọi nhập ngũ. Đây là đợt đầu tiên cơ quan quân sự địa phương thực hiện gọi nam thanh niên là công nhân viên chức Nhà nước nhập ngũ, ngày tổ chức giao nhận quân diễn ra thật trân trọng và cảm động tại khu vực gần sân bay Nước Mặn (nay thuộc P. Khuê Mỹ, Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).
Chính tình cảm và sự gởi gắm niềm tin của anh chị em trong cơ quan, nhất là các bạn đoàn viên thanh niên trong liên chi đoàn đã giúp tôi mạnh mẽ hơn khi chia tay gia đình, cơ quan và quê hương. Lúc ấy trong tôi rất đổi tự hào và vinh dự. Tôi cùng đồng đội vừa kết thúc khóa huấn luyện thì quân bành trướng lại phát động cuộc chiến tranh xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta vào đầu năm 1979, thế là câu hát“tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới” trở thành lời thúc giục của non sông, theo tinh thần kêu gọi“cả nước đánh giặc, toàn dân là lính”. Trước tình hình đó, Lệnh Tổng động viên của Chủ tịch Nước đã được kịp thời ban bố trong cả nước.
Tác giả và cô gái dân quân Campuchia (ảnh chụp năm 1983) |
Cứ ngỡ chiến tranh tại 2 miền biên giới sẽ qua mau, hòa bình trọn vẹn sớm trở lại trên quê hương vốn đã chịu nhiều đau thương mất mát, nhưng không, tàn quân Pôn Pốt được sự hà hơi tiếp sức của thế lực nước ngoài đã điên cuồng chống phá chính quyền cách mạng còn non trẻ của Campuchia. Dù ở tuyến biên giới phía Bắc chúng ta đang chống trả quyết liệt với quân bành trướng xâm lược, nhưng trước sự cầu viện khẩn khoản của bạn, với tình cảm quốc gia láng giềng, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả và trong sáng, Đảng và Chính phủ ta quyết định đưa một bộ phận quân đội tình nguyện sang cùng quân đội và nhân dân Campuchia chiến đấu chống tàn quân Pôn Pốt, quyết tâm đưa nhân dân bạn thoát khỏi nạn diệt chủng, bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng còn non trẻ.
Sự tàn phá từ cuộc chiến tranh phi nghĩa do quân xâm lược của đế quốc Mỹ thực hiện suốt 21 năm, gây ra biết bao sự hy sinh, mất mát chưa kịp khắc phục, nhưng cả nước ta lại phải bước vào cuộc chiến đấu mới để bảo vệ thành quả cách mạng, giữ gìn hòa bình cho đất nước. Hy sinh lại chồng chất hy sinh, đau thương cũ chưa kịp nguôi ngoai, nhân dân ta lại phải chịu thêm nhiều đau thương mới. Nhưng với truyền thống cách mạng đánh giặc giữ nước kiên cường, bất khuất, quân đội và nhân dân ta một lần nữa đã khẳng định ý chí độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, nêu cao ý chí chiến đấu, một lòng một dạ đoàn kết chung quanh Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, tạo nên một bức tường thép có sức mạnh vô địch, che chắn, bảo vệ vững chắc sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngót 7 năm làm quân tình nguyện ở chiến trường K, qua nhiều chức vụ, qua nhiều chiến dịch, đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm không thể nào quên về đồng đội, về tình cảm của các lực lượng vũ trang và nhân dân nước bạn dành cho quân tình nguyện Việt Nam. Còn nhớ, ngày nhận quyết định lên Prếtvihia để làm cố vấn cho chỉ huy tiểu đoàn dân quân tỉnh Stungtreng, đóng quân ngay dưới chân dãy núi Đăng-rếch, khu vực biên giới giữa Campuchia và Thái Lan, ngay đêm đầu tiên đến trận địa mới này, tôi đã có cảm xúc thể hiện bằng bài thơ với tiêu đề CHIỀU ĐĂNG-RẾCH: Điểm tựa tiền tiêu trên triền Đăng-rếch/ Phía trước là thù, phía sau là bạn/Để ta nhớ có một thời bom đạn/ Gắn phần đời trai trẻ với nơi đây/ Chiều tiền tiêu Đăng-rếch mây bay/Như đùa cợt với những chàng lính trẻ... /Rừng chiều tà chim bay qua mây/Đăng-rếch lặng im nghe ngàn lá rụng/Anh lính tiền tiêu nghe lòng xao động...”.
Cứ nghĩ là xong một thời gian ngắn ở trong quân đội, hoàn thành nhiệm vụ sẽ trở về tiếp tục công tác trong ngành Bưu điện, thế mà tôi không ngờ cả quãng đời trai trẻ của mình lại đồng hành, kề vai sát cánh cùng bao nhiêu lớp đồng đội thân yêu, vui buồn, gian khổ hay sống chết có nhau. Kết thúc nhiệm vụ tại chiến trường Campuchia trở về nước, tôi lại được cấp trên điều chuyển qua nhiều đơn vị, giữ nhiều chức vụ chỉ huy, được sắp xếp đi học ở nhiều nhà trường, học viện trong quân đội...
Cũng ngót 27 năm (1978-2005) có vinh dự được làm lính “Bộ đội Cụ Hồ”, cái bản chất cao quý ấy chắc chắn sẽ theo tôi đến tận cuối đời. Một thời trai trẻ xứng đáng khắc cốt ghi xương!
Mai Mộng Tưởng