Báo Công An Đà Nẵng

Múa rối nước kiểu Hội An

Thứ bảy, 24/10/2015 10:57

(Cadn.com.vn) - Thành phố Hội An (Quảng Nam) vừa đưa múa rối nước lên danh mục sản phẩm du lịch. Từ đây, những thân rối sẽ được khoác trang phục vạt hò khăn đóng, hòa cùng làn điệu dân ca xứ Quảng...

Đông đảo du khách tới mua vé xem múa rối ở Hội An.

Đêm rằm, phố Hội lung linh đèn lồng; góc tường nọ, đôi cụ già trầm tư bên ván cờ tàn; vỉa hè kia, nhóm bạn trẻ cõng nhau chơi đập nồi; dọc sông Hoài, lấp loáng hoa đăng, những khách Tây-Việt tụ lại một chỗ, hòa cùng điệu hô bài chòi... Đấy là những hình ảnh quen thuộc của chương trình "Tái hiện đêm phố cổ đầu thế kỷ XX" mà Hội An triển khai trong đêm rằm suốt mấy năm qua. "Quen thuộc đến nhàm chán; nếu đến Hội An nhiều lần, cũng chỉ thấy những cảnh trên lặp đi lặp lại"-ông Phùng Tấn Đông, cán bộ Trung tâm Văn hóa-Thể thao Hội An, nói. Nên, theo ông Đông, trình diễn rối nước được kỳ vọng sẽ trở thành điểm nhấn mới cho du lịch phố cổ.

Tháng 11 năm ngoái, Hội An mời các nghệ nhân Nhà hát Múa rối Thăng Long giảng dạy cho gần 20 chuyên viên của Trung tâm; đồng thời đầu tư thủy đình, con rối, âm thanh, ánh sáng... Tập dượt qua những lần biểu diễn cho học sinh các trường trên địa bàn xem, để vào đêm 28-9 vừa qua, lần đầu, tại Nhà hát Hội An, 12 tiết mục rối nước được trình diễn. "Mỗi năm có hàng triệu lượt khách đến Hội An. Múa rối nước nằm trong danh sách đề cử di sản văn hóa thế giới. Vậy, tại sao Hội An không đưa rối nước trở thành một sản phẩm du lịch, vừa quảng bá môn nghệ thuật này, vừa tạo nên điểm mới cho du lịch phố cổ"-ông Đông bày tỏ.

Trình diễn múa rối nước ở Hội An diễn ra vào 18 giờ 30 các ngày thứ sáu và thứ bảy hàng tuần, tại Nhà hát Hội An (số 548, đường Hai Bà Trưng, P. Tân An). Giá vé cho người lớn là 80.000 đồng/vé; trẻ em là 40.000 đồng/vé.

Tạo hình chú Tễu truyền thống.

Biên đạo múa Trần Như Hà -người phụ trách nghệ thuật rối nước của Trung tâm VH-TT Hội An có quan điểm: "Với diễn xướng truyền thống nói chung và rối nước nói riêng, chúng ta phải chủ động quảng bá ở nhiều địa phương chứ không phải để du khách tự tìm đến nơi xuất xứ rồi thưởng ngoạn. Đấy là cách thức của văn hóa ứng dụng. Và, những bản thể văn hóa luôn vận động theo thời gian, thay đổi phù hợp với không gian vùng miền, nên việc Hội An cách tân nghệ thuật rối cả hình thức lẫn nội dung, để từ môn diễn xướng đậm chất Bắc Bộ trở thành sản phẩm mang hồn cốt xứ Quảng, là chuyện cần thiết".

Việc cách tân này, đầu tiên, theo anh Hà là qua việc sáng tạo những kịch bản mới. Bên cạnh trình diễn những tác phẩm kinh điển như: Tễu giáo trò, múa rồng, Em bé chăn trâu-thổi sáo, Cày cấy, Cậu ếch, Đua thuyền..., Trung tâm VH-TT còn sáng tạo nên kịch bản về truyền thuyết con Cù, múa Apsara... "Truyền thuyết con Cù gắn liền kể về một loài thủy quái mamazu khổng lồ đầu nằm ở Ấn Độ, thân mình nằm ở Hội An, đuôi nằm ở Nhật Bản... Truyền thuyết  biểu hiện sự giao thoa văn hóa của nhiều nước, nên chuyển thể nó thành kịch bản rối nước là việc đáng làm trong thời buổi hội nhập. Quảng Nam có thánh địa Mỹ Sơn, việc quảng bá di sản này qua trình diễn múa Apsara cũng là việc đáng làm. Sắp tới, chúng tôi sẽ sáng tạo thêm nhiều kịch bản nữa, dựa trên những câu chuyện dân gian Quảng Nam, cũng để quảng bá văn hóa xứ Quảng"-anh Hà nói.

Việc bổ sung kịch bản mới dẫn đến hình thể, trang phục cho những con rối - nhân vật trong kịch bản- cũng được cách tân. Như trong truyền thuyết con Cù, tạo hình con Cù được mô phỏng tựa hình con cá trê, tạo hình vị thần Nhật Bản mô phỏng kiếm sĩ Samurai; hay việc thiết kế vũ nữ Apsara đội mũ Mrần kiểu Kirata - Mukata, đeo bông tai bằng tua sợi là những tạo hình rối lần đầu xuất hiện. Anh Hà cũng cho biết, Trung tâm VH-TT còn mạnh dạn cách tân hình thể, trang phục cho con rối ngay cả ở những vở kinh điển, như chú Tễu sẽ không còn... đóng khố nữa, mà sẽ được mặc vạt hò khăn đóng - một trang phục cổ truyền của Hội An. Những hoạt cảnh cũng được thay đổi để phù hợp với phong tục xứ Quảng. Ví như ở miền Bắc người ta đua thuyền theo kiểu đua hình vòng tròn; còn ở Quảng Nam, các thuyền đua theo một đường thẳng, rồi bẻ tiêu; nên trong vở rối đua thuyền, đạo diễn sẽ bố thêm cọc tiêu ở hai đầu... Cách tân lớn nhất là âm nhạc.

Cũng theo anh Hà, múa rối truyền thống thường sử dụng các làn điệu chèo hoặc dân ca đồng bằng Bắc Bộ để giữ nhịp, dẫn dắt động tác; trình diễn rối nước Hội An sẽ sử dụng âm nhạc dân gian Quảng Nam như tuồng, hát bả trạo, hò Quảng... Chú Tễu bước ra sân khấu, hò một câu hò Quảng: "Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm, rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say" rồi mới xưng danh. Sự bi lụy của Xuân nữ, rộn ràng của hò Quảng, châm biếm của Cổ bản, giận dữ của Xàng xê đều dự phần vào những cung bậc cảm xúc của vở rối. Từ đó, những nhạc cụ như trống cái, não bạt, mõ... được các nghệ sĩ thay thế bằng đàn cò, trống, kèn, sênh-là những nhạc cụ truyền thống xứ Quảng.

Theo anh Hà, đấy là những cách tân bước đầu; sắp tới, Trung tâm sẽ có những cách tân mạnh hơn nữa, như khi trình diễn múa Apsara hoặc các kịch bản có liên quan đến dân tộc Chăm, phải thay hệ thống thủy đình bằng tháp Chăm, bởi, việc một nghệ sĩ Apsara mà múa giữa ngôi đình Việt là điều chả hợp lý tí nào. Nhưng, múa rối Hội An vẫn tuân thủ theo những phương thức đã trở thành quy củ, như biểu diễn vẫn ở ngoài trời để tạo không khí hội hè, con rối vẫn giữ sự tươi tắn ngộ nghĩnh vốn có; nghệ thuật biểu diễn với hệ thống sào dây đều được mặc định...

"Bốn bề Hội An bao vây bởi sông nước, "văn hóa nước" thấm đẫm trong tâm hồn mỗi con người phố Hội; nên, rối nước hoàn toàn sống được trên đất này. Cùng với sự cách tân trên, cũng thể hiện tư duy mở của thành phố trong việc tiếp nhận và quảng bá văn hóa"-anh Hà khẳng định.

Mai Thành Dũng