Mưa lũ lớn gây chia cắt nghiêm trọng ở Bình Định, Phú Yên
Đến ngày 30-11, tại Bình Định, mưa lớn kéo dài đã làm ngập úng, gây sạt lở, chia cắt giao thông cũng như các khu dân cư tại tất cả 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định sử dụng ca nô tiếp cận các khu vực bị ngập lụt.
Hàng nghìn ngôi nhà ở Bình Định bị ngập nặng.
Hơn 16.500 căn nhà bị ngập
Đến sáng 30-11, toàn tỉnh có hơn 16.500 căn nhà bị ngập; nhiều nhất là huyện Tuy Phước với gần 11.000 căn. Nhiều vùng trũng thấp tại các xã Phước Hòa, Phước Quang, Phước Hiệp, Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Thắng… của huyện Tuy Phước bị ngập từ 2 ngày qua; giao thông chia cắt vì nhiều tuyến đường ngập sâu.
Tại huyện miền núi An Lão, mưa lũ kéo dài đã gây sạt lở đất, lấp các tuyến đường liên xã, gây chia cắt đối với các xã An Toàn, An Vinh. Ngày 30-11, nhiều điểm sạt lở mới tiếp tục xuất hiện, chưa thể khắc phục. Tuyến đường ĐT639 bị ngập sâu nhiều đoạn chia cắt cả huyện An Lão với các địa phương khác. Nhiều cây cầu giao thông trọng yếu bị ngập sâu, sạt lở. Bí thư Huyện ủy An lão Phạm Văn Nam thông tin, mưa lũ làm 1 nhà ở thôn 1 xã An Vinh bị sạt; 43ha dâu tằm bị ngập, 6,2ha ruộng bị sa bồi; 21 vị trí đường giao thông liên xã bị sạt lở, 1.500m kênh mương bị bồi lấp, 26 đập tạm bị nước cuốn trôi, 40m tường rào bị ngã đổ, sạt lở bờ ta luy khu vực dọc Suối Tre.
Tuyến tránh Quốc lộ 1 đi qua thị xã An Nhơn bị ngập sâu từ tối 29-11 khiến các phương tiện cơ giới lớn di chuyển hướng Bắc – Nam và ngược lại không lưu thông được, phải di chuyển vào tuyến trục nội thị thị xã An Nhơn. Tuy nhiên, tại các khu vực nội thị An Nhơn cũng bị ngập sâu; tuyến đường Lê Duẩn cũng bị ngập sâu, lưu thông rất hạn chế. Cảnh sát giao thông tỉnh Bình Định đã cử lực lượng điều tiết giao thông. Toàn thị xã An Nhơn có hơn 2.700 nhà dân bị ngập. Hầu hết các vùng, khu vực bị ngập nước do đường giao thông chia cắt cục bộ; khoảng hơn 3.000 hộ dân, 37 tràn bị ngập.
Theo Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Hữu Khúc, 2 ngày qua, huyện đã cử lực lượng chốt chặn nhiều điểm trên tuyến đường ĐT639 và tại các điểm cầu Mỹ Thành (xã Ân Mỹ), Vạn Trung (xã Ân Hảo Tây), Đá Bạc (xã Đak Mang) ngăn người dân qua lại vì nước lũ chảy siết. Đến sáng 30-11, toàn huyện Hoài Ân có gần 1.500 nhà và hàng ngàn giếng nước bị ngập. UBND huyện đã cử lực lượng hỗ trợ nước uống cho người dân. Hàng loạt các tuyến đường, kênh mương trên địa bàn huyện bị sạt lở nghiêm trọng.
Các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, thị xã Hoài Nhơn, thành phố Quy Nhơn… đều có nhiều tuyến đường, khu dân cư bị ngập, chia cắt. Thành phố Quy Nhơn đã di dời 254 hộ dân với 683 nhân khẩu ở các phường Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Nhơn Bình, Nhơn Phú và Đống Đa; huyện Phù Cát đã di dời 36 hộ dân khu vực núi Gành, xã Cát Minh; Thị xã An Nhơn di dời 137 hộ với 278 nhân khẩu.
Lực lượng xung kích tại Phú Yên di dời người dân.
Chạy lũ
Ngày 30-11, trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo các địa phương khẩn trương di dời người dân sống ở khu vực trũng thấp đến nơi an toàn. Lũ trên sông Ba, sông Kỳ Lộ, sông Bàn Thạch ngày 30-11 lên nhanh. Mực nước lúc 13 giờ 30 ngày 30-11 tại Trạm Thủy văn Củng Sơn là 37,95m, trên báo động 3 là 3,45 m; tại Trạm Thủy văn Phú Lâm là 3,50m, dưới báo động 3 là 0,20m; tại Trạm Thủy văn Hà Bằng là 10,38m, trên báo động 3 là 0,88m. Trong 24 giờ lũ trên sông Ba, sông Kỳ Lộ tiếp tục lên và vượt báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế yêu cầu các địa phương khẩn trương thống kê và di dời người dân cùng tài sản đến nơi an toàn trước 16 giờ ngày 30-11, nhất là ở vùng thấp. Khi thực hiện di dời người dân thì chính quyền phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
Theo ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, các địa phương vùng hạ du sông Ba gồm: huyện Sơn Hòa, Phú Hòa, thị xã Đông Hòa và thành phố Tuy Hòa nỗ lực hết sức để di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa Tô Phương Bắc cho biết: Địa phương đã phát thông báo cảnh báo lũ cho người dân ở các khu vực thấp trũng biết và chủ động ứng phó. Theo thống kê, huyện có hơn 1.000 hộ dân với hơn 4.100 nhân khẩu phải di dời. Tại huyện Sông Hinh, để đảm bảo an toàn các lực lượng trên địa bàn huyện đã hỗ trợ di dời 2.000 hộ dân ở các xã Đức Bình Đông, Đức Bình Tây, Sơn Giang.
Một xe bồn chở xăng dầu bị lật do nước lớn tràn qua mặt đường trên Quốc lộ 25 qua địa phận tỉnh Phú Yên.
* Tại Quảng Ngãi, mưa lũ đã làm ngập khoảng 600 ngôi nhà ở các phường Phổ Văn, Phổ Ninh (thị xã Đức Phổ) từ 0,7-1m. Tại huyện Nghĩa Hành, mưa lũ cũng làm ngập đường giao thông từ 0,3-0,5m ở các xã Hành Tín Đông, Hành Tín Tây, Hành Thiện. Chính quyền địa phương đã chủ động di dời 42 hộ dân tại thôn Tân Hòa, xã Hành Tín Tây đến nơi ở an toàn đề phòng lũ lên cao.
Mưa lũ cũng làm sạt lở hàng nghìn mét khối đất, đá tại các tuyến Quốc lộ 24, 24 C, đường Dung Quất-Sa Huỳnh... và các tuyến đường giao thông nông thôn, nhất là các tuyến đường liên xã, liên thôn; sạt lở các tuyến kênh mương nội đồng, bờ sông và hư hỏng nhiều diện tích hoa màu của người dân.
BIÊN THÙY – TTXVN
Trung Bộ mưa lũ, thiệt hại ở nhiều nơi Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chiều 30-11, lũ trên các sông ở Khánh Hòa và Phú Yên tiếp tục lên nhanh. Từ 19 giờ ngày 30-11 đến 1 giờ ngày 1-12, lũ trên sông Kôn, sông Kỳ Lộ, hạ lưu sông Ba (Phú Yên), sông Dinh Ninh Hòa (Khánh Hòa) dao động ở mức cao (trên báo động 3); các sông khác từ Quảng Nam đến Bình Định tiếp tục xuống. Từ 1 giờ đến 13 giờ ngày 1-12, lũ trên các sông ở Phú Yên và Khánh Hòa xuống dần; các sông từ Quảng Nam đến Bình Định tiếp tục xuống. Ngập lụt diện rộng tại các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa và Gia Lai. Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi tại các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên; đề phòng mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn hồ chứa trên địa bàn các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3. B.T |