Mỹ bên bờ vực phá sản
(Cadn.com.vn) - Nước Mỹ đứng bên bờ vực phá sản lần đầu tiên trong lịch sử khi thời hạn chót nâng trần nợ quốc gia 16.700 tỷ USD đến gần (ngày 17-10).
Khi cơn bão “đóng cửa” vẫn chưa qua, một cơn bão khác lại đang chực chờ nuốt chửng chính phủ Mỹ. Nếu Quốc hội cho đến ngày 17-10 vẫn không nhất trí về thỏa thuận nâng trần nợ công, nền kinh tế số 1 thế giới sẽ bị phá sản.
Quốc hội vẫn “như trẻ lên 3”
Có lẽ, người dân Mỹ đã đúng khi chỉ trích các nghị sĩ Quốc hội hành động như “trẻ lên 3”. Bởi lẽ, cho đến nay, sau 16 ngày đóng cửa với những hậu quả khôn lường, vẫn chưa xuất hiện khả năng lưỡng viện Quốc hội khóa 113 của Mỹ có thể phá vỡ tình trạng bế tắc để mở cửa công sở liên bang và nâng trần nợ.
Theo Reuters, các nhà lãnh đạo của Hạ viện và Thượng viện vẫn đang tiếp tục ép nhau phải có nhượng bộ trước. Theo các quan chức Cộng hòa, tối 15-10 (sáng 16-10, giờ Việt Nam), Hạ viện không bỏ phiếu về dự luật ngân sách sửa đổi theo đó cấp ngân sách đến ngày 15-12 để chính phủ liên bang mở cửa trở lại và gia hạn đến ngày 7-2-2014 quyền vay nợ của Bộ Tài chính Mỹ do vấp phải sự phản đối của nhóm nghị sĩ bảo thủ “Heritage Action”. Phe Dân chủ cũng bác bỏ phương án mới này của phe Cộng hòa.
Sàn chứng khoán chao đảo khi nước Mỹ có nguy cơ bị phá sản. Ảnh: Reuters |
Sau các cuộc thương lượng kéo dài, thủ lĩnh phe thiểu số Dân chủ tại Hạ viện, nghị sĩ Nancy Pelosi tuyên bố chưa chấp nhận kế hoạch ngân sách đã chỉnh sửa của phe Cộng hòa, cho rằng đề xuất đó chỉ gây lãng phí thời gian của người dân Mỹ. Thủ lĩnh phe đa số Dân chủ tại Thượng viện, nghị sĩ Harry Reid và một số nhà lãnh đạo khác của đảng Dân chủ cũng chỉ trích đề xuất mới của phe Cộng hòa. Ông Reid thẳng thừng tuyên bố, kế hoạch của Hạ viện chắc chắn sẽ không được thông qua tại Thượng viện.
Rào cản từ Thượng viện
Các nhà lãnh đạo hai phe hiện đang xem xét 2 cách có thể tăng tốc thông qua các thỏa thuận, mà thường có thể bị sa lầy trong nhiều ngày vì các rào cản thủ tục.
Kịch bản thứ nhất, tất cả 100 thượng nghị sĩ sẽ đồng ý cho đảng Dân chủ sắp xếp phiếu nhanh chóng thông qua dự luật. Điều đó có nghĩa rằng, “kẻ đâm bị thóc, thọc bị gạo” đảng Trà, chẳng hạn như Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Ted Cruz, sẽ từ bỏ quyền của mình để trì hoãn một cuộc bỏ phiếu. Cruz không công bố công khai ý định của mình nhưng một số phụ tá của Thượng viện cho rằng, vị chính trị gia có nguyện vọng trở thành tổng thống gửi tín hiệu tích cực trong những ngày gần đây. Kịch bản thứ hai, Hạ viện sẽ gửi “thông điệp” chính thức đến Thượng viện để mở đường cho hành động nhanh chóng từ Thượng viện. Tuy nhiên, hiện không rõ các Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa có đồng ý đi theo một trong hai kế hoạch này hay không.
Giả sử Thượng viện thành công, Chủ tịch Hạ viện John Boehner sẽ phải quyết định có cho phép thông qua một dự luật vốn bị các đảng viên Cộng hòa phản đối, một quyết định mà có thể ảnh hưởng đến tương lai chính trị hàng đầu của đảng hay không. Trên thực tế, uy tín đảng Cộng hòa bị ảnh hưởng nhiều kể từ sau khi chính phủ đóng cửa. Thăm dò dư luận mới nhất của Washington Post/ABCNews cho thấy, 74% người Mỹ không tán thành cách phe Cộng hòa tại Quốc hội xử lý bế tắc, so với mức 53% của đảng Dân chủ.
Cuộc khủng hoảng này là diễn biến mới nhất trong loạt trận chiến về ngân sách những năm gần đây giữa hai đảng, vốn làm tổn thương niềm tin tiêu dùng và tạo áp lực lên nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cơ quan xếp hạng tín dụng Fich đặt Mỹ trong tình trạng “giám sát tiêu cực” với viện dẫn về khả năng nước này có thể bị vỡ nợ sau ngày 17-10.
Khả Anh