Mưa lũ khiến huyện Tây Giang, Quảng Nam bị chia cắt, cô lập
Tuyến đường ĐT606 từ huyện lên các xã vùng biên giới giáp nước bạn Lào, sáng nay tiếp tục sạt lở tại nhiều vị trí, tuyến đườngĐH 4 (từ xã Axan-Gari-Ch’ơm) sạt lở 2 điểm, tuyến đường ĐH 5 (từ đường Hồ Chí Minh-Apát, xã Avương) bị trôi cống bi qua suối Mơta gây chia cắt giao thông đi 2 thôn L’gôm, Apát. Cầu tạm Z’rượt từ xã Atiêng đi xã Anông bị trôi 2 bên mố cầu, chia cắt hoàn toàn xã Anông lên biên giới Lào. Tuyến đường xã và giao thông nông thôn, khu sản xuất của nhân dân, tiếp tục trượt đất đá, đổ ngã cây cối trên một số tuyến đường. Từ 0 giờ ngày 28-9-2022 đến nay, điện cúp toàn huyện, hiện nay ngành điện lực đang triển khai khắc phục. Trong mưa bão, huyện đã di dời, sơ tán 1.227 hộ/5.571 khẩu. Công tác sơ tán Nhân dân tránh trú bão, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt tại các vị trí nguy cơ cao đến nơi an toàn hoàn thành trước 16h ngày 27/9/2022.
Hiện nay tuyến đường đường Hồ Chí Minh bị ngập sâu, huyện, xã cử lực lượng chốt chặn tạm thời không cho người, phương tiện qua lại. Cầu Z’rượt, xã Anông, huyện chỉ đạo đơn vị thi công rào chắn không cho người qua lại, sẽ khắc phục thông tuyến khi trời tạnh mưa. Tuyến ĐT606 đã bố trí phương tiện để đảm bảo thông tuyến khi có sạt lở lớn. Tuyến ĐH 4 đã tập trung thông tuyến tại điểm sạt lở lớn Km11+300; 2 điểm còn lại xã đã huy động lực lượng tại chỗ thông tuyến tạm thời. Tuyến đường xã và GTNT, khu sản xuất: các địa phương đã và đang vận động nhân dân ra quân thông tuyến tạm thời phục vụ đi lại bằng xe máy. Ngành chức năng huyện đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các vị trí sạt lở, ngập sâu, cầu cống bị cuốn trôi.
Do địa bàn toàn huyện bị chia cắt nhiều nơi, từ tuyến đường Hồ Chí Minh lên các xã biên giới Việt-Lào, thiệt hại do mưa lũ về sản xuất nông nghiệp chưa thống kê được cụ thế. Trên đại bàn huyện không có trường hợp nào xảy ra tai nạn, chết người do mưa bão.
Hồng Thanh