Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề tại miền Trung
3 người mất tích, hàng nghìn ngôi nhà ngập lụt
Cuối ngày 14-11, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, CA tỉnh Quảng Trị vẫn dầm mưa tìm kiếm nạn nhân là anh Lê Đức Hùng (1987, trú xã Vĩnh Thủy, H.Vĩnh Linh) nghi mất tích tại khu vực đập thủy lợi La Ngà (xã Vĩnh Thủy, H.Vĩnh Linh). Vào tối 13-11, anh Hùng đi đánh bắt cá ở đập trên nhưng sau đó gia đình không liên lạc được. Người dân cũng phát hiện một số vật dụng cá nhân nghi của người mất tích ở khu vực hồ, nghi thuyền bị lật trong mưa lớn và khi nước đập lên nhanh. Vào sáng 14-11, vợ chồng anh Hồ Xa Lăng (1985) – chị Hồ Thị Viên (1985, trú xã Hướng Sơn, H.Hướng Hóa) đi qua suối để thăm trang trại thì bị nước cuốn trôi, mất tích. Đến chiều cùng ngày, chính quyền cùng gia đình và bà con đã tổ chức tìm kiếm nhưng chưa có kết quả.
Theo Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Trị, đã có hơn 1.000 nhà dân, nhiều trường học ở H.Cam Lộ, và gần 200 nhà dân ở TP Đông Hà bị ngập lụt trong đợt lũ đêm 13-11. Gần 500 hộ dân đã được sơ tán và chỉ quay trở lại khi nước rút dần vào gần trưa 14-11. Cũng trong chiều 14-11, các lực lượng vũ trang đóng chân trên địa bàn H.Cam Lộ đã nỗ lực hỗ trợ người dân, nhiều trường học dọn rửa bùn đất. Chị Hồ Thị Lan (TT Cam Lộ, H.Cam Lộ) cho biết trong đêm 13-11, lũ lên rất nhanh khiến đa phần dọc sông Hiếu bị ảnh hưởng, ngập nặng như xã Cam Thành, xã Cam Hiếu, Cam Thủy, Cam Tuyền, TT Cam Lộ. Nước lũ cũng đã cuốn phăng cả đàn bò hơn 50 con của hộ dân ở TT Cam Lộ, rất may đến chiều 14-11, đã tìm kiếm được hơn 20 con. Hơn 15.000 cây giống hoa cúc chuẩn bị cho vụ Tết trên địa bàn H.Cam Lộ đã bị lũ nhấn chìm; hơn 1.000 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 50.000 giống cây lâm nghiệp và khoảng 65 ha cây ăn quả, rau màu cũng tại H.Cam Lộ bị ngập úng. Nước rút, người dân đang nỗ lực để cứu số hoa màu này.
Lụt cũng khiến ngập cục bộ nhiều địa bàn H.Hải Lăng, Triệu Phong và cả miền núi Đakrông, Hướng Hóa. Nhiều đoạn bờ sông, bờ suối tiếp tục bị xói, sạt lở; một số công trình cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi bị ngập, sạt lở, hư hỏng. Dự báo, từ ngày 15 đến sáng 17-11, mưa lớn tại Quảng Trị có xu hướng tăng trở lại, có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông. Tổng lượng mưa phổ biến 80-150 mm, phía nam có nơi trên 250 mm.
Mưa lớn liên tục khiến nhiều địa phương của Hà Tĩnh như các huyện Thạch Hà, Can Lộc, Lộc Hà… bị ngập lụt cục bộ và chia cắt nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch. Tại km82+300 (thuộc địa bàn xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn), ước tính có khoảng 200m3 đất đá đổ sập xuống Quốc lộ 8A, khiến giao thông bị chia cắt nhiều giờ. Ngoài ra, tại vùng ven biển huyện Lộc Hà còn xảy ra lốc xoáy, gây thiệt hại lớn về nhà cửa, tài sản của người dân. Nhiều công trình trường học, đường giao thông, kênh mương thủy lợi tại các huyện Vũ Quang, Can Lộc, Lộc Hà bị sạt lở, hư hỏng. Mưa lớn kèm theo lốc xoáy đã khiến 17 ngôi nhà ở xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà bị ảnh hưởng, trong đó có 7 hộ bị tốc mái nặng. Cũng tại huyện Lộc Hà, nhiều diện tích khoai lang, rau màu bị ngập, hư hỏng.
Trong ngày 14- 11, chính quyền các cấp, các lực lượng quân đội, công an và người dân tỉnh Hà Tĩnh đã nhanh chóng triển khai các biện pháp ứng phó phòng ngừa lũ quét, sạt lở đất, tập trung gia cố, lợp lại mái nhà để người dân ổn định cuộc sống, sinh hoạt.
Sông Yên tràn bờ
Chiều 14-11, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa tập trung trong 1 giờ tại xã Hòa Ninh là 36mm, Bà Nà 28mm, Hòa Sơn 37mm, Khe Cạn (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) 25mm... Lũ đã tràn bờ sông Yên và gây ngập đoạn đường thấp trũng ở giữa xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang và xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Đến chiều tối 14-10, lũ trên sông Cu Đê đang dao động quanh đỉnh, lũ trên sông Túy Loan sắp tràn bờ, lũ trên sông Cẩm Lệ dâng lên gây ngập đoạn thấp trũng của đường Thăng Long (Q. Cẩm Lệ).
Tại địa bàn H. Hoà Vang, “điểm đen” ngập úng thôn Vân Dương 2, xã Hoà Liên sau mỗi đợt mưa lớn là ngập sâu, nước thoát ra chậm khiến cuộc sống của hàng chục hộ dân hết sức vất vả. Tương tự, tại xã Hoà Bắc, lũ từ thượng nguồn sông Cu Đê đổ về làm chia cắt thôn Lộc Mỹ và nhiều khu vực ở thôn Nam Yên ngập sâu đến hơn nửa mét. Mưa lớn liên tục làm một số khu vực tại 18 thôn ở H. Hòa Vang bị ngập cục bộ, trong đó có 83 nhà bị ngập. UBND xã Hòa Bắc đã sơ tán 7 hộ dân (29 người) ở thôn Tà Lang đến nơi an toàn. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các công điện, công văn, chỉ đạo của UBND thành phố, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng… về ứng phó với gió mùa đông bắc, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất.
Thành phố Đà Nẵng yêu cầu các địa phương chủ động phương án cho tình huống mưa cường độ lớn tập trung trong thời gian ngắn, có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại các vùng trũng thấp và đô thị.
Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến ngày 18-11, trên các sông từ Quảng Bình đến Phú Yên có khả năng xuất hiện một đợt lũ với đỉnh lũ ở mức báo động 1 đến báo động 3. Tại các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Phú Yên có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi, ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp ven sông và khu đô thị. Các địa phương cần chủ động giải pháp bảo đảm an toàn đối với các hồ chứa thủy điện, thủy lợi nhỏ xung yếu.
Riêng tại Đà Nẵng từ nay đến ngày 17-11 tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Dự kiến tổng lượng mưa tại các quận Cẩm Lệ, huyện Hòa Vang phổ biến 100-250mm, có nơi trên 300mm; các quận còn lại phổ biến 80-200mm, có nơi trên 250mm. Thành phố cần đề phòng mưa lớn với cường độ lớn tập trung trong thời gian ngắn, có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại các vùng trũng thấp và đô thị; trong cơn dông cần đề phòng có sét và gió giật mạnh.
Quảng Nam đối mặt tình trạng sạt lở, chia cắt
Ngày 14-11, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Nam cho biết, trong 2 ngày qua, các địa phương trong tỉnh Quảng Nam có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Một số nơi vùng trũng thấp thuộc H. Đại Lộc, TP Hội An bị ngập. Tại thôn Khương Mỹ (xã Đại Cường, H. Đại Lộc) sạt lở bờ sông Vu Gia chiều dài khoảng gần 100m, chiều sâu từ 4-5m đã ảnh hưởng đến việc đi lại của hàng trăm hộ dân. Tại thị trấn Ái Nghĩa, khu vực Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Nam bị sạt lở mái ta-luy, đất tràn vào sát vách tường nhà dân, làm ảnh hưởng đến 12 hộ dân. UBND huyện Đại Lộc đã chỉ đạo UBND TT Ái Nghĩa sơ tán các hộ dân trong vùng ảnh hưởng đến nơi an toàn. Trong ngày 14-11, chính quyền địa phương huy động gần 200 CBCS Công an, dân quân tự vệ cùng người dân đóng bao tải cát, đóng cọc tre làm kè để gia cố vị trí sạt lở. Ông Phan Phước Mơ - Chủ tịch UBND xã Đại Cường cho biết, nếu tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp và không có biện pháp tu bổ, sửa chữa kè kịp thời thì gần 200 hộ dân thôn Khương Mỹ sẽ đối mặt với nguy cơ bị cô lập hoàn toàn.
Trong khi đó, tại các huyện miền núi cao của Quảng Nam mưa lũ diễn biến phức tạp khiến giao thông nhiều vùng bị chia cắt. Ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho hay, lũ trên sông suối dâng cao khiến nhiều tuyến đường huyết mạch từ trung tâm huyện về các xã và lên huyện Nam Trà My đã bị chia cắt. Các ngầm sông Trường, sông Nước Oa trên QL40B qua các xã Trà Sơn, Trà Tân bị ngập sâu hơn 1m. Riêng tại xã Trà Bui có 3 nhà dân bị đất đá sạt vào phía sau nhà vào sáng 14-11. Các lực lượng tại chỗ đã sơ tán khẩn cấp 11 hộ dân với 58 nhân khẩu cùng tài sản trong vùng nguy hiểm tại khu vực này đến nơi an toàn. Tuyến ĐH8 qua địa phận thôn 3 của xã này bị sạt lở lớn một số điểm phía ta-luy dương gây ách tắc giao thông. “Trước tình hình mưa lũ phức tạp, địa phương đã cho học sinh toàn huyện được nghỉ học trong ngày 14-11 để đảm bảo an toàn. Các cuộc họp không cần thiết của huyện và xã, thị trấn cũng được yêu cầu tạm dừng nhằm tập trung phòng chống mưa lũ”, ông Vũ thông tin.
Tại địa bàn H. Nam Trà My, mưa lớn khiến cho tuyến đường ĐH5 từ trung tâm Tắc Pỏ vào các xã Trà Mai – Trà Vân – Trà Vinh bị sạt lở đất đá, gây ách tắc giao thông. Tại địa bàn xã Trà Leng, nước lũ trên sông Xoan và sông Leng cuồn cuộn đổ về nên Trạm y tế xã đã chủ động di dời trang thiết bị khám chữa bệnh từ tầng 1 lên tầng 2 để đề phòng ngập lụt, hư hại. Huyện Nam Trà My đã chỉ đạo cho 10/10 xã tập trung kiểm tra hiện trạng các khu dân cư, công sở trường học và sẵn sàng lực lượng để di dời, sơ tán đến nơi an toàn khi có nguy hiểm. Đồng thời huy động phương tiện, máy móc để giải phóng sạt lở trên các tuyến để đảm bảo lưu thông an toàn cho nhân dân.
Mưa lớn kéo dài cũng gây sạt lở một số khu vực trên địa bàn huyện Phước Sơn. Từ trưa 14-11, tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua thị trấn Khâm Đức xảy ra sạt lở đất từ ta-luy dương xuống lòng đường. UBND huyện đã chỉ đạo khắc phục, thông xe kịp thời. Trên tuyến QL14E đoạn qua nhà máy thủy điện 4A (xã Phước Hòa) cũng xảy ra sạt lở đất. Địa phương đã huy động xe múc, xe ủi thông tuyến, đảm bảo việc đi lại của người dân. Ngoài ra, tại địa bàn các xã vùng cao của Phước Sơn cũng xuất hiện nhiều điểm sạt lở. Nhằm đảm bảo việc đi lại, các địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ và phương tiện để khắc phục. “Trước tình hình mưa lớn, UBND huyện Phước Sơn yêu cầu các xã, thị trấn và ngành liên quan khẩn trương rà soát, kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập sâu, lũ quét, nhất là xã vùng cao, địa bàn xung yếu để chủ động sơ tán người khỏi khu vực nguy hiểm”, ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND H. Phước Sơn thông tin.
NHÓM PHÓNG VIÊN