Muôn kiểu trộm điện (Kỳ 1: Đau đầu với "điện tặc")
Thất thoát điện năng luôn là bài toán mà ngành điện phải đối mặt hàng ngày. Nhưng điều lo nhất chính là vấn nạn trộm cắp điện đang diễn ra khá phổ biến. Thực tế đó đã cho thấy, bên cạnh những khách hàng cố gắng ở mức cao nhất để tiết kiệm điện trong cả sản xuất kinh doanh lẫn sinh hoạt nhưng vẫn còn không ít tổ chức, cá nhân vẫn cố tình tìm cách xài điện "chùa". Đây là một hành vi gây mất an toàn trong sử dụng điện cần phải lên án. Tuy nhiên, để phát hiện các trường hợp vi phạm câu trộm điện là điều không dễ dàng chút nào bởi kẻ trộm điện có muôn vàn chiêu trò hết sức tinh vi để tránh bị ngành điện "sờ gáy".
Khách hàng tự ý đấu nối trực tiếp tại lan can đầu hồi nhà. |
Anh Phan Công Đạm, Kiểm tra viên Điện lực Sơn Trà nhớ như in vụ trộm cắp điện xảy ra tại P.An Hải Tây. Từ lúc phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ nhà ông Đ.V.S xài điện "chùa", lực lượng kiểm tra đã tìm nhiều cách nhưng vẫn chưa thể "bắt tận tay, day tận cánh". Nhà ông S., bán cà-phê khá kín cổng, cao tường và thường trộm điện từ 21 giờ đêm hôm trước đến khoảng 7 giờ sáng hôm sau. Quá trình theo dõi suốt 3 tháng trời và khi đã chứng minh được hành vi trộm cắp điện của ông S. là xác thực, tổ kiểm tra đã phối hợp với các lực lượng khác quyết tâm bắt quả tang. Đúng 6 giờ sáng, khi ông S., vừa mở cửa để chuẩn bị bán cà- phê sáng thì anh Đạm cùng mọi người ập vào lập biên bản quả tang vi phạm. Vào thời điểm đó, ông S. đang sử dụng điện không qua đồng hồ đo đếm bằng cách mổ cáp trước công-tơ đưa qua aptomat được đặt ngay sau cánh cửa trong phòng ngủ để đóng cắt, vị trí này khá kín đáo rất khó phát hiện. Trước đó, thông qua nhiều nguồn tin và cách tiếp cận bằng mắt thường cũng như công nghệ, lực lượng kiểm tra đã bí mật bố trí người theo dõi suốt 3 đêm liền đều thấy, ban đêm không thấy ông S. có tín hiệu sử dụng điện nhưng máy lạnh vẫn chạy ù ù và điện vẫn sáng trưng nên câu hỏi đặt ra trước đó đã có lời giải. Bởi vậy, ngay sau khi bị phát hiện việc xài điện chùa, ông S. đã ký vào biên bản vi phạm với số điện năng bị bồi thường trên 19.000kWh (tương đương với số tiền gần 90 triệu đồng). Cũng tại địa bàn Q.Sơn Trà, ông D.V.T, trú P.Phước Mỹ hành nghề sản xuất, kinh doanh chả, có sử dụng thiết bị mô-tơ xay thịt công suất lớn nhưng chỉ đăng ký sử dụng điện sinh hoạt. Suốt thời gian dài cho đến khi bị phát hiện, ông T. đã trộm cắp điện bằng cách mổ cáp âm tường trước công-tơ đặt trong nhà để sử dụng cho cả điện sinh hoạt, sản xuất lẫn kinh doanh không qua đo đếm. Cho đến thời điểm bị bắt quả tang, gia đình ông T., đã xài điện "chùa" đến 19.993 kWh và số tiền phải bồi thường trên 93 triệu đồng.
Trích cáp trước công-tơ. |
Ông Huỳnh Văn Chèo, Giám đốc Điện lực Sơn Trà thừa nhận, trộm cắp điện để phục vụ cho mục đích xài điện "chùa" của khách hàng rất biến hóa, tinh vi và khó phát hiện và dẫn một số vụ việc mới được phát hiện gần đây để minh chứng thêm cho điều này. Cũng ở tại địa bàn P.Phước Mỹ, Q.Sơn Trà, khách hàng N.V.T, buôn bán bánh mì lẻ, có sử dụng máy nướng bánh nhưng để giảm chi phí điện, khách hàng này đã có "sáng kiến" mài chốt niêm chì, mở được hộp bảo vệ công-tơ không cần phá niêm, sau đó đấu trực tiếp vào pha lửa trước công- tơ kết hợp nguội sau công-tơ để sử dụng điện vào hai mục đích sinh hoạt và kinh doanh nhưng lại không qua đồng hồ đo đếm. Vào thời điểm bị phát hiện, ông T. đã xài điện "chùa" gần 20.000 kWh và số tiền buộc bồi thường trên 86,8 triệu đồng. Để có thể thấy rõ hơn vấn nạn vi phạm sử dụng điện, trong đó có cả các vụ trộm cắp điện, người viết đã trực tiếp làm việc với ông Ngô Phú Việt, Trưởng phòng Kiểm tra Giám sát mua bán điện thuộc Cty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (Cty Điện lực Đà Nẵng). Ông Việt cho biết, trong năm 2017, ngành điện đã phát hiện 116 vụ trộm cắp điện, sản lượng điện buộc khách hàng phải bồi thường là 376.825 kWh; số tiền bồi thường lên đến hơn 1 tỷ 350 triệu đồng. Riêng 9 tháng đầu năm 2018, lực lượng kiểm tra viên của Cty Điện lực Đà Nẵng đã kiểm tra và phát hiện, xử lý 5.669 vụ vi phạm sử dụng điện, trong đó có 76 vụ trộm cắp điện với sản lượng điện bị thất thoát mà khách hàng phải bồi thường gần 198.000 kWh (tương đương với số tiền phải bồi thường gần 620 triệu đồng). Ông Việt cũng thừa nhận có khá nhiều vụ trộm cắp điện rất khó phát hiện và đơn cử một vụ khá điển hình xảy ra tại Q.Cẩm Lệ. Qua theo dõi sản lượng bất thường của hai khách hàng liền kề và kết hợp với việc khai thác chương trình Spider, các kiểm tra viên thuộc Điện lực Cẩm Lệ phát hiệm biểu đồ phụ tải của hai khách hàng này có dấu hiệu bất thường trong một thời gian dài. Bởi vậy anh Lê Thấn Thành, Trần Duy Kỳ thuộc Tổ Kiểm tra Giám sát mua bán điện của Điện lực Cẩm Lệ đã lên phương án bắt quả tang nhưng đồng thời cũng mời CAP Hòa Thọ Đông phối hợp kiểm tra hai khách hàng sử dụng điện là L.C, và N.T.V, Tại hiện trường, khách hàng đã tự ý cạy nắp hộp bảo vệ công-tơ, dùng dây đồng 3 ly chọc vào đầu bọt số 1 (pha lửa) công- tơ một pha, liên kết với aptomat điều khiển để sử dụng điện cho hai nhà liền kề không qua hệ thống đo đếm điện năng. Khi phát hiện, kiểm tra viên điện lực đã lập biên bản vi phạm có sự chứng kiến của các bên tham gia. Khách hàng đã xác nhận biên bản vi phạm. Qua tính toán, điện năng bồi thường trên 14.400 kWh với số tiền bồi thường gần 63,3 triệu đồng. "Đây là vụ vi phạm với sản lượng lớn trên địa bàn quận, hành vi vi phạm thường thực hiện vào ban đêm, khách hàng luôn đề cao cảnh giác nên rất khó tiếp cận hiện trường. Công-tơ đặt trong nhà có 2 lớp cửa và luôn luôn được đóng kín. Kiểm tra viên phải sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để tiếp cận và nhiều lần phối hợp với lực lượng CAP Hòa Thọ Đông nhưng khách hàng luôn tìm cách từ chối mở cửa và hẹn hôm sau đến kiểm tra. Do đó, để bắt được quả tang, Tổ Kiểm tra Giám sát mua bán điện của đơn vị chúng tôi phải mật phục nhiều đêm chờ khách hàng mở cửa là tiếp cận ngay và phải nhờ đến sự phối hợp với CAP Hòa Thọ Đông bảo vệ hiện trường, lập biên bản xử lý"-ông Bùi Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Điện lực Cẩm Lệ nói.
(còn nữa)
PHƯƠNG KIẾM