Mùa bão lũ 2014: Quảng Nam đã chuẩn bị những gì?
* Kỳ 1: Gánh nặng di dời dân...
(Cadn.com.vn) - Theo dự báo của Trung tâm khí tượng Thủy văn, năm 2014 có khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó có khoảng 4-5 cơn bão đổ bộ vào nước ta. Khu vực tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp 1-2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, 6-7 đợt không khí lạnh, 5-6 đợt mưa lớn, 4-5 đợt lũ... Vậy các địa phương đã chuẩn bị gì trước sự biến đổi khó lường của khí hậu?
Lũ lụt gây sạt lở bờ sông Quảng Huế, Đại Lộc, Quảng Nam. |
Nếu như nhiều năm trước, mỗi khi đến mùa mưa bão, ở Quảng Nam cũng như nhiều địa phương ở miền Trung- Tây Nguyên, cụm từ “thủy điện xả lũ” như một “hiểm họa” chực chờ, góp phần cho mưa lũ thêm khốc liệt hơn, thì cận kề mùa mưa bão 2014 này, ở Quảng Nam, Đà Nẵng đã có phần bớt đi gánh nặng lo âu ấy hơn, khi Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia- Thu Bồn...
Ban hành kèm theo quyết định này là những quy định cụ thể, chi tiết về vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn trong mùa lũ hàng năm, trong đó nêu rõ, các hồ chứa gồm, hồ A Vương, Đắc Mi 4, Sông Tranh phải đảm bảo vận hành theo nguyên tắc thứ tự ưu tiên như sau: Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình thủy điện A Vương, Đắc Mi 4 và Sông Tranh; góp phần giảm lũ cho hạ du; đảm bảo hiệu quả phát điện.
Quy trình vận hành các hồ chứa trong mùa lũ có quy định rõ về nguyên tắc vận hành các hồ giảm lũ cho hạ du; mực nước vận hành trong mùa lũ; thẩm quyền ra quyết định vận hành hồ trong mùa lũ; vận hành đảm bảo an toàn công trình; tích nước cuối mùa lũ... Quy trình cũng quy định trách nhiệm, tổ chức vận hành các hồ chứa và cung cấp thông tin, báo cáo. Trong quá trình thực hiện Quy trình, nếu có nội dung cần sửa đổi, bổ sung, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan kiến nghị bằng văn bản gửi Bộ TN-MT thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Triển khai thực hiện Quy trình, H. Đại Lộc (Quảng Nam)- một trong những địa phương lâu nay “được tiếng” là chịu ảnh hưởng nhiều nhất “vấn nạn thủy điện xả lũ”- vào cuối tháng 8-2014, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đại Lộc đã phối hợp với Cty CP thủy điện A Vương, liên tiếp tổ chức các đợt tuyên truyền phòng tránh giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn 17 xã, thị trấn của huyện; giới thiệu cho cán bộ, nhân dân nắm rõ về quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn trong mùa lũ hàng năm mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành; khuyến cáo nhân dân trong việc phòng tránh thiên tai, bão lũ; cung cấp thêm thông tin cho chính quyền các cấp và nhân dân nắm rõ biến đổi khí hậu theo chiều hướng ngày càng khắc nghiệt và khó lường, từ đó giúp nhân dân chủ động ứng phó với thiên tai, bão lũ.
Lũ lụt tàn phá làng mạc xã Đại Hồng, Đại Lộc, Quảng Nam năm 2009. |
Trung tuần tháng 9-2014, có mặt tại vùng “rốn lũ” Đại Lộc, chúng tôi trực tiếp chứng kiến sự chuẩn bị tích cực, quyết liệt của chính quyền các cấp và nhân dân trong công tác phòng chống bão lũ năm 2014. Ông Hồ Ngọc Mẫn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết: Huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo PCLB và TKCN, trong đó ông Mẫn trực tiếp là một phó Ban. Đã tổ chức kiểm tra tại 17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện về công tác phòng chống lụt bão với phương án “5 phương châm, 5 tại chỗ”, trong đó huyện đặc biệt chú trọng vấn đề sơ tán, di dời người dân ở những vùng trũng thấp, sạt lở khi có mưa bão tới.
Đã xác định 4 vùng trọng điểm chính tại vùng A của huyện gồm các xã Đại Lãnh, Đại Hưng... Trong số đó Đại Lãnh có 23 hộ dân, Đại Hưng có 83 hộ dân cần phải di dời nơi ở vì nằm trong vùng sạt lở ven sông Vu Gia. 23 hộ dân ở Đại Lãnh, huyện đang tổ chức san ủi mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu vực Gò Hiên, sang năm 2015, huyện sẽ hỗ trợ cho mỗi hộ dân 10 triệu đồng để người dân di dời hẳn đến nơi ở mới này. 83 hộ dân ở Đại Hưng nằm trong diện luôn sẵn sàng di dời khẩn cấp khi có bão lũ xảy ra...
Vùng B của huyện có 2 trọng điểm gồm 43 hộ dân ở Thanh Vân, Đại Cường. Ngoài phương án sẵn sàng di dời dân khi có bão lũ, huyện đã lập phương án xin xây kè chống sạt lở đất ven sông Vu Gia, nơi các hộ dân đang sinh sống. Hiện phương án đã được UBND tỉnh phê duyệt, giao Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư triển khai trong thời gian tới.
Trọng điểm thứ 2, gồm 23 hộ dân ở Ấp Ba, Mỹ Hào, Đại Phong, cũng đã có chủ trương về nguồn vốn để xây kè Mỹ Hảo, chống xói lở bên bờ sông Vu Gia, ổn định nơi ở cho người dân, nhưng chưa thể triển khai trong năm 2014... Cùng với những vùng nguy cơ sạt lở, thì vùng trũng thấp là vùng C, gồm các xã Đại Hòa, Đại An, Đại Nghĩa, nỗi lo canh cánh khi bão lụt tới là lúc nào cũng cần phải sơ tán hơn 1.000 hộ dân, chỉ còn cách duy nhất là vận động, giúp đỡ nhân dân di dời, sơ tán đến trú ẩn tạm thời ở những nơi an toàn.
Bên cạnh các phương án trên, huyện cũng đã triển khai nhiều công tác ổn định đời sống cho người vùng lũ. Từ năm 2012, huyện đã thí điểm thành công xây dựng 50 ngôi nhà tránh lũ cho người dân ở Đại Lãnh, hiện vẫn đang tiếp tục triển khai tại nhiều địa phương. Từ nguồn vốn của Trung ương, tỉnh, đang triển khai xây dựng tuyến kè Phước Yên, tại xã Đại An dài hơn 1.000 mét nhằm ngăn giảm bớt lũ cho người dân trong khu vực...
Trên địa bàn huyện hiện có 10 hồ đập chứa nước thủy lợi lớn nhỏ, trong năm 2014 này đã thành lập Ban chỉ huy theo dõi khi mùa mưa bão, đã chuẩn bị sẵn sàng các nguyên vật liệu như bao cát, đá hộc... sẵn sàng ứng phó khi có sự cố do bão lũ gây ra.
Qua thực tế triển khai các phương án phòng chống lụt bão, lãnh đạo các địa phương cho rằng, do nằm ở vùng “rốn lũ”, Đại Lộc luôn phải gồng mình đương đầu với những hiểm họa nên vẫn cần rất nhiều sự hỗ trợ, đầu tư, quan tâm của chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương trong thời gian tới.
(còn nữa)
Hồng Thanh