Báo Công An Đà Nẵng

Muôn thuở lưu danh

Thứ hai, 22/12/2014 09:43

(Cadn.com.vn) - Hôm nay, đến NTLS H. Triệu Phong (Quảng Trị), đứng trước hàng mộ đơn vị Mai Quốc Ca thương nhớ dâng trào những người lính Cụ Hồ, những anh hùng Trung đội huyền thoại ngã xuống trong trận đánh ác liệt  mùa hè đỏ lửa 1972 bảo vệ Thành Cổ đã trở thành tượng đài bất tử bên dòng Thạch Hãn.

Ngày 17-12, một ngày xúc động đặc biệt với toàn bộ nhân dân Quảng Trị: lễ tri ân đặc biệt tại NTLS huyện "Gắn tên cho đồng đội" trên 16 bia mộ của Trung đội Mai Quốc Ca. Mặc cho cái rét đang rơi, lòng người vẫn ấm áp lạ. "Đã gọi được tên anh rồi...", người CCB nghẹn ngào trước phần mộ Trung đội trưởng Mai Quốc Ca và đồng đội. Ký ức của 42 năm trước một lần nữa dội về.

Đêm 9-4-1972, Trung đội 2 với 20 CBCS thuộc Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 do đồng chí Đại đội phó Nguyễn Văn Thỏa chỉ huy, đồng chí Mai Quốc Ca (23 tuổi) làm Trung đội trưởng nhận nhiệm vụ mang 100kg bộc phá tổ chức thọc sâu chiếm giữ và đánh sập cầu Quảng Trị (nay là cầu Thạch Hãn) nhằm chia cắt sự viện trợ của địch từ phía Nam ra các căn cứ quân sự ở Ái Tử, Đông Hà đồng thời tạo điều kiện để các cánh quân của ta mai phục sẵn ở hai bờ sông Thạch Hãn và các vùng phụ cận tiêu diệt lực lượng quân sự mạnh nhất của địch đang tập trung ở chiến trường Quảng Trị. Những chàng trai cảm tử đất Bắc (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nội...) lần lượt vượt qua nguy hiểm, bỏ lại phía sau nhiều đồn bốt địch, tiêu diệt thêm 1 trung đội lính bảo an của địch ở xã Triệu Thượng (H. Triệu Phong) và tiến gần đến cầu Thạch Hãn. 4 giờ sáng ngày 10- 4, tiểu đội đầu tiên nhận lệnh xuất kích tiếp cận mục tiêu cuối cùng, gài bom phá cầu, phía xã Triệu Thượng.

Những bước chân hành quân của quân giải phóng đã vướng phải mìn của địch. Sau tiếng nổ chát chúa, ngay lập tức địch điều động tăng cường 3 tiểu đoàn dù, thủy quân lục chiến, có xe tăng, pháo binh và máy bay yểm trợ về phía cầu. Toàn bộ trung đội 2 lọt thỏm giữa vòng vây của kẻ địch. Ý chí không lui, từ 4 giờ sáng đến 11 giờ trưa ngày 10-4, những chiến sĩ Trung đội Mai Quốc Ca quả cảm đã tiêu diệt hơn 120 lính ngụy và 2 cố vấn Mỹ, bắn cháy nhiều xe tăng, xe bọc thép. Sau tiếng súng cuối cùng tắt đi vào trưa hôm đó cũng là lúc 19 CBCS Trung đội 2 đã mãi mãi ngã xuống, còn một chiến sĩ bị địch bắt trong tình trạng bị thương nặng là chiến sĩ Vũ Ngọc Thành.



Phần mộ Đại đội phó Nguyễn Văn Thỏa, Trung đội trưởng Mai Quốc Ca và đồng đội.

Theo ký ức của nhân dân và những lão thành cách mạng tại xã Triệu Thượng, đau thương đến nghẹt con tim khi chứng kiến thi thể các anh bị địch phơi nắng trên QL1A nhằm phô trương chiến tích và đe dọa người dân và cho biết sẽ chôn lấp hố chung. Nén đau thương, mất mát, người dân Triệu Thượng quyết đấu tranh giành lại thi thể các anh. Cuộc chiến không tiếng súng ấy đã quyết liệt, giằng co... đến mức khiến kẻ thù phải chấp nhận yêu cầu của nhân dân. Sau nhiều giờ đấu tranh, đứng trước sinh tử, bà con Triệu Thượng đã có được các anh. Chiều hôm đó, đất mẹ đã ôm các anh vào lòng, xoa dịu đau thương. Nhưng đau đáu còn nguyên, hàng bia mộ 19 cảm tử quân sau 42 năm vẫn chưa xác định được tên. Trên phần bia mộ đều chung dòng chữ Đơn vị Mai Quốc Ca.

Trước nỗi đau chung, thân nhân liệt sĩ, đồng đội và nhân dân kiến nghị các cấp có thẩm quyền cho tổ chức giám định ADN trả lại tên cho các anh, khi có kết quả, cho gắn bia trên các phần mộ tại NTLS. Hành trình tìm lại tên các anh bắt đầu từ tháng 9- 2013 kể từ khi khai quật mộ, lấy mẫu phục vụ giám định ADN.

Đúng 1 năm sau, Viện Công nghệ sinh học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã cho kết quả. 16/19 ngôi mộ nằm ở dãy mộ liệt sĩ Trung đội Mai Quốc Ca cho kết quả giám định gien hài cốt của liệt sĩ đúng với 16/19 bộ gien cùng huyết thống. Tin vui vút bay về quê hương các anh là Thanh Hóa, là Nghệ An, Hà Nội... Quảng Trị cũng rưng rưng đón nhận niềm xúc động ấy. Đây rồi, Đại đội phó Nguyễn Văn Thỏa, đây nữa Trung đội trưởng Mai Quốc Ca, còn đây là binh nhất Lê Trọng Chấn, binh nhất Hà Trọng Nguyện...

Đời đời khắc ghi những anh hùng đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho Tổ quốc, mãi nghiêng mình gọi tên các anh trong niềm nhớ thương, tự hào. Xen lẫn trong hàng mộ đã có tên, còn 3 phần mộ nữa vẫn còn chung dòng chữ: đơn vị Mai Quốc Ca. Mong sớm tìm được tên các anh nay mai thôi...

Bảo Hà