Mục thị trạm ép rác 171 tỷ đồng ở Đà Nẵng
Trạm được xây dựng trên khu đất hơn 3,5 ngàn m2, diện tính xây dựng hơn 2,1 ngàn m2, gần trạm xử lý nước thải Hòa Cường Nam, công viên Thanh Niên, chợ đầu mối Hòa Cường. Trạm có 4 máy ép rác công suất đạt 485 tấn một ngày.
Các xe rác thu gom ở nội đô về qua trạm cân trước khi đổ vào máng của máy ép. Mỗi máng có sức chứa 7 tấn, điều khiển tự động nâng lên để ép trong vòng 30 phút.
Rác sau khi ép được cho ra thùng kín có sức chứa 10,35 tấn/thùng. Trạm có 14 thùng đựng rác ép. Các thùng này được nâng lên xe tải trọng lớn, chở thẳng lên bãi rác Khánh Sơn để xử lý.
Ông Nguyễn Hoàng Xuân, Giám đốc dự án Trạm trung chuyển rác thải tại đường Lê Thanh Nghị cho biết, đây là các thùng rác kín, rác đã được ép, vì thế trên đường lưu thông lên bãi không phát sinh mùi hôi, nước rỉ ra đường gây ô nhiễm.
Với các loại rác thải cồng kềnh như giường, tủ, bàn ghế, cây... sẽ được đưa vào máy xay, nghiền trước khi chuyển sang máy ép. Máy xay rác cồng kềnh được đặt ở khu nhà riêng, là máy xay đầu tiên ở Việt Nam.
Trong quá trình ép rác, nước rỉ rác được thu gom thông qua các mương, dẫn về khu xử lý tạm trước khi đưa về Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân.
Toàn bộ cụm công trình xử lý nước thải được xây dựng kín để đảm bảo mùi hôi và bọt sinh ra trong quá trình sục khí không phát ra môi trường. Trong khu ép rác cũng có hệ thống hút mùi, hệ thống hút gió tạo áp suất âm để mùi không bay ra ngoài. Bên cạnh đó còn có hệ thống phun sương chế phẩm khử mùi.
Cùng với các trạm trung chuyển, Đà Nẵng còn đầu tư hệ thống xe thu gom rác mới đảm bảo thấp nhất việc phát tán mùi hôi, nước rỉ trên đường.
Ông Xuân nhìn nhận, khi các trạm trung chuyển hoạt động hết công suất, lượng xe vận chuyển rác trực tiếp lên bãi Khánh Sơn sẽ giảm 70-80% so với hiện nay.
HẢI QUỲNH