Báo Công An Đà Nẵng

Mua hơn 2.000 sim rác, lập ví điện tử chiếm đoạt 2,6 tỷ đồng

Thứ bảy, 01/02/2020 15:19

Ngày 31-1, Đại tá Phạm Văn Toàn - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) CA tỉnh TT-Huế cho biết, đơn vị vừa phá chuyên án, bắt giữ đối tượng có liên quan đến hành vi thu thập, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng của người khác để chiếm đoạt tiền từ các ví điện tử.



Võ Anh Tuấn và một số tang vật vụ án.

Đánh lừa hàng ngàn người

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Đội Công nghệ cao của Phòng CSHS CA tỉnh TT-Huế phát hiện, đối tượng Võ Anh Tuấn (1996, trú Quảng Bình, thuê phòng chung cư sinh viên Thanh Lịch ở đường Thái Phiên, TP Huế) được hàng ngàn người ủy quyền để mở tài khoản. Điều đáng nói, khi tiếp xúc với cán bộ CA, những người ủy quyền cho Tuấn mở tài khoản đều tỏ ra ngạc nhiên và không hề hay biết người này cũng như việc ủy quyền mở tài khoản. Nhiều học sinh cho rằng, có 1 lần được một cán bộ của nhà trường đưa cho các em biểu mẫu ngân hàng, rồi yêu cầu các em điền thông tin vào để mở tài khoản nên các em cứ thế làm theo. Xác định, động cơ ủy quyền để mở tài khoản của Tuấn nhằm mục đích chiếm đoạt ví tiền điện tử; Phòng CSHS CA tỉnh TT-Huế đã xác lập chuyên án để đấu tranh, truy bắt. Thời điểm Võ Anh Tuấn bị bắt giữ tại Chung cư sinh viên Thanh Lịch, lực lượng CA thu giữ được 2 thiết bị số kích hoạt sim điện thoại, 3 bộ phát 3G và 2.011 chiếc sim điện thoại cùng hàng loạt thẻ ngân hàng.

Theo kết quả điều tra ban đầu, từ tháng 4-2018, đối tượng Võ Anh Tuấn tìm mua số lượng lớn sim điện thoại, sau đó đăng tìm trên các diễn đàn facebook những người nào có nhu cầu cần tiền thì liên hệ với Tuấn. Tiếp đó, Tuấn thuê hoặc hướng dẫn người đó dùng chứng minh nhân dân của chính họ và số điện thoại do Tuấn cung cấp để mở tài khoản rồi đưa thông tin tài khoản cho Tuấn cùng mã OTP (mật khẩu dùng một lần) kích hoạt. Cứ mỗi trường hợp, Tuấn trả 90 ngàn đồng và tất cả các số tài khoản đều do Tuấn quản lý và sử dụng.

Theo cơ quan điều tra, cùng thời điểm này, Tuấn thuê một người quen làm việc tại 1 trường cấp 3 của tỉnh Quảng Bình lập danh sách các học sinh trong trường, hướng dẫn các em điền vào biểu mẫu ngân hàng và ủy quyền cho Tuấn mở tài khoản tại một số chi nhánh ngân hàng Quảng Bình như: Vietcombank, BIDV, ABbank... Để thuận lợi cho việc tạo tài khoản ngân hàng cho những khách hàng ở xa hoặc ngoại tỉnh; Tuấn đã yêu cầu cung cấp thông tin chứng minh nhân dân và các thông tin cá nhân, ảnh, chữ ký. Sau đó, Tuấn câu kết với cán bộ ngân hàng để tạo các tài khoản ngân hàng mà không cần khách hàng đến ngân hàng để kê khai, đăng ký. Để tạo 1 ví điện tử, Tuấn chi khoảng 195 đồng/ví và được hưởng lợi từ 350 ngàn đồng đến 700 ngàn đồng/ví tùy thuộc vào chương trình khuyến mãi trong từng thời điểm của các ví điện tử.

“Săn” khuyến mãi hơn 2,6 tỷ đồng

Qua thu thập chứng cứ, cơ quan CA xác định, từ tháng 4-2018 đến đầu năm 2020, đối tượng Võ Anh Tuấn đã mua 2.011 sim đăng ký không chính chủ để tạo gmail và thu thập 1.792 thông tin tài khoản ngân hàng tương ứng với 1.791 sim điện thoại. Mỗi tài khoản ngân hàng, Tuấn có thể kích hoạt được 3 ví điện tử: Momo, Airpay, Zalopay và thu lợi bất chính trên 2,6 tỷ đồng từ tiền khuyến mãi. Tại cơ quan điều tra, Tuấn khai nhận, do am hiểu về công nghệ thông tin nên Tuấn đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của người khác thông qua việc mở tài khoản từ các ngân hàng. Toàn bộ số tiền chiếm đoạt, Tuấn sử dụng để tiêu xài cá nhân.

Đại tá Phạm Văn Toàn cho biết, hành vi của đối tượng Võ Anh Tuấn đã vi phạm vào Điều 2 Nghị định 49 ngày 24-4-2017 của Chính phủ về bán, lưu thông trên thị trường sim thuê bao đã được đăng nhập sẵn thông tin, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước và có dấu hiệu thu thập, tàng trữ, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin tài khoản ngân hàng. Đối tượng đã vi phạm quy định tại Khoản 3, điều 291 Bộ luật Hình sự. Hiện, Phòng CSHS CA tỉnh đang tiếp tục điều tra mở rộng, củng cố hồ sơ để xử lý hành vi phạm tội của Võ Anh Tuấn theo quy định của pháp luật.

Ngoài thủ đoạn mua hàng ngàn sim rác, lập ví điện tử chiếm đoạt hàng tỷ đồng của đối tượng Võ Anh Tuấn; cơ quan CA khuyến cáo, với xu hướng phát triển ví điện tử gia tăng, tội phạm đã lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người dân để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng. Theo đó, đối tượng lừa đảo giả danh nhân viên ngân hàng, nhân viên cung cấp dịch vụ ví điện tử yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin để nâng cấp dịch vụ hoặc khách hàng đăng ký dịch vụ để được hưởng khuyến mãi. Khi khách hàng đăng ký dịch vụ kết nối tài khoản ngân hàng với ví điện tử và cung cấp các thông tin dịch vụ, đối tượng lừa đảo đã lấy trộm được thông tin tài khoản của khách hàng.

Cũng liên quan đến ví điện tử, mỗi khi khách hàng sử dụng ví điện tử có những thắc mắc và đăng tải câu hỏi lên website/fanpage của nhà cung cấp. Lúc này, đối tượng lừa đảo lấy cắp thông tin của khách hàng và giả mạo là nhân viên của nhà cung cấp dịch vụ liên hệ với khách hàng để hỏi về những vướng mắc. Sau đó, đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin dịch vụ ngân hàng và từ đó, tội phạm sẽ lấy cắp thông tin tài khoản ngân hàng và chiếm đoạt tiền...

HẢI LAN