Báo Công An Đà Nẵng

Mỹ chưa thể thành công với kế hoạch “NATO Châu Á”

Thứ bảy, 10/10/2020 17:28

Bên cạnh việc không đưa ra được một tuyên bố chung, tất cả bốn quốc gia thành viên đều giảm mức độ liên quan của Bộ Tứ.

Ngoại trưởng của bốn nước tại cuộc họp Bộ Tứ hôm 6-10 tại Tokyo.   Ảnh: AFP

Không đưa ra tuyên bố chung

Cuộc họp cấp bộ trưởng được nhiều người mong đợi và kỳ vọng trong Đối thoại An ninh Tứ giác Australia-Ấn ĐộNhật Bản -Mỹ, thường được gọi là Bộ Tứ, được tổ chức tại Tokyo hôm 6-10. Cuộc họp của Ngoại trưởng Australia Marise Payne, Ngoại trưởng Ấn Độ Subramanyam Jaishankar, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã kết thúc mà không đưa ra tuyên bố chung nào. Nhiều nhà bình luận đã chỉ trích Bộ Tứ về việc không đưa ra thông cáo chung sau cuộc họp cấp cao. Điều này cho thấy sự miễn cưỡng khi cố gắng thể chế hóa mình như một cơ quan thường trực.

Các Bộ Ngoại giao Australia, Ấn Độ và Nhật Bản và Mỹ đã đưa ra các tuyên bố riêng. Xem xét toàn bộ nội dung của mỗi tuyên bố cho thấy rằng cả bốn quốc gia đều giảm bớt tầm quan trọng của Bộ Tứ. Cuộc họp ban đầu dự kiến được tổ chức tại New Delhi vào tháng 9-2019 theo thể thức cấp bộ trưởng 2 + 2 - gồm Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng của mỗi nước sẽ tham gia hội nghị rộng rãi hơn so với những gì đã diễn ra ở Tokyo trong tuần này.

Quan trọng hơn, Mỹ muốn điều chỉnh Bộ Tứ thành một “NATO Châu Á” để răn đe Trung Quốc. Mỹ dự định phát triển Bộ Tứ như một hệ thống phòng thủ tập thể của tất cả các nước thành viên. Mỗi quốc gia thành viên sẽ đồng ý hỗ trợ phòng thủ lẫn nhau để đáp trả bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào nhằm vào các thành viên còn lại, giống như các thành viên của NATO đã làm trong khu vực xuyên Đại Tây Dương.

Nhiều lý do

Một số nhà phân tích cho rằng, nỗ lực của Mỹ nhằm biến Bộ Tứ thành một “NATO Châu Á” đã đi quá xa. Do các bên tham gia cuộc họp ở Tokyo không đưa ra được tuyên bố chung vào cuối diễn đàn, nên những lời kêu gọi đưa Bộ Tứ trở thành “NATO châu Á” và việc Mỹ hy vọng kiềm chế Trung Quốc thông qua diễn đàn này là vô ích. Mỗi quốc gia thành viên đều có đủ lý do để “phớt lờ” Bộ Tứ.

Thứ nhất, Mỹ đang chịu áp lực rất lớn trong việc thiết lập lại chính sách của mình vì họ đã thua cuộc trong cuộc chiến thương mại và công nghệ chống lại Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng ngành công nghiệp sản xuất chip của Mỹ sẽ không thể tồn tại trong cuộc chiến công nghệ.

Lời lẽ chống Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump không có khả năng thu hút cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử được tổ chức vào ngày 3-11 tới. Ông Trump đã không thể đưa ra một giải pháp khả thi để cải thiện thâm hụt thương mại và khôi phục công ăn việc làm mà ông từng tuyên bố rằng Trung Quốc đã giành giật từ Mỹ.

Cử tri Mỹ nhận ra rằng cuộc chiến bằng lời nói của ông Trump chống lại Trung Quốc trên Twitter không thể giải quyết các vấn đề kinh tế thực sự của nước này. Ngược lại, người Mỹ đang nhận nhiều đau đớn hơn là lợi ích từ cuộc chiến thương mại. Mỗi hộ gia đình ở Mỹ phải đối mặt với chi phí phụ trội lên tới 1.000 USD do việc áp thuế quan của ông Trump đối với hàng hóa Trung Quốc vào năm 2019. Theo Financial Times, hơn 3.500 Cty đã đệ đơn kiện chính quyền Tổng thống Trump về việc áp thuế quan đối với Trung Quốc trong những tuần gần đây. Điều này chứng tỏ mức độ các doanh nghiệp đang gánh chịu hậu quả đối với cuộc chiến thương mại của ông Trump.

Sự nổi tiếng của ông Trump đã giảm mạnh khi cuộc chiến thương mại và công nghệ gây ra nhiều hậu quả không mong muốn. Vì vậy, ông Trump khó có thể tái đắc cử với sự trợ giúp của cuộc chiến thương mại được thổi phồng nhưng không mang lại kết quả khả quan. Hiện giờ có vẻ như nhóm tranh cử của ông Trump đã nhận ra rằng cuộc chiến thương mại khoa trương rỗng tuếch sẽ không giúp mở lại cánh cửa Nhà Trắng cho ông Trump vào ngày 3-11 tới. Nhóm tranh cử của ông Trump kết luận rằng, lập trường chống Trung Quốc sẽ không giúp ích gì cho họ nữa. Cần phải thiết lập lại chính sách để ngăn chặn những tổn hại hơn nữa mà Trung Quốc có thể gây ra cho nền kinh tế Mỹ khi trả đũa. Và kế hoạch gần đây của Bắc Kinh sẽ hướng tới một nền kinh tế xanh vào năm 2060 là một lời cảnh tỉnh khác đối với Mỹ.

Mặc dù bản thân Ngoại trưởng Mỹ Pompeo trong phát biểu của mình tại cuộc họp Bộ Tứ ở Tokyo đã chỉ trích Trung Quốc về việc xử lý sai đại dịch Covid-19, nhưng tuyên bố của Bộ Ngoại giao cho thấy Mỹ cũng đang hạ thấp vai trò của Bộ Tứ vào thời điểm này.

Thứ hai, Australia tham gia cuộc họp Bộ Tứ không phải vì nước này đặc biệt mong muốn mà vì Canberra chịu áp lực quá lớn từ Mỹ. Các biện pháp trả đũa của Trung Quốc có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Australia. Trung Quốc có thể áp đặt các lệnh cấm đối với các sản phẩm sữa, rượu vang, khoáng sản, quặng, than và khí đốt tự nhiên của Australia. Bắc Kinh cũng có thể gây hại cho Canberra bằng cách không cho phép sinh viên Trung Quốc nhập học tại các trường đại học Australia và du khách Trung Quốc đến thăm nước này. Do đó, Austraila có lý do để giảm nhẹ vai trò của mình đối với Bộ Tứ.

Thứ ba, mặc dù Bộ Tứ là “sản phẩm” của cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tokyo không muốn gánh những rủi ro không cần thiết nếu làm phật lòng Trung Quốc. Nhật Bản không muốn các Cty công nghệ cao của mình mất đi thị trường Trung Quốc.

Cuối cùng, Ấn Độ dường như chịu nhiều áp lực nhất. Mỹ đã có một kế hoạch rõ ràng để biến Bộ Tứ thành một “NATO châu Á”, nhưng Ấn Độ không mấy mặn mà với ý tưởng này. Ngoại trưởng Jaishankar nhiều lần tuyên bố New Delhi sẽ không bao giờ tham gia liên minh quân sự nào.

Ấn Độ từng cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc sẽ sụp đổ vì đại dịch Covid19 vào tháng 3 hoặc tháng 4-2010. New Delhi cho rằng có thể trả thù cho thất bại trong cuộc chiến tranh TrungẤn năm 1962. Ấn Độ cũng tin rằng tiến bộ kinh tế, quân sự và chiến lược của Trung Quốc có thể bị dừng lại nếu New Delhi nhận được sự giúp đỡ của Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc đã kiểm soát được đại dịch vào cuối tháng 3. Ngược lại, Ấn Độ và Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề nhất vào tháng 5 và tháng 6. Cả hai nền kinh tế đều giảm mạnh với quy mô bất ngờ.

Kể từ tuần đầu tiên của tháng 5, Trung Quốc đã gây áp lực buộc Ấn Độ phải tuân thủ các thỏa thuận và đồng thuận trước đó đã đạt được giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Ấn Độ trong các hội nghị thượng đỉnh không chính thức năm 2018 và 2019. Bắc Kinh tiếp tục gây áp lực lên Ấn Độ.

Khi mùa đông đến gần trên dãy Himalaya, Ấn Độ trở nên lo lắng hơn. Ở Siachen, số binh sĩ Ấn Độ tử vong do giá lạnh cao gấp 5 lần do trúng đạn của kẻ thù. Ấn Độ phải đối mặt với thách thức trong việc bảo vệ quân đội của mình trong bối cảnh hậu cần không đủ để tiếp tế. Ấn Độ muốn giảm quân số ở Ladakh càng sớm và càng nhiều càng tốt. Kết quả của tất cả những yếu tố này, Ấn Độ đã rút khỏi việc tổ chức cuộc họp Bộ Tứ vào năm ngoái.

Bằng cách làm như vậy, Ấn Độ đã tuân thủ điểm đầu tiên của thỏa thuận đạt được tại Hội nghị Ngoại trưởng Trung Quốc-Ấn Độ bên lề Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Moscow vào ngày 10-9. Ngay cả sau khi đạt được thỏa thuận ở Moscow, Trung Quốc vẫn tiếp tục gây sức ép lên Ấn Độ. Do đó, Ấn Độ buộc phải phớt lờ Bộ Tứ bằng cách đưa ra một tuyên bố mang tính xung đột sau cuộc họp tuần này ở Tokyo.

Không có bài học hữu hình nào mà các bên tham gia cuộc họp Bộ Tứ lần này có thể rút ra được. Đây chỉ là sự kiện mang tính hình thức để khẳng định lại cam kết của họ với Bộ Tứ. Và do đó, đề xuất “NATO Châu Á” của Mỹ vẫn chưa thể thành công.

AN BÌNH