Báo Công An Đà Nẵng

Mỹ cảnh báo Triều Tiên

Thứ sáu, 27/10/2017 09:09

Việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Hàn Quốc tuyên bố cùng đến thăm khu phi quân sự liên Triều (DMZ) cũng như việc Lầu Năm Góc đưa 3 tàu sân bay đến khu vực sát bán đảo Triều Tiên có lẽ là thông điệp cảnh báo mà Washington muốn gửi đến Bình Nhưỡng.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (trái) và người đồng cấp Hàn Quốc Song Young-moo sẽ đến DMZ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và người đồng cấp Hàn Quốc Song Young-moo dự kiến thăm Khu vực An ninh Chung (JSA), nơi các binh sĩ Hàn Quốc và Triều Tiên đối mặt nhau vào ngày 27-10. Theo nguồn tin, ông chủ Lầu Năm Góc dự kiến thăm làng đình chiến Panmunjom ở DMZ. Ngoài ra, Bộ trưởng Mattis cũng sẽ tới Đài quan sát Ouellette ở gần đó.

Tại nơi sát biên giới Triều Tiên, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước dự kiến sẽ có bài phát biểu kêu gọi Bình Nhưỡng dừng các động thái khiêu khích gây căng thẳng. Tiếp đó, ngày 28-10, cả hai sẽ cùng tham dự Hội nghị Tham vấn An ninh Mỹ - Hàn (SCM) lần thứ 49. Đây là phiên họp SCM đầu tiên dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Hàn Quốc cam kết tìm giải pháp hòa bình cho vấn đề Triều Tiên

Tân Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ Cho Yoon-je ngày 26-10 tuyên bố Seoul cam kết mạnh mẽ đối với việc sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, và khẳng định việc tham vấn với Mỹ có tầm quan trọng đặc biệt trong tiến trình này.

Phát biểu với báo giới một ngày trước khi lên đường sang Mỹ chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Trump tới Hàn Quốc vào đầu tháng tới, ông Cho nhấn mạnh: "Lập trường vững chắc của Chính phủ Hàn Quốc là tìm giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Đây cũng là lập trường vững chắc của Tổng thống Moon Jae-in".

B.N

Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, hai bộ trưởng sẽ có các cuộc thảo luận kỹ lưỡng về mối đe dọa Triều Tiên cũng như các chính sách liên quan, đồng thời trao đổi về việc tăng cường "triển khai luân phiên" các khí tài quân sự chiến lược của Mỹ tới Hàn Quốc như máy bay ném bom, tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân. Các hoạt động của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tại bán đảo Triều Tiên diễn ra trước khi Tổng thống Donald Trump có chuyến thăm kéo dài 2 ngày tới Hàn Quốc, bắt đầu từ ngày 7-11.

Ông Trump đã từ chối trả lời liệu ông có đến thăm DMZ trong chuyến công du Châu Á lần này hay không. "Tôi không muốn nói, nhưng các bạn sẽ ngạc nhiên", ông Trump trả lời các phóng viên tại Nhà Trắng. Trước đó, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết, trong chuyến thăm Hàn Quốc, ông Trump "gần như chắc chắn sẽ thăm" Trại Humphreys, một căn cứ quân sự cách Seoul 60km về phía Nam. Theo quan chức trên, thời gian hạn chế có thể không cho phép ông Trump thăm hai nơi.

Hôm 25-10, hải quân Mỹ điều tàu sân bay USS Nimitz tiến vào vùng biển Thái Bình Dương, gia nhập Hạm đội 7 sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Trung Đông. Đây là tàu sân bay thứ ba được Mỹ triển khai tới khu vực gần bán đảo Triều Tiên trong tháng 10, bên cạnh chiếc USS Ronald Reagan và USS Theodore Roosevelt. "Trong thời gian triển khai ở khu vực của Hạm đội số 7, tàu USS Nimitz dự kiến sẽ tiến hành các cuộc viếng thăm cảng và sẵn sàng hỗ trợ các hoạt động của Hạm đội trước khi trở về cảng nhà", thông cáo của Hải quân Mỹ cho biết. Hộ tống tàu USS Nimitz còn có tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Princeton, tàu khu trục USS Howard, USS Shoup, USS Pinckney và USS Kidd.

Chuyên gia quân sự Kyle Mizokami cho rằng, việc Mỹ triển khai cùng lúc ba tàu sân bay ở Thái Bình Dương là động thái hiếm gặp nhưng không hề gây bất ngờ trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục gia tăng. Dù Mỹ tuyên bố không từ bỏ nỗ lực ngoại giao với Triều Tiên, sự hiện diện đồng thời của ba khí tài chiến lược như vậy là thông điệp răn đe rất mạnh mà Washington gửi tới Bình Nhưỡng.

Theo ông Mizokami, 3 tàu sân bay này chiếm tới gần 1/3 hạm đội tàu sân bay Mỹ, khiến sự xuất hiện cùng lúc của chúng gần bán đảo Triều Tiên trở nên rất đáng chú ý. Ba tàu sân bay mang theo tổng cộng 6 phi đoàn tiêm kích F/A-18C/D Hornet và F/A-18E/F Super Hornet, tương đương 72-108 chiếc. Mỗi tàu sân bay còn được hộ tống bởi một biên đội tàu chiến hùng hậu gồm một tuần dương hạm lớp Ticonderoga, ít nhất một hoặc hai tàu khu trục lớp Arleigh Burke và một tàu ngầm tấn công hạt nhân. Biên đội này vừa bảo vệ tàu sân bay, vừa có thể tung đòn tấn công mặt đất bằng tên lửa hành trình Tomahawk.

Ngoài mục đích răn đe ngăn chặn hành vi khiêu khích mới từ Triều Tiên, ba tàu sân bay Mỹ có thể tung đòn phủ đầu nếu cần thiết. Đây có thể là biện pháp phản ứng của Lầu Năm Góc sau khi Triều Tiên tuyên bố có thể tiến hành một vụ thử bom nhiệt hạch trên Thái Bình Dương. Một nhóm tác chiến tàu sân bay có thể di chuyển 6.760 km trong một tuần, biến chúng thành lực lượng có khả năng cơ động cao và sở hữu hỏa lực vượt trội. Khi kết hợp, ba nhóm tác chiến tàu sân bay này có thể tung ra đòn tấn công phủ đầu vô cùng mạnh mẽ và tức thời ngay sau khi nhận lệnh.

AN BÌNH