Báo Công An Đà Nẵng

Mỹ, Canada ra "tối hậu thư" về TikTok

Thứ tư, 01/03/2023 09:15
Tất cả các cơ quan liên bang của Mỹ phải xóa ứng dụng TikTok khỏi điện thoại và hệ thống. Ảnh: Reuters

Chốt thời hạn

Giám đốc Văn phòng Quản lý ngân sách của Nhà Trắng (OBM) Shalanda Young cho biết các cơ quan chính phủ Mỹ có 30 ngày để gỡ bỏ ứng dụng chia sẻ video TikTok trên toàn bộ các thiết bị do chính phủ quản lý và trên hệ thống liên bang. Bà Young đã yêu cầu cơ quan chính phủ làm việc với các nhà cung cấp nhằm đảm bảo an toàn cho dữ liệu của Mỹ bằng cách gỡ bỏ ứng dụng TikTok trên các thiết bị và hệ thống phục vụ công việc.

Giám đốc Bảo mật thông tin liên bang Chris DeRusha cho biết động thái "nằm trong cam kết của Washington về bảo vệ hạ tầng số cũng như sự riêng tư, an ninh cho người dân Mỹ". Theo OMB, đây là "bước đi quan trọng để ứng phó các nguy cơ từ ứng dụng đối với dữ liệu nhạy cảm của chính phủ".

Lệnh cấm trên chỉ ảnh hưởng đến một phần nhỏ thị trường người dùng TikTok ở Mỹ, nhưng tiếp thêm động lực cho những lời kêu gọi cấm hoàn toàn ứng dụng chia sẻ video này. Trước đó, hồi tháng 12 năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu cấm nhân viên liên bang sử dụng ứng dụng video của Trung Quốc trên các thiết bị do chính phủ sở hữu và cho chính quyền Tổng thống Joe Biden 60 ngày để ban hành chỉ thị. Cuộc bỏ phiếu là hành động mới nhất của các nhà lập pháp Mỹ để trấn áp các công ty Trung Quốc, trong bối cảnh có lo ngại về an ninh quốc gia rằng Bắc Kinh có thể sử dụng chúng để theo dõi người Mỹ.

Theo Giám đốc An ninh Thông tin Liên bang Chris DeRusha, động thái trên là một phần trong cam kết liên tục của chính quyền nhằm đảm bảo cơ sở hạ tầng kỹ thuật số quốc gia và bảo vệ an ninh và quyền riêng tư của người dân Mỹ. Nhiều cơ quan chính phủ bao gồm Nhà Trắng, Bộ Quốc phòng, Bộ An ninh Nội địa và Bộ Ngoại giao đã cấm TikTok khỏi các thiết bị của chính phủ trước cuộc bỏ phiếu.

Dự kiến trong ngày 28-2, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện sẽ bỏ phiếu về dự luật trao cho Tổng thống Biden quyền cấm TikTok trên toàn bộ các thiết bị của Mỹ. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mike McCaul nhấn mạnh: "Dự luật của tôi trao quyền cho chính quyền cấm TikTok hoặc bất kỳ ứng dụng phần mềm nào đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ".

Tương tự, ngày 27-2, Canada đã tuyên bố cấm tải phần mềm mạng xã hội TikTok của Trung Quốc vào các thiết bị do chính phủ quản lý và lệnh này có hiệu lực từ ngày 28-2. Theo tờ National Post, quyết định trên được đưa ra nhằm đảm bảo an ninh thông tin của chính phủ sau một đánh giá nội bộ cho thấy các phương pháp thu thập dữ liệu của TikTok có thể khiến người dùng dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công mạng. Các cơ quan quản lý quyền riêng tư cấp tỉnh bang và liên bang của Canada cũng đang phối hợp điều tra ứng dụng trước những lo ngại về việc thu thập, sử dụng và tiết lộ thông tin cá nhân của nền tảng này.

Không chỉ có Mỹ và Canada, nhiều nước trên thế giới cũng đang xem xét kỹ lưỡng các hoạt động của TikTok do lo ngại rằng ứng dụng này có thể đang thu thập dữ liệu người dùng và sử dụng chúng một cách trái phép. Hiện hai cơ quan hoạch định chính sách lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) là Hội đồng châu Âu và Ủy ban châu Âu cũng đã cấm các nhân viên cài đặt TikTok trên các thiết bị mà họ sử dụng do lo ngại tính bảo mật.

Trung Quốc nói Mỹ lạm dụng quyền lực

Ngày 28-2, Trung Quốc lên tiếng chỉ trích Mỹ sau khi Nhà Trắng ra thời hạn 30 ngày để các cơ quan chính phủ xóa ứng dụng TikTok khỏi các thiết bị của liên bang. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Mỹ đang lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia và lạm dụng quyền lực quốc gia để chèn ép các công ty nước ngoài như TikTok. "Chúng tôi kiên quyết phản đối những hành động sai trái đó", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 28-2.

ByteDance, công ty sở hữu TikTok, nhiều lần bác bỏ cáo buộc sử dụng ứng dụng để theo dõi người dân Mỹ và cho rằng các thông tin sai lệch khiến lo ngại gia tăng.

Theo số liệu của cơ quan đánh giá thị trường We Are Social, với hơn 1 tỷ người truy cập mỗi ngày, TikTok hiện là nền tảng xã hội được sử dụng nhiều thứ 6 trên thế giới. Mặc dù có phần tụt hậu so với bộ ba nền tảng trực tuyến thống trị lâu nay của công ty Meta gồm Facebook, WhatsApp và Instagram, nhưng tốc độ tăng trưởng về người dùng là giới trẻ của TikTok vượt xa các đối thủ cạnh tranh. Theo Wallaroo, gần 30% số người dùng TikTok trong độ tuổi từ 10 - 19. Sự gia tăng nhanh chóng về lượng người dùng đã giúp TikTok thu về hơn 11 tỷ USD doanh thu quảng cáo vào năm ngoái - tăng gấp 3 lần trong vòng một năm. Tuy nhiên, TikTok cũng bị cáo buộc thường xuyên truyền bá thông tin xấu độc, như tin giả, các nội dung khiêu dâm hay những thử thách có thể gây nguy hiểm tới tính mạng của người chơi.

AN BÌNH