Báo Công An Đà Nẵng

Một thời ở chiến trường K

Thứ năm, 06/01/2022 20:44

43 năm sau ngày đất nước Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng (7-1-1979 - 7-1-2022), những người lính tình nguyện quê thành phố Đà Nẵng vẫn không khỏi bồi hồi xúc động, xen lẫn niềm tự hào khi nhớ về những năm tháng có mặt ở chiến trường K. Nơi đó, họ đã trải qua một cuộc chiến đầy khắc nghiệt khi tuổi đời còn rất trẻ...

Nhân dân xứ sở Chùa Tháp lưu luyến tiễn đưa đoàn quân tình nguyện Việt Nam về nước. (ảnh tư liệu)

Ông Dương Hiền Anh (1958, trú phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê) nhớ lại, khác hẳn với mọi năm, chiều 21-12-1978, đơn vị bộ đội của ông tổ chức “liên hoan” sớm, chẳng nói chẳng rằng nhưng ai cũng đều linh cảm nhiệm vụ ngày mai rất nặng nề. Giữa vùng đất trũng Prây Veng, món thịt lợn từ Tây Ninh chở qua, giúp cho họ có thêm bữa ăn “tươi” ngay tại mặt trận tiền phương. Thỉnh thoảng, tiếng pháo địch gầm vang, đất đá bay rào rào trên miệng hầm, hắt bụi vào mâm cỗ nhưng không đủ sức phá hỏng kế hoạch mừng “sinh nhật” lần thứ 34 của người lính, trái lại làm cho họ thêm lạc quan trước giờ xung trận. Rạng sáng 22-12, đơn vị ông được điều động tăng cường, bắn pháo vào các mục tiêu “Tuyến bờ đê”, “Ngã 3 đường cụt” mà địch án ngữ trên tuyến QL13 để dọn đường cho bộ binh Quân đoàn 4 đánh lấn chiếm, mở màn chiến dịch giải phóng nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Cuộc chiến kết thúc chóng vánh, trưa 7-1-1979, đơn vị pháo binh của ông chưa kịp vượt sông Mê Kông thì được lệnh dừng quân, bởi lực lượng bộ binh và quân, dân nước bạn đã nắm quyền kiểm soát tại thủ đô Phôm Pênh. Mọi phương tiện phục vụ chiến đấu được ưu tiên điều động lên phía trước để chở người dân rời khỏi các trại tập trung... Sau đó, máu của đồng đội ông lại tiếp tục đổ xuống trong quá trình làm nhiệm vụ truy quét tàn binh, giúp nhân dân xứ sở Chùa Tháp dựng nhà, sản xuất ổn định cuộc sống...

Còn theo thương binh Đặng Hòa (1957, trú xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang), để có 17 ngày đêm “thần tốc” đó, ông và đồng đội phải trải qua bao gian khổ. Cuối mùa mưa năm 1978, đơn vị ông nhận lệnh rút quân khỏi vùng biên giới Ratanakiri, Mondulkiri giáp ranh với huyện Đức Cơ (Gia Lai - Kon Tum), trở lại nơi đóng quân ban đầu Krông Buk (Đắk Lắk) để củng cố lực lượng, huấn luyện kỹ năng chiến thuật nâng cao nghiệp vụ chiến đấu hợp đồng binh chủng. Cứ thế, ngày lên núi cắt tranh, đốn nứa dựng nhà, đêm về chong đèn nghiên cứu sử dụng các loại khí tài, tài liệu phục vụ chuyên môn. Ăn uống kham khổ, nhớ nhà quay quắt nhưng không một ai nản lòng. Đầu mùa khô, đơn vị ông bắt đầu rời khỏi những khu rừng ẩm thấp, hành quân theo tuyến QL21, QL13 đến thị xã Tây Ninh đầy hầm trú ẩn ven đường, rồi vượt sông Vàm Cỏ Đông dừng quân ở huyện biên giới Bến Sỏi. Tại đây, ông nghe những câu chuyện thương tâm, bọn Pol Pot thường lén lút vượt qua biên giới sát hại dân lành. Đêm về, từ những ngôi nhà sàn bỏ hoang, làng mạc xung quanh không một ánh đèn, người dân lục đục dưới những căn hầm đề phòng pháo địch… “Tôi có gần 5 năm làm quân tình nguyện, đón 4 cái Tết ở chiến trường K và chưa một lần về phép thăm gia đình, bè bạn. Thiếu cơm, đói thuốc nhưng lúc nào cũng phải cảnh giác với bọn tàn quân. Bấy nhiêu đó cũng có thể hình dung cuộc sống lúc đó gian khó ngần nào nhưng chưa phải là những người cực khổ, chịu nguy hiểm nhất. Cứ nghĩ lại những đồng đội ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ, nước mắt tôi lại tuôn trào. Những giằng xé tâm can vào năm tháng ấy, giờ hồi tưởng mà lòng cứ mãi nghẹn ngào”, ông Hòa ngậm ngùi nhắc lại.

Nhớ về ngày chiến thắng chế độ diệt chủng tại Campuchia không chỉ là tưởng nhớ và vinh danh sự hy sinh của những người lính tình nguyện Việt Nam. Nhắc lại tội ác của chế độ diệt chủng cũng là để không bao giờ quên bài học cảnh giác với những kẻ thù và những người lính như ông Anh, ông Hòa… sẽ không phải gửi tuổi thanh xuân của mình nơi đất khách, quê người. “Ngày ấy và bây giờ, chúng tôi người còn người mất, mỗi người một hoàn cảnh, một số phận. Song, có một điều vô cùng thiêng liêng mà chúng tôi luôn trân trọng, giữ gìn đó là niềm kiêu hãnh về người lính Cụ Hồ, những người sẵn sàng chia nhau ngụm nước, làn đạn và khi đã trở về đời thường vẫn còn liên lạc, thương nhớ nhau cho đến cuối cuộc đời”, ông Anh trải thêm lòng.

VY HẬU