Mùa hè không mất
(Cadn.com.vn) - Khi tổng kết "Trại sáng tác văn học thiếu nhi đất Quảng hè 2013, nhà văn Lê Trâm, Chi hội trưởng Chi hội Văn học (Hội Văn học- Nghệ thuật Quảng Nam) có một cảm nhận sâu sắc: "Cũng may mắn cho chúng ta, nếu không chúng ta mất toi một mùa hè".
Chính nhà văn Lê Trâm trong ngày đầu tiên tập trung các cây bút nhí ở Trại sáng tác không thể nung nấu tham vọng lớn. "Mong sao kết thúc cuộc chơi này, trong 21 em, có được một em biết viết và có tác phẩm trao giải là quý lắm rồi...". Ấy vậy mà, "cuộc chơi" ấy đã mang đến cho những người tổ chức Trại sáng tác, đồng thời cũng là những hạt nhân kế thừa, mong muốn phát huy mạch nguồn văn chương xứ Quảng, niềm tin rằng văn học đất Quảng vẫn có người nối tiếp mạch nguồn ấy.
Vẫn là những nét hồn nhiên, trong sáng của lứa tuổi, những tư duy trẻ thơ tự nhiên, chân thật, không gò bó... nhưng khi đọc sáng tác của các em, dễ dàng cảm nhận hết năng khiếu văn chương và tấm lòng của các em trước những hình ảnh đời thường, gần gũi, xung quanh mình, đã đi vào mỗi trang viết của các em như thế nào, không nhất thiết phải mất thì giờ tìm kiếm đề tài xa lạ. Các em đã đến Khu du lịch Hồ Phú Ninh, Tượng đài Chiến thắng Núi Thành, Khu Kinh tế mở Chu Lai, Biển Rạng Núi Thành, Khu tưởng niệm nhà văn - liệt sĩ - anh hùng LLVT Chu Cẩm Phong ở Duy Xuyên, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Nhà thờ tộc Nguyễn Tường (nhóm văn Tự lực văn đoàn), biển Cửa Đại Hội An, Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi và sơ sinh và Làng Hòa Bình (nơi nuôi dưỡng trẻ em nạn nhân chất độc da cam/dioxin) Quảng Nam,... Và, ở mỗi nơi đến đã thật sự làm trái tim các em không ngủ được.
21 cây bút nhí thực tế tại hồ Phú Ninh. |
Thời gian tuy ngắn ngủi nhưng các em cảm nhận nhiều điều tốt đẹp về cuộc sống. Trong đó, các em luôn được ban tổ chức, những cô chú nhà văn, nhà thơ và cả những người mà các em gặp ở các vùng miền trong tỉnh khi đi thực tế, dặn dò về thái độ của người cầm bút. Hay nói cách khác đó là cái đạo nghĩa trong mỗi con chữ được các em viết ra từ suy nghĩ của mình. Em Lê Phan Lệ Quyên ở Hội An (giải khuyến khích) viết: "Chúng con đã nhận ra được chân lý tốt đẹp của cuộc sống. Sau khi rời ngôi làng Hòa bình ấy, thật sự nước mắt con đã rơi ...". Với em Huỳnh Diễm Diễm ở Đông Giang (giải C), khi tham quan Mỹ Sơn, đã "kể" với bố: "Đã từng biết về nơi này nhiều qua sách báo, qua lời kể của ba về một di tích trầm mặc giữa lòng thung lũng. Dường như đâu đó vẫn tồn tại sự sống của những cổ nhân. Con đường mòn dẫn lên di tích dài quanh co. Núi rừng ôm gọn những đền tháp. Khói mây kỳ ảo như đưa chân những chuyến ngao du của các vị thần, Mỹ Sơn tràn trề sức sống và sự sống...". Dĩ nhiên, với một trại sáng tác cho trẻ, không thể không lung linh tuổi hoa niên. Văn Trần Nhã Trúc ở Quế Xuân, Quế Sơn (giải A) làm cho những nhà văn cha chú ngạc nhiên với truyện ngắn "nhớ" về một người bạn cùng lớp có sở thích kỳ lạ - đó là gió. Trúc viết: "Gió cuốn tôi vào nỗi nhớ, gió xoa dịu nỗi buồn, gió gợi lại trong tôi hình ảnh của Phong - mái tóc cháy nắng màu nâu, đôi mắt đen biết cười, lúm đồng tiền khi cười rất duyên, giọng nói hơi trầm nhưng ấm áp... Tất cả, quen đến nỗi chỉ cần nhắm mắt lại thôi sẽ mường tượng ra được khuôn mặt ấy...".
Với 27 bài thơ, 35 bài văn các em gửi về Ban Tổ chức đã là một con số đáng trân trọng. Ban Tổ chức đã trao 2 giải A, 2 giải B, 4 giải C và 6 giải Khuyến khích. Ngoài ra Ban Dân tộc, Sở LĐ-TB&XH, Sở VH-TT&DL, Tỉnh đoàn, Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở GD-ĐT trao tặng phẩm cho các em có phong cách diễn đạt, có triển vọng, nhỏ tuổi nhất, có tác phẩm giàu tính phát hiện,...
Niềm đam mê văn học và trách nhiệm với những người đã nỗ lực tổ chức Trại sáng tác cũng đáng được khen ngợi. Nhà thơ Phan Chín, Phó tổng biên tập Tạp chí Đất Quảng, thành viên Ban giám khảo không giấu được niềm vui: "Tôi thật sự bất ngờ khi đọc tác phẩm của các em gửi về trong thời gian dự Trại sáng tác. Càng đọc càng bị cuốn hút". Còn nhà văn Lê Trâm thì nói như thở phào: "Cũng may mắn cho chúng ta...".
Huỳnh Trương Phát