"Mùa xuân Arab"-3 năm nhìn lại
(Cadn.com.vn) - Khi một người bán rau Tunisia tự thiêu vào tháng 12-2010, hành động tuyệt vọng này thổi bùng ngọn lửa biểu tình phản đối chính phủ và lây lan qua thế giới Arab, đe dọa để đốt cháy chế độ chuyên quyền tồn tại lâu đời tại đây.
Vụ việc gây ra một làn sóng giận dữ về nghèo đói, thất nghiệp và đàn áp, dẫn đến các cuộc biểu tình trên khắp Trung Đông và Bắc Phi, trở thành “Mùa xuân Arab” quét qua khu vực. Hàng triệu người Arab muốn thay đổi, muốn định hình lại cảnh quan chính trị thế giới Arab.
Đã 3 năm kể từ khi cuộc biểu tình nổ ra ở Syria, đất nước này hiện đang vướng vào cuộc xung đột tàn phá. Còn những nước khác đạt được những gì? - dân chủ, tiến bộ kinh tế, ổn định và quyền phụ nữ - và những thách thức gì đang chờ đợi họ?
TUNISIA
Quốc gia nhỏ bé ở Bắc Phi có lẽ là nước nhanh nhất trong thế giới Arab chuyển sang mô hình dân chủ. Tunisia giờ có chính quyền kỹ trị - lần thứ hai kể từ khi Tổng thống Zine al-Abidine Ben Ali bỏ trốn sang Saudi Arabia vào tháng 1-2011. Hiến pháp mới cũng giành được nhiều lời khen ngợi vì tính toàn diện. Tunisia cũng vừa dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp được áp đặt trong 3 năm qua.
Đảng Hồi giáo Ennahda sẽ cạnh tranh quyền lực với các đối thủ thế tục trong cuộc bầu cử năm nay sau nhiều tháng bế tắc chính trị. Vì thế, một con đường chông gai đang chờ đón các bên khi cùng nhau đi đến thỏa hiệp. Chiến binh Hồi giáo đe dọa tấn công, tỷ lệ thất nghiệp ngày càng cao, phát triển kinh tế bị trì trệ trong khi chi phí sinh hoạt tăng cao.
AI CẬP
3 năm qua, Ai Cập liên tiếp chìm trong hỗn loạn. Từ khi Tổng thống Hosni Mubarak bị buộc phải từ chức vào năm 2011, nước này trải qua nhiều thăng trầm. Tổng thống được bầu dân chủ nhưng sau đó bị quân đội lật đổ sau cuộc biểu tình. Hơn 1.400 người thiệt mạng trong bạo lực chính trị kể từ tháng 7-2013.
Chính phủ lâm thời do quân đội hậu thuẫn đã từ chức hồi tháng trước, và một chính phủ lâm thời được thành lập. Quân đội, đã lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi của Tổ chức Anh em Hồi giáo (MBO), giờ đây công khai ảnh hưởng hơn. Tư lệnh Abdel Fattah El-Sisi, người đứng đầu trong cuộc lật đổ ông Morsi hồi tháng 7, dự kiến sẽ tranh cử tổng thống của quốc gia phân cực và chia rẽ này, vào cuối năm nay. Trong khi đó, MBO hiện giờ bị xem là một tổ chức khủng bố.
YEMEN
Triều đại độc tài của cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh kết thúc vào năm 2012, một năm sau khi nổ ra biểu tình. Người lên thay thế ông là Abdurabu Hadi theo một phần của thỏa thuận chính trị được quốc tế hỗ trợ.
Mặc dù người Yemen thoát khỏi chế độ độc tài, họ vẫn còn chặng đường dài để thắt chặt đoàn kết và ổn định trong nước. Yemen vẫn còn nghèo đói, sự phân chia gay gắt giữa các bộ lạc cũng như sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nước, một nền văn hóa với nhiều sự cố liên quan đến súng và tình trạng mù chữ phổ biến. Yemen đã hoàn thành một cuộc đối thoại quốc gia, và hy vọng những cải cách sẽ được thực hiện sau khi Hiến pháp mới ra đời.
BAHRAIN
Bahrain rơi vào hỗn loạn khi cảnh sát, được lực lượng vũ trang từ Saudi Arabia hỗ trợ, đàn áp cuộc nổi dậy vào tháng 2-2011 của người Shiite muốn cải cách dân chủ và chấm dứt phân biệt đối xử dưới chế độ quân chủ Hồi giáo Sunni. Kể từ đó, vương quốc này vẫn chia rẽ sâu sắc, với các cuộc biểu tình liên tục, dẫn đến các cuộc đụng độ với cảnh sát.
Đối thoại quốc gia vẫn bế tắc khi các cuộc biểu tình đường phố diễn ra hầu như hàng ngày. Chính phủ phủ nhận bất kỳ chính sách đàn áp người Shiite. Nhưng rõ ràng, bất ổn chính trị làm tổn thương vai trò của Bahrain như một trung tâm tài chính khu vực đồng thời gây thêm áp lực đối với ngân sách nhà nước.
LIBYA
Một đất nước tràn ngập vũ khí, phải đối mặt với tình trạng vô pháp luật, đó là Libya. Các nhà lãnh đạo mới phải đấu tranh để kiểm soát lực lượng dân quân lật đổ nhà độc tài Muammar Gaddafi. Chỉ trong tuần này, Quốc hội bỏ phiếu “hất cẳng” Thủ tướng Ali Zeidan ra khỏi văn phòng do ông không thể ngăn chặn phiến quân tự do xuất khẩu dầu mỏ, thách thức rõ ràng đối với sự thống nhất mong manh của đất nước.
Đấu đá nội bộ chính trị đã nhiều lần làm trì hoãn quá trình hình thành Hiến pháp mới. Người dân Libya cảm thấy vỡ mộng trước sự hỗn loạn hiện nay. Các cuộc thăm dò cử tri hồi tháng trước để bầu một hội đồng soạn thảo Hiến pháp cho thấy người dân chẳng mấy quan tâm.
Nội chiến khốc liệt khiến hàng triệu người Syria phải tị nạn. Ảnh: AFP |
SYRIA
Đã 3 năm kể từ khi chế độ Bashar al-Assad mạnh mẽ đàn áp những người biểu tình ôn hòa chống chính phủ khiến Syria rơi vào nội chiến đẫm máu. Hơn 130.000 người đã thiệt mạng và hơn 680.000 người khác bị thương. Phe đối lập vẫn tiếp tục chiến đấu.
Một hội nghị hòa bình vào tháng 1 tại Genève, Thụy Sĩ, đã kết thúc mà không có thỏa thuận nào được đưa ra. Chính phủ Damascus tiếp tục đổ lỗi cho những kẻ khủng bố gây ra bạo lực trong khi phe đối lập muốn chính phủ chuyển tiếp thay thế ông Assad. Triển vọng hòa bình, ổn định và cải cách dân chủ vẫn là giấc mơ xa vời.
An Bình
(Theo CNN)