Báo Công An Đà Nẵng

Mưa lũ tiếp tục gây sạt lở, chết người ở Quảng Nam

Thứ tư, 11/11/2020 17:42

Do ảnh hưởng của bão số 12, ngày 10-11 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa rất lớn, tiếp tục gây sạt lở ở một số địa phương. Đặc biệt, ngoài những huyện vùng cao như Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Tây Giang thì trong ngày 10-11 tình trạng sạt lở xuất hiện ở H. Phú Ninh vùi lấp một căn nhà khiến một người tử vong.

Nhằm hạ thấp mực nước lòng hồ để đón lũ, chiều 10-11 hồ Phú Ninh đã xả lũ. 

Cụ thể, khoảng 9 giờ 30 cùng ngày, tại thôn An Mỹ, xã Tam Lãnh (H. Phú Ninh) xảy ra một vụ sạt lở núi vùi lấp ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Nga (43 tuổi). Tiếp nhận thông tin, lực lượng chức năng địa phương đã tổ chức tìm kiếm và phát hiện được thi thể bà Nga sau đó. Theo lãnh đạo xã Tam Lãnh, thời điểm xảy ra sạt lở bà Nga ở nhà một mình, 2 con của bà Nga đi học ở TP Tam Kỳ, còn chồng nạn nhân đã mất do bị ung thư. Căn nhà bà Nga nằm sát trục đường ĐH4 nối xã Tam Dân - Tam Lãnh nên vụ sạt lở khiến đất đá, gạch tôn… tràn ra đường.

Được biết, ngọn núi phía sau nhà bà Nga không quá cao. Nơi đây thuộc đầu nguồn hồ Phú Ninh, cách lòng hồ chỉ vài trăm mét. Liên quan đến hồ Phú Ninh, trước tình hình mưa lớn kéo dài, trong ngày 10-11 Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam đã có thông báo về việc vận hành, điều tiết mực nước hồ. Theo đó, thời gian mở tràn từ 15 giờ chiều cùng ngày, lưu lượng xả từ 300 – 1.000 m3/giây. Ngoài ra, một số hồ thủy điện lớn khác ở Quảng Nam như Sông Tranh 2, Đắc Mi 4, Sông Bung 4… cũng bắt đầu xả tràn từ chiều 9-11 theo yêu cầu của UBND tỉnh nhằm hạ thấp mực nước lòng hồ để đón lũ.

Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, do ảnh hưởng của bão số 12, mưa khá lớn đã xuất hiện ở khu vực miền núi. Bên cạnh đó siêu bão số 13 đang trên đường vào nên chắc chắn sẽ gây mưa to, gió lớn liên tục từ nay đến tuần sau. Khả năng sạt lở miền núi khá cao, do vậy các địa phương 9 huyện miền núi khẩn trương sơ tán dân đến nơi an toàn theo kế hoạch.Khu vực đồng bằng ven biển cần rà soát lại phương án về sơ tán dân và tổ chức hiệu quả.

Sạt lở vùi lấp khiến ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Nga bị sập đổ hoàn toàn. 

Liên quan đến việc tìm kiếm 13 người mất tích tại xã Trà Leng, ngày 10-11, Thiếu tướng Hứa Văn Tưởng - Phó Tư lệnh Quân khu 5 cho biết, thời tiết ở Trà Leng có mưa lớn nên công tác tìm kiếm người mất tích gặp rất nhiều khó khăn, vất vả.“Lực lượng chức năng phải làm ròng rọc đưa bộ đội và dụng cụ qua sông để tìm kiếm. Hiện khu vực này đang mưa lớn, nước sông dâng cao nên lực lượng chức năng chưa thể vượt sông. Lực lượng tìm kiếm ở tại chỗ, tiếp tục quan sát khu vực hiện trường, khi có thông tin liên quan thì tiến hành xử lý”- Thiếu tướng Hứa Văn Tưởng thông tin.

Bên cạnh đó, Quân khu 5 cũng đang chuẩn bị dựng nhà tạm cho người dân bị ảnh hưởng do sạt lở đất, lũ quét ở Trà Leng.Theo Thiếu tướng Hứa Văn Tưởng, Sư đoàn 315 đang khảo sát vị trí dựng nhà tạm. Nếu thời tiết thuận lợi, ngày 11-11 sẽ dựng lại nhà cho 36 hộ dân thôn 2,15 hộ dân thôn 1 (xã Trà Leng) bị mất nhà do sạt lở đất và lũ quét.

 Trước đó, đoàn công tác của Quân khu 5 do Thiếu tướng Hứa Văn Tưởng dẫn đầu cũng đã đến kiểm tra công tác tìm kiếm cứu nạn những người còn mất tích và cùng với địa phương bàn phương án bố trí khu tái định cư cho các hộ gia đình mất nhà do sạt lở tại xã Trà Leng. Cụ thể, H. Nam Trà My đã chọn khu thao trường huấn luyện quân sự trên địa bàn giáp ranh giữa hai xã Trà Dơn và Trà Leng để bố trí tái định cư cho 15 hộ ở nóc Ông Đề với diện tích 3ha; bố trí 36 hộ tại làng Tắk Pát (thôn 2, Trà Leng) ở vị trí cách khu huấn luyện quân sự hơn 200m. Qua khảo sát, Thiếu tướng Hứa Văn Tưởng thống nhất với phương án của địa phương và đề nghị H. Nam Trà My nhanh chóng lên sơ đồ, phương án làm nhà cho dân để Quân khu 5 điều động lực lượng bộ đội hỗ trợ kịp thời. Ngoài ra, Quân khu 5 sẽ chủ công xây dựng một nhà truyền thống cho bà con có nơi sinh hoạt cộng đồng kết hợp với phòng tránh lũ và sạt lở đất tại khu tái định cư cho nóc Ông Đề.

Tại H. Phước Sơn, mưa lớn trong 2 ngày qua cũng gây khó khăn cho công tác tìm kiếm 4 người mất tích còn lại trong vụ sạt lở núi tại xã Phước Lộc. Theo lãnh đạo H. Phước Sơn, những ngày qua các ngành chức năng đã tăng cường lực lượng, phương tiện tích cực khắc phục những điểm sạt lở để thông đường từ Phước Kim vào Phước Thành và từ Phước Công vào Phước Lộc. Nhưng do ảnh hưởng của bão, trên địa bàn huyện có mưa to nên công tác khắc phục các điểm sạt lở gặp rất nhiều khó khăn; việc huy động phương tiện, máy móc tiếp cận khu vực tìm kiếm cũng chưa thể triển khai được…

Nhằm kiểm tra tình trạng sạt lở đất, lũ quét, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai do Phó Tổng cục trưởng Vũ Xuân Thành dẫn đầu đoàn sẽ kiểm tra thực địa và phối hợp với hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi khắc phục hậu quả sạt lở đất, lũ quét. Theo kế hoạch, đoàn sẽ tiến hành kiểm tra thực địa từ ngày 10 đến 12-11. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão số 12, trên địa bàn hai tỉnh này đang có mưa to nên ngày 10-11 đoàn công tác đã tạm hoãn.

Lực lượng chức năng H. Phước Sơn gặp khó khăn khi tiếp cận một điểm sạt lở.

* Từ chiều ngày 9-11 đến sáng 10-11, các khu vực trong tỉnh Quảng Ngãi có mưa to đến rất to đã khiến lũ trên các sông dâng lên nhanh, đặc biệt tại H. Đức Phổ, nước sông Trà Câu đã vượt mức báo động 3 là 0.25m khiến cho nhiều nhà dân ở 2 P. Phổ Ninh, Phổ Văn bị ngập nước. Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Quảng Ngãi Nhâm Xuân Sỹ cho biết, trong 6 đến 12 giờ tới, lũ trên các sông trong tỉnh tiếp tục lên. Khả năng mực nước trên sông Trà Bồng tại trạm Châu Ổ ở mức báo động 2, sông Trà Khúc tại trạm Trà Khúc ở mức báo động 2, sông Vệ tại trạm Sông Vệ ở mức báo động 3, sông Trà Câu tại trạm Trà Câu trên mức báo động 3 là 0.7 m. Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các huyện miền núi: Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà, Ba Tơ và Minh Long. Tình trạng ngập lụt trên diện rộng (đặc biệt ở hạ lưu sông Trà Câu, sông Vệ) và ở vùng trũng, thấp ven sông, tại một số địa phương thuộc các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Đức Phổ và TP Quảng Ngãi.

           TRẦN TÂN