Báo Công An Đà Nẵng

Mỹ áp đặt vòng trừng phạt mới liên quan đến Nga

Thứ bảy, 04/06/2022 10:56
Ông Sergei Roldugin - một người bạn thân của Tổng thống Putin - nằm trong "danh sách đen" của Mỹ lần này.

Trừng phạt "người giữ tiền" của ông Putin

Trong số các cá nhân bị Washington đã liệt vào "danh sách đen" có ông Sergei Roldugin - một người bạn thân của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong thông báo được đăng trên trang web của Bộ Tài chính Mỹ, Washington cũng áp đặt trừng phạt đối với vợ của ông Roldugin - ca sĩ opera Elena Mirtova. Đây là lần đầu tiên vợ chồng ông Roldugin bị Mỹ đưa vào "danh sách đen". Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) đã liệt vợ chồng ông này vào danh sách trừng phạt hồi tháng 2.
Ông Roldugin thường được biết đến là nghệ sĩ cello, giám đốc nghệ thuật của nhà hát St Petersburg và là bạn thân của ông Putin trong hơn 40 năm. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ cho rằng ông là nhân vật chủ chốt trong việc quản lý tài sản cá nhân của ông Putin ở nước ngoài. Với vai trò đó nên ông Roldugin được gọi là "người trung gian" hay "người giữ tiền" của ông Putin, theo hãng tin AFP.

Các đối tượng khác bị lệnh trừng phạt nhắm đến bao gồm một số quan chức chính phủ cao cấp, trong đó có người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, và các doanh nhân, các máy bay và một du thuyền có liên quan đến ông Andrei Kostin - Giám đốc điều hành ngân hàng VTB - một trong những ngân hàng lớn nhất nước Nga.

Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Mỹ cũng đã liệt 71 công ty Nga vào danh sách "Danh sách Thực thể" bị hạn chế tiếp cận các công nghệ và hàng hóa quan trọng của Mỹ. Những công ty nằm trong "Danh sách Thực thể" sẽ phải đối diện với các quy định hạn chế nghiêm ngặt liên quan đến các mặt hàng nhập khẩu vào Nga, bao gồm hàng hóa có xuất xứ từ Mỹ hoặc những sản phẩm nước ngoài có nguồn gốc từ một số thiết bị, công nghệ hoặc phần mềm của Mỹ.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, lệnh trừng phạt mới được đưa ra nhằm "làm suy giảm các mạng lưới quan trọng mà giới tinh hoa của Nga, bao gồm Tổng thống Putin, sử dụng để cố gắng che giấu, chuyển tiền và sử dụng các tài sản xa xỉ trên toàn thế giới bằng cách ẩn danh". Nhà Trắng cho biết lệnh trừng phạt này nhằm tăng cường sức ép lên Moscow sau hơn 3 tháng Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine. Thông báo của Nhà Trắng viết: "Mỹ cùng với hơn 30 đối tác trên khắp thế giới đã áp đặt các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu chưa từng có để buộc Tổng thống Putin phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến ở Ukraine. Đồng thời, hạn chế Nga tiếp cận công nghệ quan trọng mà nước này cần để tài trợ cho chiến dịch của họ ở Ukraine".

Lệnh cấm nhập khẩu dầu của EU áp lên Nga vừa qua đã cho thấy những thách thức mới trong việc tiếp tục trừng phạt Moscow. Ảnh: DW

Nhà Trắng chia rẽ về lệnh trừng phạt Nga

Theo tờ Bloomberg, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chia rẽ về mức độ nước này có thể thúc đẩy các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga mà không làm suy yếu nền kinh tế của bản thân cũng như sự đoàn kết giữa các nước phương Tây.

Dẫn các nguồn thạo tin, tờ Bloomberg ngày 1-6 cho biết mặc dù phần lớn đội ngũ của Tổng thống Biden ủng hộ kế hoạch trừng phạt mà Washington đưa ra sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào cuối tháng 2 song các cuộc thảo luận về vấn đề này đã trở nên nóng hơn bao giờ hết khi các lệnh trừng phạt không thể gây sức ép đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong việc thay đổi hướng đi.

Các quan chức trong chính quyền Washington được cho là đã hình thành hai phe không cùng quan điểm. Một nhóm bao gồm các quan chức Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng ủng hộ một lập trường cứng rắn. Họ tin rằng bất kỳ sự phản đối nào từ đồng minh và đối tác của Mỹ cũng đều có thể vượt qua. Trong khi đó, nhóm còn lại, đại diện chủ yếu là các quan chức Bộ Tài chính Mỹ, đã đưa ra những lo ngại liên quan đến thảm họa kinh tế mà lệnh trừng phạt có thể gây ra, đặc biệt trong bối cảnh người Mỹ đang phải hứng chịu tình cảnh giá dầu cao và lạm phát. Một số quan chức cũng được cho là lo lắng về cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra vào tháng 11 tới và cơ hội để Đảng Dân chủ giữ ghế của mình trong Quốc hội.

Mỹ đang phải hứng chịu lạm phát và giá khí đốt cao kỷ lục do cuộc xung đột ở Ukraine và đại dịch COVID-19. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, tỷ lệ lạm phát năm ghi nhận vào tháng 10-2021 đạt 6,2%, cao nhất trong hơn ba thập kỷ. Nếu Washington tiếp tục gây sức ép lên Moscow bằng các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn, họ có thể trở nên "đơn độc" và có thể tạo bất đồng giữa Mỹ và các đồng minh.

AN BÌNH