Báo Công An Đà Nẵng

Mù mờ với hàng giả, hàng nhái

Thứ hai, 12/09/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Đầu tháng 8-2011, tại hội thảo tổng kết 10 năm đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (2001- 2011), các ngành chức năng của TP Đà Nẵng đều có chung đánh giá: thực trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn biến hết sức phức tạp cả về quy mô lẫn cách thức sản xuất, tổ chức tiêu thụ. Vấn nạn hàng giả, hàng nhái (HGHN) thường là hàng kém chất lượng không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng (NTD) mà còn gây ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của đơn vị sản xuất bị làm giả; gây nhiều trở ngại trong quản lý, giám sát thị trường của ngành chức năng và nguy hại hơn HGHN còn gây lũng đoạn thị trường hàng hóa, ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế.

Hàng giả theo "mùa"

Xuất phát từ đặc điểm thị trường hàng hóa hoạt động mạnh theo "mùa" nên HGHN theo đó mà ăn theo hàng chính hãng. Nhu cầu tiêu dùng ở nước ta thường theo các dịp lễ, Tết hoặc mùa vụ sản xuất nên các loại HGHN cũng lợi dụng đấy mà tùy từng mùa để tung hàng. Đơn cử như mùa Trung thu năm nay, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu giả hoặc bánh không có nguồn gốc rõ ràng. Vụ bánh trung thu nhãn Kinh Đô nhưng ruột... Pleiku là vụ "mượn hồn" được Đội QLTT số 1 (Chi cục QLTT Gia Lai) phối hợp cùng CATP Pleiku (Gia Lai) phát hiện tại cơ sở sản xuất bánh trung thu Thảo Vy (P. Trà Bá, TP Pleiku). Qua kiểm tra, cơ sở này có 55 vỏ thùng giấy lớn mang thương hiệu bánh Kinh Đô, trong đó có 2 vỏ thùng giấy chứa 43 bánh Trung thu được sản xuất tại cơ sở Thảo Vy. Sự việc rành rành ra vậy nhưng ông Nguyễn Tấn Long - người trực tiếp sản xuất bánh tại cơ sở bánh Trung thu Thảo Vy lại giải thích rất "trời ơi": Thảo Vy chỉ... "mượn" vỏ hộp mang nhãn hiệu Kinh Đô cho dễ vận chuyển chứ không hề có ý định giả mạo(!?).

 Những mẫu hàng giả C7 của Cty THC (trong vòng tròn, bên phải) rất giống và dễ gây nhầm lẫn với mẫu hàng thật của Cty O7 (bên trái). Ảnh: Q.P

Phải bắt tận tay, day tận trán!

Vấn đề phát hiện, xử lý HGHN trên thị trường không quá khó đối với ngành chức năng, nhưng nếu chỉ phát hiện, tịch thu rồi tiêu hủy thì mới chỉ chặn "đầu ngọn" mà cần phải giải quyết căn bản từ gốc, nơi sản xuất. Mới đây, Đội QLTT số 8 (Chi cục QLTT TP Đà Nẵng) đã kiểm tra, phát hiện Cty MTV Thành Hoàng Châu (Cty THC) có hành vi sản xuất hàng giả và sản xuất hàng hóa trên nhãn có dấu hiệu không đúng sự thật về hàng hóa đó. Trên cơ sở những vi phạm của Cty THC, UBND TPĐN đã quyết định phạt tiền 58 triệu đồng đối với Cty THC, trong đó hành vi sản xuất hàng giả bị xử phạt 30 triệu đồng, hành vi sản xuất hàng hóa trên nhãn có dấu hiệu không đúng sự thật về hàng hóa đó bị phạt 28 triệu đồng. Ngoài ra, UBND TPĐN quyết định xử lý bổ sung đối với Cty THC với hình thức buộc thu hồi hàng hóa vi phạm về nhãn mác trên thị trường và khắc phục vi phạm về nhãn hàng hóa. Đối với hành vi sản xuất hàng giả, buộc loại bỏ các yếu tố giả mạo trên nhãn hàng của Cty THC, tịch thu tất cả nhãn hàng hóa giả xuất xứ.

Được biết, Cty THC (cơ sở sản xuất tại P. Hòa Minh, Liên Chiểu, ĐN) đã sản xuất hàng giả loại mặt hàng hóa chất sơn gỗ và vi phạm về nhãn hàng hóa được Nhà nước bảo hộ độc quyền đối với Cty CP OSEVEN (Cty O7-trụ sở KCN Tân Đông Hiệp B, Dĩ An, Bình Dương).

Hàng giả, nhái vẫn "sống"

Hàng giả vẫn "sống" được là do được làm giống như thật, giá cả lại rẻ hơn nên dễ đánh vào tâm lý "tiết kiệm" của không ít người tiêu dùng (NTD), nhất là đối với những người có thu nhập thấp. Ngoài ra, với trình độ công nghệ làm giả tinh vi như hiện nay, nhiều khi NTD sẽ bị đánh lừa, khó phân biệt thật giả và các loại hàng giả hiện nay không chỉ được bày bán ở các cửa hàng nhỏ lẻ mà len lỏi vào cả các siêu thị lớn. Hầu hết NTD hiện nay còn chưa quan tâm lắm đến sự khác biệt giữa hàng thật với hàng giả, trong khi đó các mặt HGHN thường không ghi xuất xứ hàng hóa rõ ràng như in biểu tượng chữ "V" (hàng Việt Nam chất lượng cao), làm giả tem chống giả, ghi bằng tiếng nước ngoài kiểu "design by Japan" hoặc "Made on USA"... được người bán "phù phép" đó là hàng chất lượng cao, hàng Nhật, Mỹ... Từ đó để thấy, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hàng thật, hàng giả chưa được ngành chức năng phổ biến rộng rãi trong người dân và đặc biệt là các nhà sản xuất chân chính hiện chủ yếu xem trọng vấn đề quảng cáo sản phẩm mà quên "lồng ghép" cách phân biệt hàng thật với HGHN theo sản phẩm của mình để mọi người cảnh giác.

Bên cạnh đó, việc tiếp nhận và giải quyết đến cùng các vụ việc làm HGHN còn thiếu đồng bộ giữa các cơ quan chức năng khiến việc xử lý không triệt để. Mặt khác, chế tài xử lý đối với hành vi sản xuất HGHN chưa thật sự đủ sức răn đe đối tượng vi phạm. Vậy nên, câu nói đã quá quen thuộc dành cho NTD là "hãy trở thành NTD thông thái" để tự bảo vệ mình.

Q.P