Báo Công An Đà Nẵng

Một thời nhớ mãi

Thứ năm, 08/02/2018 10:13

Ngày cuối năm ở Đà Nẵng, có 3 người đàn ông tóc hoa râm là cựu chiến sĩ R20, cựu tù Phú Quốc bồi hồi lần giở ký ức về trận xuân Mậu Thân tấn công Đà Nẵng. Người nọ tiếp lời người kia như sắp xếp lại từng lát cắt cuộc chiến tàn khốc năm nào.

Ông Nguyễn Thanh Chiến với chiếc võng dù được cấp ở Tây Ninh.

Ra trận mùa xuân

CCB Trà Thanh Lân, Nguyễn Ngọc Hùng tuổi xấp xỉ 75. Cả hai có mặt ngày tiểu đoàn thành lập ở Đại Thắng, Đại Lộc. CCB Nguyễn Thanh Chiến trẻ nhất. Năm 1968, chàng lính trinh sát này mới 17 tuổi. Hiện ông ở trong Ban liên lạc truyền thống R20. Ai nấy nhớ như in phút giây cả đơn vị rùng rùng hành quân từ Điện Thọ với khí thế ngất trời tiến về Đà Nẵng. Ngày ăn tết sớm ở Gò Nổi, đang vui cùng đồng đội thì quả bom tọa độ của địch thả xuống, 5 đồng chí bị thương và hy sinh. Linh cảm điều chẳng lành nhưng không át được niềm tin chiến thắng. Xuống đến Cẩm Sa, Điện Nam đã tối, cả đơn vị chia nhau ngủ ở nhà dân. Ngày 30 tết, tức 30-1-1968, với hơn một nửa số bộ đội được cải trang mặc quần áo lính chế độ Sài Gòn, đoàn quân tiến ra hướng Hòa Hải. Để đánh dấu là bộ đội R20, tay trái của mỗi người đều thắt một sợi dây dù mảnh màu đỏ. Không gặp bất cứ trở ngại nào, từ vùng 5 Hòa Hải, hơn 20 chiếc ghe của đồng bào đã đợi sẵn để chở bộ đội qua Hòa Phụng, rồi tiếp tục qua Hòa Đa đến sông Cẩm Lệ (thôn Trung Lương - Cồn Dầu). Đang ào ạt khí thế ngút trời vào Đà Nẵng thì tất cả khựng lại khi biết bên kia bờ sông Hòa Cường, các đoàn ghe thuyền của cơ sở được chuẩn bị trước đã bị địch nghi ngờ và phá nát, đồng thời rải quân canh phòng nghiêm ngặt. Tiểu đoàn bí mật đưa trước một bộ phận tiên phong gồm 57 đồng chí phối hợp với bộ phận của khu 3 Hòa Vang vượt sông sang đánh Sở chỉ huy quân đoàn 1, thực hiện mệnh lệnh hiệp đồng nổ súng đúng giờ G. Đêm tối như mực. Vậy mà khi kim đồng hồ chỉ 12 giờ, cả thành phố Đà Nẵng ầm ào trong tiếng súng, pháo từ các chốt của địch.

Ông Nguyễn Thanh Chiến nhớ lại: "Khuya mồng 1 Tết, tôi đang ở cùng Ban chỉ huy Tiểu đoàn thì nghe sở chỉ huy tiền phương nhận lệnh của Mặt trận 4 Quảng Đà là Trung ương bảo phải lui quân ra ngoài chờ đến đêm mới vào lại để phối hợp cùng với toàn miền Nam tổng tấn công. Nguyên nhân là do chênh lệch giữa lịch âm cũ và lịch mới, giữa miền Nam và miền Bắc. Tất cả mọi người lặng đi. Trước chỉ thị bất ngờ, Bộ tư lệnh tiền phương đã xin ý kiến cấp trên cho đánh mà không dời ngày vì bộ đội đã vào sâu bên trong, lui ra lúc này vô cùng nguy hiểm. Ngay sau đó, pháo của quân giải phóng bắn rực sân bay Đà Nẵng, Nước Mặn. Như đã hiệp đồng, súng của  lực lượng tiền trạm hướng ngã tư quân đoàn nổ giòn giã". Phương án tác chiến thay đổi. Lực lượng Sư đoàn 2 nhận lệnh dời ngày đánh và đang ở phía sau. Không còn yếu tố bất ngờ, R20 một mình cầm cự giữa lòng Đà Nẵng. Lúc này bên bờ sông Trung Lương, Cồn Dầu, lực lượng đấu tranh chính trị của Hòa Vang dồn về khá đông và tìm cách vượt sông. Địch phát hiện và điều trực thăng, phản lực đến bắn phá, dội bom vào giữa đội hình. Càng về trưa tình hình càng ác liệt. Khắp nơi đùng đoàng tiếng pháo, rốc két. Bộ binh, xe tăng Mỹ đã giăng tuyến Đò Xu. Ta bắn cháy 3 chiếc vẫn không cản được bước tiến của chúng...

 Vỗ tay cái đét vào đùi, ông Trà Thanh Lân tiếc rẻ: "Là đại đội trưởng hỏa lực nhưng hôm đánh Đà Nẵng tôi được lệnh đi kèm với chỉ huy tiểu đoàn nhằm tiếp quản thành phố, nên chỉ có một khẩu súng ngắn, nếu không thì chúng đừng hòng thoát. Có lẽ vậy, mà khi bị bắt cùng còng chung với anh Hùng, tối mơ hò hét xung phong nhiều quá, chúng phát hiện ngay là sĩ quan và cho nhốt tôi riêng". Ông Nguyễn Ngọc Hùng là quân y tiểu đoàn nhớ lại: "Sau giao thừa, tôi đang ở bên cạnh Bộ tư lệnh tiền phương với các đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Tham mưu trưởng Mặt trận 4 và Mai Đăng Chơn, Phó Chính ủy Mặt trận. Anh Đức dặn anh em: "Cứ nằm im kẻo lộ. Chờ xe tăng lội nước của chúng lên đến bờ rồi hãy ném lựu đạn". Càng về sau, địch càng tăng cường quân. Anh Trần Sinh, quê Bình Giang, Thăng Bình, Phái viên Mặt trận 4 của Bộ tư lệnh Quân khu 5 bị thương nặng. Tôi băng bó và muốn cõng anh ra phía sau nhưng anh không chịu. Anh bảo tôi cắt sợi dù đỏ trên tay cho khỏi lộ rồi dùng sức đẩy tôi chạy bởi địch đến. Đang nấp ở đám lùng ven sông thì biệt động quân của địch lùng sục, tôi bắn hết băng đạn rồi bị thương ngất lịm đi và chúng vây bắt. Anh Nguyễn Hữu Đức, Mai Đăng Chơn hy sinh ven sông. Bộ phận tiền trạm đánh bộ tư lệnh quân đoàn 1 ngụy cũng đã hoàn thành nhiệm vụ và đa số đều hy sinh sau khi chiến đấu đến viên đạn cuối cùng".

Hiên ngang Phú Quốc

Theo các CCB, thì cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn R20 ngã xuống ở Đà Nẵng hàng trăm liệt sĩ. Riêng bị bắt đày ra Phú Quốc gần 60 người. Đồng chí Trần Sinh không bị tù là khá hy hữu. Ông Hùng cho biết: "Tôi nghe mọi người kể, khi bọn địch đến chỗ anh Sinh, anh bỗng ngước đầu lên và dõng dạc nói với chúng: "Tau là thiếu tá Trần Sinh, ba đời cộng sản. Chúng bay ngon thì bắn đi". Thấy anh ốm nhách, lại già, đen đúa, chúng nghĩ là nông dân vùng này chỉ nói trạng vậy nên không bắt. Sau này đồng chí ấy được cơ sở đưa đi cứu chữa và điều trị ở miền Bắc...". Ra đảo, tuy không được ở liền nhau nhưng nhìn nét mặt quen là họ nhận ra ngay đồng đội. Qua bao nhiêu đau thương, các CCB vẫn cười khi nhắc đến số tù gắn cho mình. "Số tôi 2043", "Số tôi 2044, cộng lại 10 điểm. Quá đẹp!"- ông Trà Thanh Lân giòn giã. Ngày ấy, dù bị địch tra tấn dã man nhưng những chiến sĩ R20 vẫn giữ vững khí tiết, không một ai đầu hàng. Những đảng viên thì được truy Đảng, tức là xác nhận lại trong buổi lễ bí mật với sự có mặt của chi bộ. Họ kiên trì đấu trí với địch cho đến ngày trao trả 1973, sau đó tiếp tục trở về đất liền chiến đấu.

Ông Nguyễn Thanh Chiến sôi nổi: "Tôi bị thương nặng nên chúng bắt được. Còn trẻ và chỉ mặc đồ bà ba, tôi vờ khai là dân công bị giải phóng bảo đi mang đạn. Chúng cho điều trị, rồi nhốt ở nhà lao Hội An 4 tháng. Có lần chúng hỏi vu vơ: "Sao không lấy vợ cho mẹ cha nhờ". Tôi buột miệng: "Chừng nào nước nhà thống nhất mới lấy vợ". Nghe vậy chúng gõ vào đầu tôi 5 cán búa tóe máu sau đó đày ra Phú Quốc". So với những người bạn được trao trả ở nhiều nơi khác nhau, ông Chiến may mắn được trở về trang trọng nhất. Máy bay C130 của địch chở hơn 100 quân giải phóng từ Phú Quốc thả xuống sân bay Thiện Ngôn (Tây Ninh). Tại đây, các cựu tù được người bên mình cấp quần áo bộ đội và quân tư trang lên xe về Trảng Bàng. Lấy từ trong rương ra chiếc võng dù màu xanh ngày trao trả vẫn còn khá mới, kỷ vật duy nhất còn giữ một thời quân ngũ, ông Chiến hồ hởi: "Buổi đón tiếp đầu tiên ấy có luật sư Nguyễn Hữu Thọ, nữ tướng Nguyễn Thị Định cùng nhiều đồng chí lãnh đạo của Mặt trận DTGP miền Nam Việt Nam đến bắt tay và nói chuyện. Chúng tôi rất tự hào".

Các cựu tù Phú Quốc nói rằng, họ mong  có một tượng đài xứng đáng ở khu đô thị mới Hòa Xuân, bên bờ Trung Lương ngày trước để tưởng nhớ, tri ân cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã hy sinh. Khúc bi tráng Mậu Thân sẽ mãi đồng hành cùng đất nước.

Hồng Vân