Báo Công An Đà Nẵng

Mỹ chi 2.000 tỷ USD chống chọi Covid-19

Thứ năm, 26/03/2020 08:53

Các thượng nghị sĩ Mỹ và các quan chức chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã đạt được thỏa thuận về một dự luật hỗ trợ và kích kích nền kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD để giảm bớt tác động do đại dịch Covid-19 gây ra.

Bang California, Mỹ đang chạy đua cung cấp thiết bị y tế cho cuộc chiến chống Covid-19. Ảnh: AFP

Theo Reuters, thỏa thuận này đạt được vào rạng sáng 25-3 (giờ địa phương) sau các cuộc thương thảo như con thoi giữa Nhà Trắng, phe Cộng hòa và phe Dân chủ trong Thượng viện. Theo NYT, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Giám đốc các vấn đề lập pháp của Nhà Trắng Eric Ueland đã “chạy marathon” đến quá nửa đêm ở Đồi Capitol, giữa văn phòng của các lãnh đạo đảng Cộng hòa do Thượng nghị sĩ Mitch McConnell dẫn đầu và đảng Dân chủ do Thượng nghị sĩ Chuck Schumer dẫn đầu, nhằm hoàn tất các chi tiết của gói cứu trợ.  Trong một phát biểu, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell cho biết: “Cuối cùng, tôi tin rằng, chúng tôi đã có cùng quan điểm”. Ông McConnell gọi gói cứu trợ là “khoản đầu tư vào đất nước của chúng ta như trong thời chiến”.

Gói cứu trợ cần được thông qua ở cả Thượng viện (đảng Cộng hòa kiểm soát) và Hạ viện (đảng Dân chủ kiểm soát).

Một “kế hoạch Marshal” khác

Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer gọi biện pháp này là “gói giải cứu lớn nhất trong lịch sử Mỹ”, và mô tả đó là một “Kế hoạch Marshal” cho các bệnh viện và cơ quan y tế, một kế hoạch trọng yếu của Mỹ nhằm giúp xây dựng lại Châu Âu sau Thế chiến II.

Đạo luật về gói cứu trợ này sẽ có hiệu lực trong vài ngày và là gói cứu trợ kinh tế lớn nhất trong lịch sử hiện đại của Mỹ. Chi tiết chính xác của thỏa thuận chưa được công bố. Nhưng về cơ bản, ông McConnell cho biết gói cứu trợ này bao gồm 250 tỷ USD để chuyển trực tiếp cho cá nhân và gia đình Mỹ, 350 tỷ USD dưới dạng tiền vay cho doanh nghiệp nhỏ, 250 tỷ USD bảo hiểm thất nghiệp, và 500 tỷ USD cho các Cty chịu thiệt hại từ dịch bệnh. Nó cũng sẽ giúp ổn định các ngành công nghiệp quốc gia chủ chốt và cung cấp trợ giúp tài chính cho các bệnh viện và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe đang vật lộn để có được thiết bị cho bệnh nhân. Ông Schumer cho biết nó cũng bao gồm 100 tỷ USD cho các bệnh viện và hệ thống y tế, cùng với tiền bổ sung cho các nhu cầu chăm sóc sức khỏe khác. 150 tỷ USD khác sẽ giúp chính quyền tiểu bang và địa phương chống lại sự bùng phát dịch bệnh.

Theo dự luật, các cá nhân có thu nhập dưới 75.000 USD sẽ nhận được khoản tiền 1.200 USD, còn cặp vợ chồng có tổng thu nhập dưới 150.000 USD sẽ nhận 2.400 USD - và được nhận thêm 500 USD nếu có thêm một người con. Nếu thu nhập cao hơn, các khoản tiền trợ cấp sẽ giảm dần, và người độc thân thu nhập quá 99.000 USD, cặp vợ chồng thu nhập quá 198.000 USD sẽ không được nhận trợ cấp.

Theo một trợ lý của ông Schumer, trong dự luật có một điều khoản cấm các doanh nghiệp do ông trùm bất động sản Trump và gia đình ông, Phó Chủ tịch Mike Pence, thành viên Quốc hội và người đứng đầu các bộ phận chi nhánh điều hành nhận các khoản vay hoặc đầu tư từ các chương trình của Bộ Tài chính.

Các nhà đầu tư vui mừng

Đại dịch Covid-19 đã giết chết hơn 660 người ở Mỹ và khiến hơn 50.000 người mắc bệnh. Hàng ngàn doanh nghiệp đóng cửa trong khi khiến hàng triệu người mất việc và khiến các bang phải yêu cầu 100 triệu người - gần 1/3 dân số - ở nhà. Vì vậy, sau gói giải cứu, các nhà đầu tư đã hoan nghênh trong khi các thị trường chứng khoán nhảy điểm. Phố Wall đã sắc xanh trở lại sau mức xuống thấp nhất trong 3 năm.

Theo NYT, cổ phiếu các Cty sẽ được hỗ trợ, như hàng không, du thuyền, sòng bạc, đã tăng lên. Nhưng thị trường vẫn biến động mạnh, nhất là khi chính phủ Mỹ sẽ báo cáo số liệu thất nghiệp hàng tuần vào ngày 26-3, và các nhà phân tích dự đoán sẽ có thêm hàng triệu người Mỹ rơi vào cảnh thất nghiệp trong tuần qua. Trong khi đó, cổ phiếu trên khắp Châu Á cũng tăng điểm, trong đó chỉ số Topix của Nhật tăng 6,9% khi hết phiên giao dịch, còn chỉ số Kospi kết thúc ngày giao dịch tăng 5,5%.

KHẢ ANH