Báo Công An Đà Nẵng

Một vấn đề, nhiều tranh cãi

Thứ ba, 26/06/2018 11:04

Biểu tình lại tiếp tục bùng nổ ở Hy Lạp cuối tuần qua để phản đối thỏa thuận đổi tên Macedonia này thành Cộng hòa Bắc Macedonia, một thỏa thuận mà chính phủ cả hai nước đã ca ngợi là “lịch sử và bước ngoặt”.

Khoảng 4.000 người tuần hành hướng về văn phòng của các đảng trong liên minh cầm quyền của Hy Lạp là Syriza và Anel và gây ra tình trạng mất an ninh trật tự. Những người biểu tình chỉ trích “những kẻ phản bội chính trị”. Cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay để giải tán người biểu tình.

Mọi việc bắt nguồn từ khi Hy Lạp và Macedonia hồi tuần trước đã ký thỏa thuận lịch sử về việc đổi tên quốc gia vùng Balkan nhỏ bé Macedonia thành Cộng hòa Bắc Macedonia nhằm chấm dứt cuộc tranh cãi kéo dài giữa hai nước láng giềng liên quan đến tên gọi chính thức của Macedonia, bắt đầu từ năm 1991. Lúc đó, Athens phản đối tên của người hàng xóm là Macedonia bởi vì nó trùng với tên một tỉnh phía bắc của Hy Lạp - thời cổ đại là cái nôi của đế chế Alexander Đại đế - một niềm tự hào mãnh liệt cho người Hy Lạp ngày nay. Hy Lạp lo ngại sự trùng hợp này có thể dẫn đến tranh chấp về lãnh thổ với quốc gia láng giềng, cho rằng, việc sử dụng tên gọi của quốc gia láng giềng là Macedonia đồng nghĩa với việc Skopje có yêu sách lãnh thổ với vùng đất cùng tên gọi nằm ở phía bắc Hy Lạp.

Và cuộc chiến kéo dài 27 năm kết thúc bằng một thỏa thuận. Theo đó, Macedonia - vốn chính thức biết đến với tên gọi  Cộng hòa Nam Tư cũ Macedonia (FYROM) -  sẽ đổi tên thành Cộng hòa Bắc Macedonia. Đổi lại, Hy Lạp sẽ ngừng phản đối nước láng giềng phía Bắc này gia nhập Liên minh Châu Âu (EU) và NATO. Tuy nhiên, thỏa thuận đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của những phe phái theo đường lối cứng rắn ở cả hai nước, vốn cho rằng, thỏa thuận là một sự nhượng bộ quá mức đối với mỗi bên. Khi ngoại trưởng hai nước đặt bút ký thỏa thuận, người biểu tình Hy Lạp đụng độ với cảnh sát chống bạo động.

Dù nảy sinh nhiều tranh cãi, nhiều cuộc biểu tình đụng độ, nhưng những cuộc phản đối như vậy cũng không thể chặn đường đi đổi tên lịch sử của hai nước. Quốc hội Macedonia đã thông qua thỏa thuận trên, mở đường cho việc tổ chức cuộc trưng cầu ý dân trong tương lai về vấn đề này. Và thỏa thuận này cũng đang chờ được Quốc hội Hy Lạp sớm thông qua, để chính thức có hiệu lực.

THANH VĂN