Mừng sinh nhật Bác trong vùng địch
(Cadn.com.vn) - Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Quân khu 5, có tấm băng khẩu hiệu bằng vải sô, viết bằng mực sơn, dài cỡ 1,5m do ông Phan Hùng Dũng làm và cất giữ từ năm 1969. Lần theo địa chỉ nhà số 115/35 đường Phương Sài, xóm Cận Sơn 2, P. Phương Sơn, TP Nha Trang (Khánh Hòa) tôi tìm đến gia đình ông Dũng. Ông đã mất năm 2009 nhưng người vợ ông, bà Nguyễn Thị Tám vẫn nhớ như in những gì liên quan đến chồng mình, đặc biệt tấm băng khẩu hiệu mừng sinh nhật Bác Hồ đã tồn tại trong gia đình bà suốt những năm sống trong vùng địch.
"Ông nhà tôi quê ở Bình Định, cách mạng "nòi", có đến 7 người là liệt sĩ. Sống trong một gia đình như thế nên ông ấy giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Thời trẻ ở địa phương đã từng làm liên lạc cho du kích, được cử đi học lớp tình báo của huyện, rồi bị thương khi đang trong lớp học. Khi cậu ruột và anh trai đi tập kết ra Bắc, mọi người khuyên ông đổi tên, vào Nha Trang để tránh địch ruồng bố. Vào đến nơi, trên đường đi tìm tổ chức, ông bị địch bắt, đánh đập dã man và theo dõi rất chặt. Sau khi được thả, ông làm nghề xích lô, sau chạy xe lam nuôi vợ con. Mặc dù sống giữa hang ổ của giặc, nhưng trái tim ông luôn hướng về cách mạng và Bác Hồ. Tấm ảnh Bác mang theo từ hồi còn ở quê, ông cất giữ cẩn thận. Thỉnh thoảng ông đem ra cho vợ và những đứa con lớn xem, giáo dục cho các con tình cảm với lãnh tụ cách mạng. Trong nhà có chiếc máy thu thanh nhỏ xíu, nhiều buổi tối ông vào buồng, vặn khẽ nghe tin tức từ Hà Nội. Vì thế, đầu tháng 9-1969, chúng tôi biết Bác Hồ vừa từ trần. Khỏi phải nói cả nhà đã thương tiếc như thế nào. Ông ấy khóc, rồi bảo: "Mai mẹ thằng Tẹo mua cho tôi hoa chuối, bánh trái để tôi cúng Bác". Mấy ngày liền bàn thờ nhà tôi nghi ngút khói hương, chúng tôi phải nói dối với hàng xóm là cúng để mấy đứa nhỏ bớt bệnh.
Tấm khẩu hiệu mừng sinh nhật Bác được viết từ năm 1969 của ông Phan Hùng Dũng. |
Sau năm 1969, ông không nguôi nhớ tới Bác Hồ. Ông bàn với tôi mua tấm vải sô màu vàng nhạt dài hơn mét rưỡi, bề ngang chừng 3 tấc, về làm phông, rồi mua sơn đỏ, sơn xanh về hì hục viết lên đó câu khẩu hiệu: "Mừng sinh nhật Bác Hồ 19.5.1890". Ông có hoa tay nên viết rất đẹp. Hàng năm đến ngày 19-5, vào buổi tối, chúng tôi mang tấm ảnh Bác, băng khẩu hiệu đặt trang trọng trên bàn thờ và thắp hương cúng lạy, tưởng nhớ đến Người, sau đó lại mang vào cất kỹ. Đến ngày 2 - 4-1975, giải phóng Nha Trang, ông mừng lắm, đem băng khẩu hiệu, dán ảnh Bác Hồ căng lên làm thành cổng chào, lại gỡ ván trần nhà viết hai câu đối dựng 2 bên: Đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch và Đảng Lao động Việt Nam. Trong nhà viết nhiều câu khẩu hiệu khác nữa. Ông gọi thanh niên, thiếu niên đến nhà bày cho các cháu hát các bài hát về Bác Hồ, trống dong, cờ mở hàng tháng trời, tạo khí thế cách mạng cả một vùng. Ông đi tìm tổ chức của ta, tự nguyện dùng xe lam, chiếc "cần câu cơm" của gia đình để chở lực lượng quân sự của mình truy quét địch, vào đến Cam Ranh, suýt bị dính đạn. Chiếc xe lam từng mua 50 cây vàng, vậy mà cách mạng về, ông dẹp luôn xe, làm an ninh, sau đó là công an, rồi phường đội trưởng. Ông nói cả đời mình làm ăn rồi, nay phải cống hiến sức lực cho đất nước. Chúng tôi có 8 đứa con, dẫu sống chật vật nhưng các cháu đều học hành đàng hoàng, nay trưởng thành, làm công an, cán bộ Nhà nước. Ông mơ ước một lần được ra thăm Lăng Bác, nhưng hoàn cảnh khó khăn vẫn chưa đi được. Đến khi con cái có tiền mua vé máy bay cho ba ra Hà Nội thì ông bệnh tim nặng điều trị mấy năm, mổ xẻ đến 2 lần. Năm ông mất, đám tang to lắm. Mọi người ai cũng nhớ thương ông, một người suốt đời hướng về cách mạng và Bác Hồ kính yêu...".
Bà Tám không biết rằng, tấm khẩu hiệu trong bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Quân khu 5 mà ông Dũng hiến tặng năm 1978, qua lời giới thiệu của các cô hướng dẫn viên đã tạo sự xúc động sâu sắc cho bao khách tham quan, nhất là các cháu thiếu nhi.
Bài và ảnh: Hồng Vân