Báo Công An Đà Nẵng

Mùa đi hái măng rừng

Thứ hai, 27/04/2015 11:11

(Cadn.com.vn) - Abăng crơng tiếng Cơ Tu là măng rừng. Trên rừng có nhiều loại họ tre cho măng (abăng) như: nứa (cơrơđê), trúc (ateh), giang (hrtuôl), mai (p’o)... Tùy theo mỗi loại trong số đó mà thời gian mọc măng khác nhau. Thường thì  từ đầu tháng 5 đến tháng 9 trong năm là mùa măng rừng mọc nhiều nhất. Đi từ Trung Mang lên thị trấn Prao H. Đông Giang rồi theo đường Hồ Chí Minh qua Adich, rẽ trái về trung tâm H. Tây Giang (Quảng Nam), đâu đâu cũng thấy những rừng tre, nứa, trúc, lồ ô, mai, giang...ken dày. Họ tre rừng chịu được nắng hạn, không cần đất tốt cũng mọc được. Mùa nắng lá úa vàng xơ xác, nhưng mưa xuống lại um tùm xanh tươi.

Khi những cơn giông đầu mùa kéo đến, mưa bất chợt trút xuống những cánh rừng. Những thân tre già quằn quại trong giông gió để rồi gốc rễ cựa mình uống nhựa đất mà nẩy những chồi măng nhú lên đầy sức sống. Măng rừng như thứ lộc của trời, là niềm an ủi những người con núi rừng qua cơn đói, là nguồn thu nhập ngoài nương rẫy, ruộng vườn của những gia đình đồng bào dân tộc vùng cao, là món quà tặng, là thứ hàng hóa được xếp vào loại... “lâm sản” được nhiều người vùng xuôi ưa thích.

Chị Bríu Trơ, một phụ nữ Cơ Tu ở xã Ating, H. Đông Giang cho biết, đến mùa măng rừng, mỗi ngày nhà chị hái được từ 10 đến 20 kg. Sau khi luộc  xong, mỗi ký măng rừng bán 2.000 đồng. Nhờ những mùa hái măng rừng như thế mà chị có thêm khoản tiền lo cho 2 con ăn học. Hỏi chuyện mới biết, nghề hái măng rừng có đồng ra đồng vào, cái ăn của gia đình chị có khá hơn những tháng khác trong năm. Nhưng không phải là không vất vả. Mỗi sớm, Bríu Trơ cùng những phụ nữ đi hái măng trong làng đã phải cơm đùm cơm vắt mang gùi trên vai đi vào rừng, chiều tối mới về nhà. Đầu mùa, măng rừng còn nhiều nên không phải đi xa. Lấy mãi cũng hết, những phụ nữ đi hái măng phải lặn lội vào sâu trong các khe suối, lên những cánh rừng cao. Đôi chân trần nhiều lúc vấp phải đá tóe máu. Tre rừng có loại đầy gai nhọn, cào cấu rách da thịt là chuyện thường. Vì miếng cơm manh áo hay vì thói quen hay làm, hằng ngày những phụ nữ vẫn miệt mài vào rừng hái măng.

Hái và sơ chế măng rừng đem lại thu nhập cho phụ nữ vùng cao Quảng Nam.

Măng hái về, nếu qua chế biến sẽ được giá hơn. Cách “chế biến” đơn giản nhất là luộc. Măng được lột sạch vỏ, dùng cây nhọn chọt thủng các “mắt” bên trong rồi bỏ vào nồi luộc. Làm như vậy nước sẽ ngấm đều vào cây măng nên dễ chín hơn. Luộc măng vừa chín tới thì vớt ra, để ráo nước thì đem ra chợ bán. Có thời gian và trời nắng tốt thì đem phơi khô. Măng luộc chín rồi, phụ nữ Cơ Tu dùng dao chẻ theo chiều dọc của cây măng thành những mảnh nhỏ rồi đem phơi nắng. Mỗi ký măng khô có thể bán được 40 ngàn đồng... Chắc mỗi người, trong suốt cuộc đời không ít lần được thưởng thức dư vị của măng rừng, dù cho nó nằm ở những cánh rừng Việt Bắc xa xôi hay những cánh rừng Tây Nguyên nắng cháy, dù nó ở phía Tây Quảng Nam hay những cánh rừng nào đó trên dải đất Miền Trung...

Người có “văn hóa ẩm thực”, gọi nôm na là “sành ăn” thì măng rừng là một thứ đặc sản, nếu như biết chế biến đúng cách. Thật ra, chế biến món ăn từ măng rừng không cần phải cao lương mỹ vị gì nhiều. Măng rừng mua về, luộc chín rồi xắt mỏng, ép cho ráo nước. Sau đó phi dầu thơm, trộn đều lên, cho đậu phụng hay mè vào, nếm muối vừa ăn, rắc thêm ít tiêu và rau răm, húng quế...sẽ có món trộn (nộm) rất hấp dẫn. Món này xúc bánh tráng nướng, uống rượu gạo thì ngon tuyệt.  Có một món ăn được chế tác từ măng rừng cũng không kém hấp dẫn là măng hầm với thịt vịt xiêm (ngan) hay thịt gà. Món này ăn nóng với bún hoặc bánh tráng nướng, như món xáo. Nếu kho với thịt gà, thịt vịt thì dùng làm thức ăn với cơm.

Có một “món ngon nhớ lâu”mà người làng quê Quảng Nam nào cũng biết, đó là măng dầm mắm cái. Măng rừng (măng tre) tươi xắt khúc như lóng tay rồi cho vào hũ đổ mắm vào. Sau một tuần, múc ra ăn với cơm nóng. Măng dầm trong mắm cái vừa “chín” vừa giòn sừn sựt. Con mắm vẫn chưa tan hết nên “quấn quýt” cùng với măng. Trái ớt xanh dằm vào chén mắm hòa quyện mùi thơm của biển cả, hương vị của sơn khê. Nhìn chén mắm ngon mà nồi cơm mau vơi đi...

Mùa măng rừng trên núi rừng Quảng Nam lại gợi nhớ miên man chốn quê nhà lam lũ. Những bữa cơm mùa lụt có chén mắm dầm măng từ ngọn tre non bị gió đánh gẫy. Lại hình dung đôi vai của những phụ nữ vùng cao oằn hơn mỗi buổi hoàng hôn từ rẫy về. Lại như thấy niềm vui ánh lên trong mắt người mẹ trẻ Cơ Tu ở các bản làng dọc đường Hồ Chí Minh khi có người dừng xe trước hiên nhà để vào mua măng. Những đồng bạc chắt chiu từ mồ hôi, công sức sau những ngày lội suối băng ngàn có giúp cho những đứa con của họ thành tài...?

Thạch Hà