Mục tiêu trên hết và trước hết là cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân
Theo Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, năm 2024, tình hình thế giới, khuvực, trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường đã tác động, ảnh hưởng nhiều mặt đến kinh tế, xã hội, đời sống nhân dân. Tại TP Đà Nẵng, tội phạm được kiềm chế, kéo giảm nhưng các nguy cơ, điều kiện phát sinh tội phạm vẫn còn nhiều, thủ đoạn ngày càng tinh vi.Trong bối cảnh đó, với vai trò là lực lượng chủ công, nòng cốt trong công tác bảo đảm an ninh trật tự (ANTT), Công an TP đã bám sát, quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Thành ủy, UBND TP; phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành nhiều chủ trương, giải pháp huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân vào công tác bảo đảm ANTT. Nhờ đó, an ninh chính trị trên địa bàn tiếp tục được giữ vững ổn định, tội phạm được kiểm soát, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, kỷ cương xã hội được tăng cường.
Phóng viên: Lĩnh vực an ninh quốc gia được giữ vững, tuy nhiên tội phạm trên môi trường mạng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp. Xin Thiếu tướng chia sẻ những kết quả trong công tác đấu tranh với loại tội phạm này?
Thiếu tướng Vũ Xuân Viên: Đảng ủy, Giám đốc Công an TP đã tham mưu Chủ tịch UBND TP ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban ngành tăng cường công tác đảm bảo an ninh quốc gia, đặc biệt là lĩnh vực an ninh mạng đối với hệ thống thông tin trên địa bàn.Trong năm 2024, các lực lượng nghiệp vụ đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn 3.211 lượt tấn công được che giấu địa chỉ IP dưới vỏ bọc VPN từ nước ngoài. Mặc dù vậy, một số cuộc tấn công đã gây hậu quả nghiêm trọng. Điều này đặt ra những yêu cầu cao hơn trong công tác nghiệp vụ để chủ động đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng. Tội phạm sử dụng công nghệ cao nổi lên các xu hướng như: hoạt động mạo danh, tạo tài khoản ngân hàng trùng tên với các công ty, nhãn hàng nổi tiếng để dụ dỗ nạn nhân làm nhiệm vụ, nhận hoa hồng; chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, tạo tài khoản ngân hàng giả mạo để mượn tiền; mạo danh cơ quan chức năng yêu cầu cài đặt các ứng dụng có chứa mã độc để chiếm quyền truy cập điện thoại. Các đối tượng còn thu thập thông tin cá nhân của khách hàng khi đặt mua sản phẩm qua các buổi livestream trên các nền tảng mạng xã hội, sau đó gọi điện giả danh là nhân viên giao hàng, yêu cầu chuyển tiền hàng để chiếm đoạt. Cùng với đó, tình trạng tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng diễn biến phức tạp, đặc biệt là trong thời điểm diễn ra hai giải bóng đá EURO 2024 và Copa America 2024. Thời gian gần đây, hoạt động quảng cáo, giao dịch mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ, các loại súng thông qua các kênh mạng xã hội; mua bán tài khoản ngân hàng, mua bán thông tin dữ liệu cá nhân diễn biến phức tạp.
Lực lượng An ninh đã điều tra thụ lý 27 vụ, 73 bị can. Trong đó, đã khởi tố mới 14 vụ án hình sự, 48 bị can; kết thúc điều tra, đề nghị truy tố 15 vụ/52 bị can. Cùng với đó đã phát hiện, cảnh báo, hướng dẫn, trực tiếp xử lý 26 nguy cơ đe dọa/sự cố an ninh mạng; loại bỏ 10,2 triệu chỉ mục độc hại trực tiếp, 12,2 triệu chỉ mục độc hại gián tiếp, góp phần bảo vệ hình ảnh, uy tín của các cơ quan, đơn vị Nhà nước; phát hiện, kiến nghị xử lý đối với 39 trang tồn tại lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng có thể bị lợi dụng để chiếm quyền điều khiển, cài cắm mã độc.
Phóng viên: Trong năm qua, phạm pháp hình sự được kiềm chế, một số nhóm tội phạm giảm sâu. Xin Thiếu tướng cho biết những con số cụ thể?
Thiếu tướng Vũ Xuân Viên: Với việc chủ động trong công tác tham mưu, quyết liệt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, tội phạm về trật tự xã hội tiếp tục được kiềm chế, kiểm soát, kéo giảm 8,5% so với cùng kỳ năm 2023. Địa bàn thành phố không có tổ chức tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen, tội phạm xuyên quốc gia; không xảy ra tình trạng các băng, nhóm tội phạm hình sự hoạt động lộng hành, gây án kéo dài.Công an các đơn vị, địa phương đã điều tra làm rõ 662/794 vụ phạm pháp hình sự (đạt tỷ lệ 83,4%, vượt 8,4% chỉ tiêu Bộ giao), trong đó án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 98,6% (vượt 8,6% chỉ tiêu Bộ giao), bắt xử lý 1.388 đối tượng. Một số loại tội phạm được đấu tranh, trấn áp hiệu quả như: gây rối trật tự công cộng giảm 14%, hủy hoại tài sản giảm 47%, đánh bạc giảm 19%. Đặc biệt là các loại tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người đều giảm so với cùng kỳ năm 2023.
Trên lĩnh vực tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường, lực lượng đã điều tra, triệt phá các đường dây mua bán hóa đơn trái phép, hoạt động theo tổ chức, chuyên nghiệp, phức tạp, số lượng và trị giá hóa đơn được bán ra đặc biệt lớn. Cùng với đó là các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn đưa ra thông tin gian dối để khách hàng gửi tiền tiết kiệm rồi chiếm đoạt; sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả; tham ô tài sản và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ... Trên lĩnh vực này, đã khởi tố mới 38 vụ, 149 bị can (tăng 3 vụ, tăng 81 bị can so với cùng kỳ năm 2023); phát hiện, xử phạt hành chính 227 vụ, 29 tổ chức vi phạm, 205 cá nhân, phạt tiền trên 3 tỷ đồng, tạm giữ tang vật vi phạm trị giá hơn 8 tỷ đồng.
Đối với tội phạm ma túy, hoạt động mua bán, trao đổi, giao dịch ngày càng tinh vi trên môi trường mạng cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác điều tra, xử lý. Qua thống kê từ 376 vụ/697 đối tượng được phát hiện, bắt giữ thì có hơn 98% số vụ liên quan đến ma túy tổng hợp, 79,4% đối tượng phạm tội là người có sử dụng ma túy, phần lớn ở độ tuổi từ 18 đến 30. Ngoài ma túy truyền thống như heroin, cần sa, nhiều đối tượng còn mua bán trái phép loại thảo mộc có chứa chất ma túy loại MDMD- 4en-PINACA và loại ma túy mới “núp bóng” dưới dạng nước vui... Hiện nay, lực lượng Công an đã triển khai cập nhật phần mềm quản lý đối tượng theo chức năng Công an phường, xã trên Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Từ đó lập hồ sơ, nhập dữ liệu, bổ sung thông tin đối tượng vào phần mềm trong thời gian qua được thực hiện nghiêm túc, phục vụ tốt yêu cầu thống kê, quản lý, tra cứu, xử lý theo quy định.
Phóng viên: Trong công tác quản lý Nhà nước về trật tự xã hội, Công an TP Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ như thế nào, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Vũ Xuân Viên: Lực lượng Công an tiếp tục tham mưu Thành ủy, UBND TP chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án số 06/ CP của Chính phủ. Trọng tâm là đẩy mạnh tổ chức triển khai cấp tài khoản định danh điện tử và hướng dẫn kích hoạt cho người dân, đạt 110% chỉ tiêu được giao. Công an các đơn vị, địa phương thu nhận hồ sơ cấp, cấp đổi thẻ căn cước trên địa bàn; thường xuyên cập nhật, bổ sung đảm bảo dữ liệu quốc gia về dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”, duy trì thường xuyên trên 95% theo chỉ tiêu Bộ Công an giao. Lực lượng đã khai thác, phát huy hiệu quả việc ứng dụng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong công tác quản lý Nhà nước về ANTT, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.
Phóng viên: Trong năm 2024 tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) vẫn còn diễn biến phức tạp. Một trong những giải pháp kiềm chế được lực lượng Công an triển khai hiệu quả, quần chúng nhân dân đánh giá cao là Mô hình “Cảnh sát giao thông phụ trách địa bàn cấp xã”. Xin Thiếu tướng cho biết hiệu quả của giải pháp đột phá này?
Thiếu tướng Vũ Xuân Viên: Ngày 11-7-2024, Công an TP Đà Nẵng triển khai mô hình “Cảnh sát Giao thông phụ trách địa bàn cấp xã” gắn với đợt cao điểm đảm bảo TTATGT, trật tự đô thị trên địa bàn thành phố. Đây là giải pháp mới, mang tính đột phá, sáng tạo nhằm tăng cường sự hiện diện của lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) tại địa bàn cơ sở, phối hợp với chính quyền địa phương, đoàn, hội đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo đảm TTATGT tại phường, xã.
Sau thời gian triển khai, mô hình đã tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ, được các cấp lãnh đạo, nhân dân ghi nhận, ủng hộ, đánh giá cao. Với sự hiện diện của CSGT, tình hình TTATGT tại địa bàn cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông (TNGT) bước đầu đã được kiềm chế, giảm 2 tiêu chí về số vụ và số người bị thương so với thời gian trước liền kề. Trong thời gian này, có 22/56 địa bàn cấp xã không xảy ra TNGT, 7/56 địa bàn cấp xã giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí. Lực lượng CSGT phụ trách địa bàn cấp xã đã tổ chức 450 hoạt động tuyên truyền tại các khu dân cư, tổ dân phố, cơ sở giáo dục đào tạo, doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Qua công tác chuyên môn đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 4.688 trường hợp vi hạm TTATGT.
Cùng với việc tập trung tham mưu, triển khai các Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Công an thành phố cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT. Trong đó tập trung vào nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT.
Phóng viên: Thêm một điểm sáng của Đà Nẵng là trong năm 2024 công tác PCCC&CNCH đạt nhiều kết quả tích cực, thiệt hại về người và tài sản do cháy nổ giảm sâu đáng kể. Xin Thiếu tướng cho biết vì sao có những kết quả này?
Thiếu tướng Vũ Xuân Viên: Công an TP đã tham mưu Thành ủy ban hành Chỉ thị số 43-CT/TU ngày 11-6-2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC và CNCH trong tình hình mới; ban hành Kế hoạch số 173/KH-UBND ngày 13-8-2024 về triển khai thực hiện Quy hoạch hạ tầng PCCC thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn thành phố.
Các đơn vị, địa phương đã thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn kỹ năng về PCCC và CNCH nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân về công tác PCCC và CNCH, hạn chế nguy cơ, điều kiện phát sinh cháy, nổ, kéo giảm thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Cùng với việc mở 144 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH cho lực lượng cơ sở, dân phòng, chuyên ngành với 12.988 người tham gia, các địa phương tiếp tục duy trì, xây dựng các “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng”, góp phần tăng cường năng lực PCCC tại địa bàn cơ sở. Đến nay, trên toàn địa bàn thành phố có 714 “Tổ liên gia an toàn PCCC”, 2.486 “Điểm chữa cháy công cộng”, 653 “Điểm chữa cháy công cộng ban đầu”.
Trong công tác quản lý nhà nước, lực lượng chức năng đã tiến hành các hoạt động kiểm tra định kỳ, đột xuất nhằm chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm trên lĩnh vực PCCC. Đặc biệt, đã rà soát, phân loại các tồn tại, vi phạm về PCCC và CNCH tại 1.272 cơ sở là nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất kinh doanh. Qua đó, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đưa ra lộ trình khắc phục để đảm bảo an toàn PCCC và CNCH đối với các cơ sở này.
Với nhiều biện pháp, nhiều mô hình được triển khai với sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, tình hình cháy nổ trên địa bàn thành phố đã giảm sâu thiệt hại cả về người và tài sản cho nhân dân.
Phóng viên: Lực lượng Công an tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, tập hợp được sức mạnh quần chúng nên phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (BVANTQ) ngày càng hiệu quả, xây dựng thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc. Xin Thiếu tướng cho biết các giải pháp đã triển khai?
Thiếu tướng Vũ Xuân Viên: Công an TP đã tham mưu UBND TP trình HĐND TP ban hành Nghị quyết số 24/NQ-HĐND quy định “Tiêu chí thành lập Tổ Bảo vệ ANTT, tiêu chí về số lượng thành viên Tổ Bảo vệ ANTT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”; Nghị quyết số 25/NQ-HĐND quy định “Chế độ, chính sách, điều kiện đảm bảo hoạt động đối với Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trên địa bàn TP Đà Nẵng”. Hiện toàn thành phố đã có 1.165 Tổ Bảo vệ ANTT ở cơ sở với 4.472 thành viên, bước đầu đã phát huy vai trò quan trọng, hỗ trợ đắc lực, có hiệu quả cho lực lượng Công an các phường, xã trong công tác phòng, chống tội phạm, xây dựng phong trào Toàn dân BVANTQ ngay tại địa bàn cơ sở.
Mô hình “Công an cơ sở tăng ca phục vụ nhân dân”, tăng cường công tác đảm bảo ANTT tại cơ sở đã tạo điều kiện thuận lợi về thời gian giúp nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu giải quyết các thủ tục hành chính. Công an 56 xã, phường thường xuyên thăm hỏi, động viên, nắm tình hình đối với người đã chấp hành xong án phạt tù trở về tái hòa nhập cộng đồng. Những người có hoàn cảnh khó khăn, nguy cơ cao thực hiện tội phạm, vi phạm pháp luật được kèm cặp, giúp đỡ, tạo sinh kế để ổn định cuộc sống.
Phóng viên: Xin Thiếu tướng cho biết tầm quan trọng của Đề án số 07 về xây dựng lực lượng Công an TP Đà Nẵng thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới mà Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành. Đảng ủy, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng đã triển khai việc thực hiện Đề án này như thế nào?
Thiếu tướng Vũ Xuân Viên: Đề án số 07 của Thành ủy Đà Nẵng đang được triển khai thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt, đạt hiệu quả cao. Đây là chủ trương lớn, quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng bộ và nhân dân TP Đà Nẵng đối với công tác xây dựng lực lượng Công an. Đề án cũng là sự cụ thể hóa Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 118 của Đảng ủy Công an Trung ương.
Dù phải dành nhiều nguồn lực để triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách mới theo Nghị quyết 136 của Quốc hội nhưng thành phố vẫn bố trí một nguồn ngân sách rất lớn để đầu tư, trang bị, hiện đại hóa lực lượng Công an giai đoạn từ nay đến năm 2030. Điều đó cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Thành ủy, HĐND, UBND TP đối với công tác bảo đảm ANTT với mong muốn Đà Nẵng phải thực sự là thành phố an ninh, an toàn, đáng đến, đáng sống. Quá trình thực hiện nhận được sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, của các tầng lớp nhân dân. Toàn lực lượng luôn luôn quán triệt quan điểm CAND là của dân, do dân và vì dân; phải gắn bó mật thiết và phục vụ nhân dân; phải làm sao để nhân dân tín nhiệm, tin yêu, giúp đỡ. Công an các đơn vị, địa phương tập trung giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, bảo vệ nội bộ, bảo vệ truyền thống tốt đẹp của Công an TP Đà Nẵng. Mỗi cán bộ chiến sĩ luôn giữ phẩm chất đạo đức cách mạng, gương mẫu, có lối sống trong sạch, lành mạnh, tiến bộ, văn minh, trung thực, có ý thức tổ chức kỷ luật cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Lợi ích chung ở đây, trước hết và trên hết là lợi ích của nhân dân.
Phóng viên: Xin cảm ơn Thiếu tướng về cuộc phỏng vấn!
CÔNG KHANH (thực hiện)