Báo Công An Đà Nẵng

Mùa bưởi... đắng

Thứ tư, 09/09/2020 21:16

Là một giống bưởi nhưng trái bưởi làng Đại Bình thuộc xã Quế Trung, H. Nông Sơn (Quảng Nam) có dáng hơi thuôn hình trụ và lớp lông mịn trên vỏ. Chính nét độc đáo có một không hai này cộng với vị ngọt thanh hơi the the đã làm nên giống bưởi đặc sản để người làng Đại Bình gọi theo từ ngữ dân gian loại quả này là trái trụ. Bao năm qua, chắt chiu phù sa màu mỡ từ sông Thu Bồn, trái trụ làng Đại Bình vẫn ngọt, cùng với nhiều loại trái cây khác, như: sầu riêng, măng cụt… tạo ra thương hiệu: làng du lịch sinh thái Đại Bình. Thế nhưng, năm 2020 với cư dân nơi đây lại là mùa trụ đắng.

Làng du lịch sinh thái Đại Bình thưa thớt khách mùa dịch. 

Phía Bắc tựa lưng vào núi, hướng Nam soi mặt xuống sông Thu Bồn, bao năm qua làng Đại Bình e ấp dưới bóng cây xanh với những chùm quả sum suê, từ lâu được biết đến là làng Nam Bộ thu nhỏ trong lòng xứ Quảng. Năm 2020, vẫn thế: Đẹp, yên bình... nhưng vắng khách. Ông Nguyễn Quốc Khánh - một chủ vườn ở Đại Bình, cho biết: Do ảnh hưởng của dịch bệnh, lượng du khách đến với Đại Bình giảm gần 90%. Vì không có khách, các phương tiện vận tải bị hạn chế lưu thông nên cây bưởi trụ đến mùa thu hoạch không có người mua. Nhiều tiểu thương ở chợ Trung Phước vào mua tại vườn với giá 15 ngàn đồng/trái nhưng không bán chạy nên cũng ít vào mua. Nhiều gia đình thu hoạch nhiều đã chọn phương pháp tự cung tự cấp là thuê xe, xin phép địa phương chở trái trụ xuống địa bàn thành phố Đà Nẵng tiêu thụ.

Tương tự, anh Trần Dương, trú Đại Bình, trao đổi: Do được chăm sóc tốt theo tiêu chuẩn VietGap nên so với mọi năm thì cây bưởi trụ năm nay ra trái nhiều hơn, chất lượng... cũng khá hơn song do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên tất cả các chủ vườn đều "khóc đứng, khóc ngồi". Chẳng những bán không được mà giá cũng quá thấp so với giá thành.

Theo tìm hiểu, toàn thôn Đại Bình hiện có 30 ha bưởi trụ lông và diện tích không ngừng được nâng lên qua từng năm. Những năm qua, nhờ sự hỗ trợ quảng bá, dán nhãn hàng hóa của Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam nên giá trị của đặc sản này đã tăng lên nhiều lần. Thời gian gần đây, Hội Nông dân xã Quế Trung đăng ký đây là sản phẩm OCOP của địa phương được nhiều người quan tâm nên sản phẩm làm ra vẫn không đủ cung cấp cho thị trường mà quanh quẩn, vừa đủ cung cấp cho khách du lịch làng sinh thái Đại Bình. Vì đầu ra dựa chủ yếu vào thị trường du lịch nên khi làng du lịch bị đóng cửa để phòng, chống dịch thì đầu ra cho sản phẩm bưởi trụ cũng bị tắc theo.

Nói về chuyện mua bán, một tiểu thương bán bưởi trụ tại làng Đại Bình, lắc đầu bảo: Mấy năm trước, mỗi ngày bán được vài trăm quả với giá 35-40 ngàn đồng/quả. Còn năm nay, giá mua, bán đều thấp, có ngày vẫn không bán được quả nào. Và, theo chị Liễu - tiểu thương chợ Trung Phước, trao đổi: Bưởi trụ Đại Bình chủ yếu tiêu thụ tại chỗ ở làng du lịch và chợ Trung Phước. Vì thế, khi làng du lịch không có khách, chợ Trung Phước vắng người mua cũng đồng nghĩa với việc không tiêu thụ được. Nếu vấn đề này còn kéo dài thì rất tiếc cho một sản phẩm được xem là đặc sản của địa phương và gây thiệt hại nặng cho nông dân. Anh Trần Dương, trú Đại Bình cũng buồn bã tâm sự: So với mọi năm, năm 2020 người dân mất 60% nguồn thu từ việc bán bưởi trụ. Với thu nhập như vậy sẽ không còn vốn để đầu tư cho mùa sau.

Người bán bưởi trụ buồn bã với gian hàng vắng người mua.

Theo tìm hiểu, để giúp người dân mở rộng vùng trồng bưởi trụ đặc sản Đại Bình chất lượng cao, năm 2014 đến 2019, Trung tâm Giống nông - lâm nghiệp Quảng Nam đã triển khai đề tài "Bảo tồn và phát triển nguồn gen bưởi trụ lông Đại Bình". Ngoài việc bảo tồn nguồn gen quý hiếm, trung tâm còn nghiên cứu, hướng dẫn bà con cách nhân giống, chăm sóc... nhằm nâng cao năng suất, chất lượng... theo hướng sản phẩm sạch và nhân rộng diện tích trồng ở 7 xã của H. Nông Sơn với diện tích 20ha và tiếp tục mở rộng thêm.

Cũng về vấn đề mở rộng diện tích trồng bưởi trụ, một cán bộ xã Quế Trung, cho biết: Cuộc sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên ước vọng lớn nhất của người dân Đại Bình là sản phẩm bưởi trụ có thể "vươn cao, bay xa" như bao loại trái cây đặc sản ở các vùng miền khác. Tuy nhiên, do sản phẩm làm ra chưa nhiều, đầu ra chưa được ổn định, việc tiêu thụ chủ yếu dựa vào thị trường du lịch nên gặp đại dịch người dân mất đi tính chủ động trong việc tiêu thụ, dễ lâm vào cảnh khó khăn. Vì trên thực tế, tại một số địa phương làm tốt công tác quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thì dù gặp phải dịch bệnh các sản phẩm nông nghiệp vẫn có thể tiêu thụ tốt, tạo thu nhập ổn định cho người dân.

Để người dân Đại Bình không còn những mùa trụ đắng, chính quyền địa phương cần có những cơ chế hỗ trợ, hướng dẫn người dân phát triển hơn nữa vùng nguyên liệu theo hướng sạch, bền vững và có sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 nhà: doanh nghiệp-nhà khoa học-nhà nông để sản phẩm có đầu ra bền vững.

M.T