“Mưa dầm thấm lâu”
(Cadn.com.vn) - Những tranh cãi quanh việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) vẫn đang phủ bóng mối quan hệ Trung –Hàn. Trong khi Seoul nhất quyết đẩy nhanh tiến trình triển khai THAAD, Bắc Kinh dường như đã bắt đầu mở chiến dịch trả đũa THAAD bằng kinh tế.
Mới đây, Trung Quốc thậm chí đe dọa sẽ siết chặt quản lý đối với làn sóng văn hóa Hàn Quốc (Hallyu) đang lan rộng tại nước này. Trong biện pháp trả đũa khác, Bắc Kinh hủy tư cách cấp giấy mời visa thương mại cho các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc. Dù chưa rõ liệu vấn đề giao lưu văn hóa và làn sóng Hallyu sẽ ảnh hưởng như thế nào, nhưng có thể thấy, cuộc chiến về THAAD xem ra đã có nạn nhân đầu tiên, đó là một lễ hội gà và lễ hội bia.
Các quan chức của thành phố Thanh Đảo, Trung Quốc mới đây quyết định không tham dự một lễ hội gà ở thành phố kết nghĩa Daegu của Hàn Quốc và yêu cầu thị trưởng Daegu không tham dự một lễ hội bia ở Thanh Đảo trong tháng này. Vụ việc giữa Daegu và Thanh Đảo châm ngòi nổ cuộc chiến ngoại giao và hợp tác kinh tế bùng nổ từ quyết định triển khai THAAD của Seoul. Bên cạnh đó, mới đây, một sự kiện lớn liên quan đến một blogger nổi tiếng của Trung Quốc dự kiến diễn ra ở Hàn Quốc cũng đã bị hoãn.
Hiện nay, người dân Hàn Quốc phản đối triển khai THAAD vì lo ngại mất đi mối quan hệ kinh tế với đối tác lớn nhất Trung Quốc. Trên thực tế, dường như Bắc Kinh đang thực hiện chiến lược trả đũa từ từ, theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Một số hãng tin ở Trung Quốc cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông nước này đang có kế hoạch quyết định hạn chế khách mời, là các ngôi sao Hàn Quốc, xuất hiện trên chương trình phát sóng của Trung Quốc. Ngoài ra, các đài truyền hình ở Trung Quốc bắt đầu dời các chương trình truyền hình nước ngoài ra khỏi khung giờ vàng.
Nếu những thông tin này là đúng, điều này đánh dấu lần đầu tiên những tranh cãi chính trị ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành giải trí ở Hàn Quốc và Trung Quốc. Thực ra, giới lãnh đạo Trung Quốc từ lâu đã trăn trở về ngành giải trí nước nhà so với Hàn Quốc. Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, một cơ quan tư vấn chính trị, dành hẳn cuộc họp vào năm 2014 để tìm câu hỏi, “vì sao Trung Quốc không thể làm một chương trình tốt và có ảnh hưởng lớn như Hàn Quốc”.
Thanh Văn