Báo Công An Đà Nẵng

Mùa cam biên giới

Thứ năm, 18/11/2021 22:16

Chúng tôi lên huyện miền núi biên giới Việt-Lào, Tây Giang, Quảng Nam vào trung tuần tháng 11-2021, đúng vào dịp người dân các xã vùng cao đang thu hoạch vụ cam... Bà con Cơ Tu phấn khởi cho biết, cam năm nay được mùa và cũng là lần đầu tiên trái cam vùng biên giới Tây Giang được đưa về đồng bằng tiêu thụ. Đã có cả trăm hộ dân thu nhập mỗi hộ hàng trăm triệu đồng từ tiền bán cam, đây là điều chưa từng có ở vùng biên cương khó khăn này...

Ông Bhriu Liếc- nguyên Bí Thư Huyện ủy Tây Giang, là người con Cơ Tu sinh ra, lớn lên tại vùng đất A Xan, nơi đang có đặc sản cam Tây Giang, “bật mí” với tôi: “Không biết giống cam ở khu 7, tức các xã vùng cao biên giới Tây Giang gồm TrHy, A Xan, Ga Ry, Chơm… có từ bao giờ, nhưng từ hồi tôi còn bé, tức cách đây gần 60 năm, bố tôi, lúc đó làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến lâm thời ở khu 7, đã trồng một vườn cam ở thôn A rằng. Không biết ông lấy giống ở đâu về, người thì bảo do bộ đội miền Bắc mang vào, người thì nói giống cam mang từ Lào sang…

Trải qua chiến tranh rồi thiên tai bão lũ, vườn cam không ai chăm sóc, đến bây giờ ở A Rằng còn sót lại đúng một cây cam ở khu vườn xưa, cây cam năm nay cũng xấp xỉ có tuổi đời trên 70 tuổi…”.  Chẳng biết có phải như thế không, giống cam ở A Xan được người dân mang lên trồng ở khắp khu 7. Người dân trồng cam ở khắp nơi, nhiều nhất là trên các vạt nương rãy, nhưng cam trồng rồi cũng để lâu lâu hái ăn chơi, rồi bỏ rụng cho trâu bò ăn… Tội nghiệp cho trái cam vùng biên cương có vị ngọt thanh mát, có thể khẳng định trên 100% là “cam sạch” nhưng phải chịu số phận hẩm hiu nằm lẩn khuất bên những cánh rừng già không ai biết đến. Nguyên nhân đầu tiên là cả vùng cam này từ ngàn đời nay không có đường giao thông…

Nhưng  số phận cây cam khu 7, Tây Giang đã khác. Ông Nguyễn Chí Toàn- Giám đốc Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp Tây Giang cho biết, cách đây 3 năm, vào cuối năm 2018, đoàn cán bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi đi khảo sát các vùng miền núi biên giới đã phát hiện ra giống cam quý khu 7, Tây Giang. Lập tức, một đề án nghiên cứu bảo tồn nguồn gen quý cây cam Tây Giang đã được thành lập, triển khai trong 3 năm 2019-2021. Theo kết quả đề tài nghiên cứu của đề án khoa học này, cây cam Tây Giang (Citrus sinensis L) có nguồn gốc tại huyện Tây Giang, Quảng Nam, phân bố rải rác trên địa bàn huyện nhưng tập trung chủ yếu tại xã A Xan và Ga Ry. Cây có nguồn gốc từ lâu đời, thích hợp với điều kiện tự nhiên của vùng đất Tây Giang và được bà con dân tộc lưu giữ. Nhiều cây cam cổ thụ tự nhiên có chiều cao 4-5 mét, đường kính tán rộng 5-6 mét mọc hoàn toàn tự nhiên không được chăm sóc bón phân, tỉa cành.

Kết quả đánh giá đặc điểm sinh trưởng cây cam Tây Giang có khả năng ra hoa lớn, trọng lượng quả trung bình 150-230gram/quả, vỏ quả màu xanh khi chín chuyển dần vàng nhạt, vỏ mỏng, quả có hàm lượng nước cao và có vị ngọt mát không chua, hàm lượng dinh dưỡng cao. Giống cam này bắt đầu chín từ tháng 9 âm lịch đến giáp tết âm lịch. Cây cam nơi đây hoàn toàn tự nhiên, không phân bón, không thuốc bảo vệ thực vật, ít có tác động từ con người. Giá bán trung bình của cam Tây Giang hiện nay khoảng 15.000 đến 20.000 đồng/kg ngay tại vườn. Tóm lại cam tây Giang có chất lượng tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nơi đây. Bảo tồn và phát triển nguồn gen giống cam này không chỉ có ý nghĩa về bảo tồn đa dạng sinh học mà còn có khả năng phát triển hàng hóa đặc sản ở mỗi địa phương, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con dân tộc trong vùng.

Tính đến năm 2018, xã Ga Ry và  xã A Xan có diện tích trồng cam lớn nhất huyện Tây giang với số lượng hàng chục héc-ta, hàng trăm nghìn gốc cam. Tuy nhiên, việc sản xuất cam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do không có nguồn tiêu thụ cam.  Ông Zơ Zâm Nhưng- Chủ tịch UBND xã Ga Ry cho biết, cả xã có hơn 80 hộ trồng cam, chủ yếu trên các khu vực nương rãy. Mùa cam năm nay, lần đầu tiên UBND huyện kết nối được một số doanh nghiệp, tư thương ở Tam Kỳ và Đà Nẵng lên thu mua cam cho người dân. Tính đến giữa tháng 11-2021, đã có khoảng gần 100 tấn cam được chuyển về thị trường Đà Nẵng, Tam Kỳ. Nhiều hộ dân đã có thu nhập từ 150 triệu đến 200 triệu đồng trong vụ cam này, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Đây là động lực để địa phương khuyến khích người dân phát triển thêm diện tích trồng cam.

Ông Bling Mia- Bí thư Huyện ủy Tây Giang cũng cho biết, qua đề án nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, địa phương càng tin tưởng và phấn khởi vì trên vùng biên giới này đang tồn tại giống cây ăn quả quý. Nhưng vùng biên giới Tây Giang địa hình núi cao hiểm trở, đường giao thông lên các xã biên giới đã được đầu tư, nhưng cứ đến mùa mưa bão là xảy ra tình trạng sạt lở, giao thông tắc nghẽn, đề nghị chính quyền tỉnh Quảng Nam và Trung ương quan tâm hơn nữa, đầu tư nâng cấp về hạ tầng giao thông vì đây còn là tuyến đường thông thương với cửa khẩu phụ ChNốc sang nước bạn Lào. Huyện Tây Giang cũng đề nghị tỉnh Quảng Nam và Trung ương hỗ trợ về các thủ tục pháp lý để huyện triển khai quy hoạch vùng chuyên canh trồng cam và cả cây đẳng sâm và các loại cây trồng  đặc hữu khác ở địa phương.

Hồng Thanh