Báo Công An Đà Nẵng

Mừng hay lo!

Thứ hai, 18/01/2016 08:39

(Cadn.com.vn) - Theo kết quả công bố ngày 17-1, cử tri Đài Loan (Trung Quốc) đã quyết định chọn ứng viên Thái Anh Văn của đảng Dân Tiến (DPP) trở thành nữ lãnh đạo đầu tiên của hòn đảo này, chính thức "hất cẳng" Quốc dân Đảng (KMT) cầm quyền thân chính quyền Trung Quốc đại lục. KTM đã thừa nhận thất bại. "Tôi xin lỗi... Chúng ta đã thất bại", ứng viên của KTM, ông Chu Lập Luân tuyên bố.

Mỹ đã lên tiếng chúc mừng nữ lãnh đạo đầu tiên của Đài Loan nhưng cũng không quên ca ngợi người tiền nhiệm của bà  - ông Mã Anh Cửu về những nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ với Trung Quốc đại lục. Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc phản ứng khá thận trọng bởi kết quả này có thể tác động đến mối quan hệ hai bờ eo biển. Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc ra tuyên bố khẳng định sẽ tiếp tục phản đối bất kỳ hoạt động độc lập nào của Đài Loan. Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một tỉnh của họ và cảnh báo sẽ "can thiệp quân sự" nếu hòn đảo này chính thức tuyên bố độc lập.

Tuy nhiên, đảng DPP luôn có chủ trương chính sách đòi độc lập cho Đài Loan và "xa lánh" Trung Quốc đại lục. Trong tuyên bố mừng chiến thắng, bà Thái Anh Văn cảnh báo Trung Quốc rằng, bất kỳ "sự áp đặt" nào cũng sẽ gây tổn hại đến mối quan hệ hai bờ eo biển  dù cũng nhấn mạnh sẽ nỗ lực duy trì sự ổn định trong quan hệ với Trung Quốc đại lục. Ngoài ra, bà kêu gọi sự tự do hàng hải ở biển Đông và một giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp trên vùng biển này trong bối cảnh Bắc Kinh đang có những tuyên bố chủ quyền vô lý và cả những hành động cải tạo đất trái phép ở khu vực đang tranh chấp này.

KMT đã nắm quyền ở Đài Loan trong 8 năm qua với di sản để lại là một mối quan hệ nồng ấm hơn với Bắc Kinh. Kể từ khi lên nắm quyền trong cuộc bầu cử năm 2008, ông Mã Anh Cửu chủ trương tiến đến mối quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh, trong đó có việc ký kết một thỏa thuận thương mại lịch sử. Hồi tháng 11- 2015, ông Mã Anh Cửu thậm chí đã có "cuộc gặp gỡ thế kỷ" với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đó là lần đầu tiên, giới lãnh đạo 2 bờ eo biển Đài Loan gặp nhau kể từ khi cuộc nội chiến kết thúc năm 1949. Tuy nhiên, KMT bị chỉ trích là có chính sách quá thân với Trung Quốc và yếu kém về quản lý, điều hành kinh tế.

Vì vậy, có thể thấy, kết quả bầu cử lần này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến quan hệ hai bờ eo biển. Nếu tiếp tục theo đuổi chính sách độc lập và cách xa Trung Quốc đại lục, bà Thái Anh Văn có thể khiến quan hệ giữa hai bờ eo biển lâm vào tình trạng căng thẳng, đe dọa triển vọng tăng trưởng kinh tế Đài Loan. Và nhất là nếu Đài Loan dưới thời DPP tiếp tục thúc đẩy kế hoạch tuyên bố độc lập, nguy cơ làm leo thang căng thẳng với Trung Quốc càng hiện hữu rõ rệt.

Thanh Văn