Báo Công An Đà Nẵng

Mùa hè “ớn lạnh” của NATO

Thứ năm, 30/08/2018 13:27

Các quốc gia liên minh quan trọng trong tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã “có công” giúp Mỹ đối phó với sự nổi lên của Trung Quốc theo cách họ đã giúp Washington chống chọi với Moscow trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan và người đồng cấp Donald Trump trong lần gặp nhau tại khách sạn Palace bên lề phiên họp Đại hội đồng LHQ lần thứ 72 vào tháng 9-2017.   Ảnh: AP

Cuộc khủng hoảng chính trị - kinh tế giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Và giới phân tích cho rằng, khủng hoảng Mỹ-Thổ càng gia tăng, nó càng phơi bày những điểm yếu đáng lo ngại của NATO.

ĐÂU LÀ ĐIỂM YẾU CỦA NATO?

Không ngoa khi nói, NATO đang trải qua một mùa hè “ớn lạnh”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục chỉ trích liên minh quân sự duy nhất trên thế giới này, và hồi tháng trước lại có những hành động “gây rối” tại Hội nghị thượng đỉnh NATO. Và giờ đây, liên minh quân sự này phải chịu đựng sự bùng nổ khủng hoảng lớn giữa hai thành viên chủ chốt: Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Những tranh cãi, cùng với vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ linh mục người Mỹ Andrew Brunson và những cáo buộc giả mạo về cuộc đảo chính bất thành chống lại Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hồi năm 2016, càng khiến cả hai tiếp tục “lầm đường lạc lối”. Và đã có những suy đoán rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể trừng phạt Washington bằng cách liên kết chặt chẽ hơn với Nga.

Tuy nhiên, những tranh cãi quanh vụ linh mục Brunson chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” trong mâu thuẫn giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Tương tự như vậy, những vấn đề mà NATO đối đầu lại càng sâu sắc hơn thách thức đến từ một tổng thống Mỹ không có tình yêu với phía bên kia bờ Đại Tây Dương. NATO đang đối mặt với một loạt các thách thức lớn hơn về cấu trúc. Tổng thống Trump không gây ra những vấn đề này, nhưng ông cũng không giúp các đồng minh giải quyết vấn đề dễ dàng hơn mặc dù các quốc gia liên minh quan trọng này đã “có công” giúp Mỹ đối phó với sự nổi lên của Trung Quốc theo cách họ đã giúp Washington chống chọi với Moscow trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Tàn phá mối quan hệ Mỹ-Thổ là một minh chứng rõ nét. Căng thẳng bùng nổ trên đồng hồ của ông Trump, và người ta có cảm giác ông chủ Nhà Trắng cũng không muốn giải quyết khúc mắc với Ankara.

CĂNG THẲNG TIỀM ẨN

Nhưng nói cho cùng, mối quan hệ Mỹ-Thổ trở nên rắc rối ngay cả trước khi ông Trump nhậm chức.

Đó là những xung đột trong cuộc chiến ở Syria, nơi Mỹ ủng hộ các nhóm người Kurd mà chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ coi là kẻ thù; chủ nghĩa chống Mỹ ngày càng tăng ở Thổ Nhĩ Kỳ và quyết định của Ankara mua hệ thống phòng không tinh vi từ Nga, và việc Thổ Nhĩ Kỳ nghi ngờ Mỹ đã đứng sau nỗ lực đảo chính bất thành hồi tháng 7-2016. Tất cả đủ để tạo ra một cuộc khủng hoảng cho dù bất kể ai lên nắm quyền ở Nhà Trắng.

Và tất nhiên, NATO không thể yên ổn khi hai ông lớn trong khối “đánh nhau”. Liên minh này không cam chịu, nhưng dường như bất lực. Nó hiện vẫn là liên minh địa chính trị mạnh nhất và duy nhất trên thế giới. Và vẫn còn rất nhiều vấn đề cần hợp tác xuyên bờ Đại Tây Dương: tầm ảnh hưởng của Nga, giải quyết bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi, cuộc chiến kinh tế với Trung Quốc... Đây là lý do tại sao các nước cam kết làm nỗ lực để giữ vững và tăng cường liên minh. Nhưng, những nỗ lực đó hầu như không thành công cho đến nay.

TRÚC LINH