Mùa Cỏ Hồng Đà Lạt
Huyền thoại Cỏ Hồng
Ngày xửa ngày xưa, ở vùng La Ngư Thượng (Đà Lạt ngày nay), có nàng KaHồng xinh đẹp, hiền thục nhất vùng. Một ngày nọ, nàng siêu lòng trước lời "ong bướm" của K'Sương: "Sao đầy trời không đẹp bằng trăng/ Gái đầy vùng không đẹp bằng em". Nàng cầu hôn chàng (theo chế độ mẫu hệ), nhưng cha chàng thách cưới quá cao. Bao năm làm lụng cần mẫn mà không đủ lễ vật thách cưới, nàng đành đứng nhìn chàng về làm chồng cô gái khác giàu có hơn mình. Đau khổ và tuyệt vọng, nàng cứ ở vậy, lao động suốt ngày đêm, quên ăn quên ngủ cho đến kiệt sức, quyên sinh. Trên nấm mộ nàng mai táng ở chân đồi, mọc lên một loài cỏ rất lạ. Mùa mưa, ken dày như thảm nhung xanh, mùa khô hồng rực như má môi thiếu nữ, người đời thương tình đặt tên là Cỏ Hồng. Cảm kích trước tình yêu bất diệt của KaHồng, sau khi qua đời, K'Sương biến thành hạt sương, hằng đêm vương trên Cỏ Hồng "như lời xin lỗi", không rời xa. Chỉ đến khi mặt trời lên nung chảy, sương bốc hơi thành hơi nước bay về trời, để rồi đêm sau, lại biến thành sương đậu trên ngọn Cỏ Hồng. Thật huyền bí và nhân văn biết bao. Ngày nay, chỉ ở Đà Lạt và vùng phụ cận mới có đồi Cỏ Hồng, ngậm sương như tuyết trắng châu Âu giữa mùa hè Việt Nam.
Lãng mạn và quyến rũ
Đầu mùa khô (tháng 11 hàng năm) là thời điểm Cỏ Hồng ra hoa, khoe sắc. Với sức sống mãnh liệt, dẻo dai, dù trên đồi sỏi đá khô cằn, hay đất đỏ bazan, Cỏ Hồng luôn ngẩng cao đầu kiêu hãnh và thách thức. Vào độ xuân thì, bông Cỏ Hồng ngậm sương như tuyết trắng vào ban mai, bừng nở hồng rực ban trưa, rồi ngả màu hồng tím chiều xuống. Lông cỏ mềm mượt, cọ vào người gây nhồn nhột, thích thú. Cỏ Hồng không tỏa hương, nhưng lãng mạn, phiêu bồng, đùa vui cùng gió sương. Vốn không thích khoa trương xô bồ, Cỏ Hồng tìm đến những nơi yên tĩnh, ít người lui tới. Giản dị, mộc mạc mặc áo hồng, Cỏ nũng nịu trong vòng tay mẹ - thiên nhiên, làm "mê đắm" những ai… dù hững hờ nhất. Cỏ Hồng nhớ gió, yêu sương. Mỗi khi sương đến, Cỏ ngượng ngùng rớm lệ long lanh, gửi sương hương vị tình yêu chân thật. Thế nhưng, sương là kẻ đa tình, thích lang thang khắp nơi, ban phát tình yêu đến vạn vật trong trời đất. Cỏ Hồng thẫn thờ buồn bã, ngày ngày chỉ biết nhờ mặt trời chiếu sáng, làm nổi bật áo hồng mình lên, hy vọng đêm đêm sương động lòng trắc ẩn… tìm về.
Săn ảnh Cỏ Hồng
Mấy tuần nay, nhiều người "phát sốt" vì chưa nhìn thấy tận mắt Cỏ Hồng Đà Lạt. Hỡi những ai đam mê nhiếp ảnh, hãy đến một đồi Cỏ Hồng nào đó, trước 5 giờ sáng, để chụp đồi cỏ tuyết mỏng manh trong sương lạnh. Nên đi bằng xe máy, ô-tô (4 - 7 chỗ), vì phải len lỏi trên những cung đường mòn, gập ghềnh, khúc khuỷu. Đừng vô tình dẫm lên vạt Cỏ Hồng, sương tan, cỏ nát thảm thương lắm, chụp hết đẹp. Nên dùng ống kính tiêu cự ngắn (wide) để diễn tả sự mênh mông, hoành tráng đồi Cỏ Hồng. Và, đừng quên, dùng ống kính tiêu cự dài (tele) đặc tả hạt sương long lanh trên đầu ngọn cỏ. Có thể, dùng điện thoại thông minh, máy tính bảng (ipad), camera… chụp Cỏ Hồng vẫn đẹp. Nên chụp nhiều góc độ, thời khắc (sớm, trưa, chiều, tối, đêm) sẽ có nhiều ảnh đẹp, mới lạ. "Chụp ảnh như bắn súng" - nín thở bóp cò, chắc tay, ảnh nét vô cùng. Hai ngày nghỉ cuối tuần vừa rồi, tôi đưa nghệ sĩ nhiếp ảnh Ngân Liên (Hà Nam) lọ mọ, đi từ 4 giờ sáng (từ Dinh Bảo Đại) đến đồi Cỏ Hồng Suối Vàng (đẹp nhất Đà Lạt), vừa kịp bình minh. Chúng tôi chụp liên thanh "như vãi đạn", sợ mặt trời lên cao đồi tuyết trắng, sương tan, biến mất. Mặt trời lên (độ 2 con sào) tôi mới thấy nhiều lều bạt đủ màu của "Dân phượt" Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế, Sài Gòn, Cần Thơ… ngủ bìa rừng cạnh Cỏ Hồng, đang thi nhau "tự sướng" tìm ảnh đẹp, tung lên "Phây" khoe bạn bè. Rồi, hàng trăm nam thanh, nữ tú và chục cặp cô dâu - chú rể, đua nhau chụp với Cỏ Hồng. Thật sinh động, náo nhiệt và hứng khởi vô cùng. Tôi thường gặp may, mỗi khi săn ảnh ở Đà Lạt. Mấy hôm nay cũng vậy, tôi chọn vạt Cỏ Hồng đẹp nhất, đứng chờ… Và, quả nhiên một lúc sau gặp "Tiên giáng trần". Đó là những sinh viên, nghệ sĩ, người mẫu, viên chức… trẻ đẹp mê Cỏ Hồng, làm mẫu miễn phí.
Ngoài ở Suối Vàng, quanh núi Lang Biang, Cỏ Hồng còn mọc nhiều ở Trại Mát, Thái Phiên, Đạ Sar, Vườn quốc gia Biduop-Núi Bà... Tôi đã gặp K'Than (có lẽ là hậu duệ của K'Sương) làm nghề "cuốc dãy" Cỏ Hồng thành từng tảng, bán cho mọi đối tượng. Thấy được giá trị Cỏ Hồng, H. Lạc Dương (phụ cận Đà Lạt) đã 4 lần tổ chức "Mùa hội Cỏ Hồng Lang Biang" với nhiều hoạt động hấp dẫn (2 năm 1 lần) như: Lễ hội đua ngựa không yên, Liên hoan ẩm thực-rượu cần Lang Biang, Thi ảnh online "Cỏ Hồng trao duyên"… hưởng ứng Festival Hoa Đà Lạt.
Cùng với muôn loài hoa khác, Cỏ Hồng đã góp phần làm nên thương hiệu "Đà Lạt - Top 52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới". Cỏ Hồng là "Sứ giả mới" của Đà Lạt - Thành phố Festival Hoa Việt Nam. Hãy đến, Đà Lạt để trải nghiệm, chiêm ngưỡng, chụp ảnh cùng Cỏ Hồng. Biết đâu, bạn sẽ chụp được tấm ảnh Cỏ Hồng nổi tiếng thế giới!
Hà Hữu Nết