Mùa bắt ễnh ương
(Cadn.com.vn) - Quê nội tôi ở một vùng trung du xứ Quảng, nơi có nhiều loài lưỡng cư sinh sống. Tuổi thơ tôi gắn liền với chăn trâu, cắt cỏ trên cánh đồng làng nên có nhiều thời gian cùng lũ bạn quê bắt cá, bắt ếch, nhái... Đối với tôi, vui và ấn tượng nhất là đi bắt ễnh ương.
Mỗi năm có 2 mùa bắt ễnh ương là khoảng tháng Tư (ÂL). Sau những cơn mưa chiều vào tiết tiểu mãn, lúc này mối cánh từ tổ bay ra nhiều. Chúng bay quần tụ vào nơi có ánh sáng. Lúc bấy giờ, không những có người bắt mối mà còn có các "lực lượng" khác như cóc, ễnh ương, gà... cùng tham gia đớp, mổ ... mối như điên. Lúc này chỉ cần dùng tay bắt bỏ vào xô.
Vào mùa đông, tiết tháng Chín tháng Mười (ÂL), trong các khu vườn hay trên cánh đồng lúa có những hố bom, hố đào, vùng trũng... đầy nước mưa dâng lên tràn miệng, cũng là thời điểm lũ ễnh ương trong mùa "ân ái". Từng cặp nổi lừ đừ trên mặt nước, chúng vừa "cõng nhau" vừa "hòa tấu" hai tiếng "ùm oang - ùm oang". Người bắt chỉ việc lấy vợt mà xúc đổ vào thùng.
Ông nội tôi bắt cả thùng ễnh ương mang về nhà, ông cho một vốc muối hạt (muối sống) vào thùng chứa ễnh ương đang sống, dùng hai bàn tay vừa bóp, vừa trộn đều cho các chất nhớt ở da tuột ra, rồi đem rửa sạch, bắt từng con mổ ruột, bỏ hết bộ lòng, đầu, dùng kéo cắt bỏ các bàn chân trước, sau, rửa sạch để ráo. Tùy món mà cắt miếng nhỏ hay để nguyên con. Nếu chế biến các món chả, rán thì phải lột bỏ da. Có thể rán cả con, hoặc phết bột rán giòn; ễnh ương um sả, ễnh ương xào lăn với nghệ... là các món hấp dẫn, thịt thơm ngon, da ăn sần sật thật thú vị. Món ễnh ương rán giòn này ăn kèm với rau thơm các loại, khế, dưa leo... và chấm nước mắm tỏi ớt để "đưa cay" thì "quên cả lối về".
Muốn làm món chả ễnh ương, sau khi đã làm sạch (loại bỏ da), băm thật nhuyễn cả thịt và xương và giã cho dẻo lại, thêm ít bột mì, hoặc bột gạo để tiếp tục giã cho bột và thịt quyện vào nhau. Cho gia vị như hạt nêm, tiêu bột, muối tinh, lá chanh xắt chỉ, ớt... trộn đều cho thấm và vo thành viên tròn. Khi dầu khử sôi với tỏi đập dập tỏa mùi thơm, thả viên chả vào rán vàng. Hoặc dùng chả viên này để nấu lẩu, nấu cháo, làm nước nhưn ăn với bún thì ngon ngọt không gì bằng.
Muốn nấu món ễnh ương với cháo đậu xanh, chỉ việc bắc soong lên bếp, phi dầu ăn, tỏi, hành tím cho thơm, cho những viên thịt này vào xào chín. Lấy gạo vo sạch cùng với đậu xanh đã cà vỏ cho vào nồi nước nấu chung. Khi gạo và đậu xanh đã nhừ, cho thịt ễnh ương đã xào chín vào. Chờ nồi cháo sôi lại, nêm thêm gia vị cho vừa khẩu vị. Cháo ễnh ương ăn nóng mới ngon. Múc cháo ra chén, rắc thêm rau thơm, ít tiêu xay, ớt chín xắt lát, là đã có một món ăn đồng quê ngon và bổ dưỡng.
Theo dân gian, thịt ễnh ương mát, bổ, chứa nhiều chất dinh dưỡng, giúp trị được nhiều thứ bệnh. Đối với trẻ em suy dinh dưỡng, người vừa khỏi bệnh... cháo ễnh ương là một bài thuốc hiệu nghiệm. Không phải ngẫu nhiên mà có người lại thích ăn thịt ễnh ương, theo họ, loài này giao phối rất hăng, kể cả khi bắt bỏ vào thùng rồi, từng cặp ễnh ương vẫn còn cao hứng "múa" khúc nhạc tình yêu.
Ngày nay dù đi khắp nơi có dịp thưởng thức nhiều món ăn đặc sản vùng, miền, nhưng tôi vẫn nhớ lại các món ễnh ương và những kỷ niệm êm đềm, thi vị cùng đám trẻ quê rủ nhau đi bắt ễnh ương.