Báo Công An Đà Nẵng

Mỹ có sa lầy ở Iraq?

Thứ bảy, 09/08/2014 09:53

(Cadn.com.vn) - Dù Tổng thống Obama khẳng định chỉ phê chuẩn sử dụng có giới hạn lực lượng không quân ở Iraq để bảo vệ người Mỹ, nhưng nhiều người vẫn lo ngại Washington lại sa lầy ở “chiến trường xưa”.

Sau nhiều năm chống chọi “sức hấp dẫn” của các cuộc xung đột Trung Đông, Tổng thống Barack Obama quyết định trở lại Iraq, đất nước mà ông chủ Nhà Trắng cáo buộc người tiền nhiệm tham gia vào “cuộc chiến ngu ngốc”.

Theo Reuters, Tổng thống Obama ngày 7-8 (sáng 8-8, giờ Việt Nam) cho phép mở các cuộc không kích tại Iraq, nỗ lực quan trọng nhất nhằm phản ứng lại với cuộc khủng hoảng do các chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) gây ra tại quốc gia Trung Đông này. Theo đó, việc không kích sẽ được thực hiện khi lợi ích của người Mỹ bị đe dọa và nếu chiến binh IS tiến xa hơn về Arbil, thủ phủ khu bán tự trị của người Kurd ở miền bắc. Các cuộc không kích, lần đầu tiên xảy ra kể từ khi Mỹ rút quân vào năm 2011, cũng có thể được sử dụng nếu Washington nhận thấy cần thiết phải hỗ trợ các lực lượng phá vỡ cuộc bao vây của IS. Trong khi đó, các thủ lĩnh người Kurd khẳng định, Lầu Năm Góc ngay lập tức không kích các mục tiêu IS tại hai khu vực miền bắc Iraq.

Tổng thống Obama quyết định mở các cuộc không kích ở Iraq, làm dấy lên
lo ngại về nguy cơ Mỹ sa lầy ở chiến trường này. Ảnh: AP

Nguyên nhân khiến Mỹ tấn công là quá rõ ràng. “Đầu tuần này, một người Iraq đã khóc với thế giới, nhưng không ai đến giúp”, ông Obama, người miễn cưỡng tái tham chiến ở Iraq cho biết. “Vâng, hôm nay Mỹ đang đến giúp người Iraq”, ông nhấn mạnh. Trong bài phát biểu được phát trên truyền hình từ Nhà Trắng gửi đến người dân Mỹ vốn mệt mỏi vì chiến tranh, Tổng thống Obama khẳng định sẽ không sử dụng bất kỳ lực lượng bộ binh nào và không có ý định sa lầy trở lại ở Iraq. “Tôi sẽ không cho phép Mỹ bị lôi kéo vào cuộc chiến ở Iraq”, ông tuyên bố, đồng thời cũng thông báo, máy bay quân sự hoàn thành nhiệm vụ thả hàng viện trợ nhân đạo đến các nhóm tôn giáo thiểu số Iraq bị IS đuổi ra khỏi nhà và mắc kẹt trên núi Sinjar.

Quyết sách trên của ông chủ Nhà Trắng là nhằm đáp lại những quan ngại của cộng đồng quốc tế về thảm họa nhân đạo có thể nhấn chìm hàng chục ngàn người đang bị nguy hiểm dưới họng súng của IS. Nhưng rõ ràng, việc tham chiến ở Iraq đe dọa làm chậm quá trình hoàn thiện di sản của ông Obama trên cương vị Tổng tư lệnh quân đội: người kết thúc cuộc chiến không được lòng dân và giết chết gần 4.500 binh sĩ Mỹ ở Iraq. Nhiều người đặt câu hỏi về việc liệu mong muốn chấm dứt xung đột ở Iraq của ông Obama có che khuất những đánh giá về rủi ro cho quân đội Mỹ, cũng như phán xét về mối đe dọa của những kẻ cực đoan Hồi giáo vốn đang lợi dụng một Baghdad dễ bị tổn thương.

Mặc dù ông Obama cam kết sẽ “không để Mỹ sa lầy” nhưng nhiều người vẫn lo ngại về bóng ma chiến tranh Iraq. Trên thực tế, các hành động theo tuyên bố của Tổng thống Obama có nhiều hạn chế trong phạm vi hơn so với cuộc xâm lược quy mô đầy đủ mà ông thừa hưởng từ người tiền nhiệm George W. Bush. “Chúng tôi có thể hành động cẩn trọng và có trách nhiệm để ngăn chặn nguy cơ về nạn diệt chủng”, ông Obama, người mô tả các chiến binh IS là “rất dã man” khẳng định.

Các cuộc tấn công có chọn lọc của Mỹ lần này cũng khiến nhiều người đặt dấu chấm hỏi là liệu Lầu Năm Góc có “đủ sức” để thay đổi cán cân trên chiến trường Iraq. “Tôi hoàn toàn ủng hộ viện trợ nhân đạo cũng như sử dụng sức mạnh không quân”, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham cho biết. Tuy nhiên, theo ông, những hành động này khó có thể đảo ngược tình hình trận chiến.

Vì vậy, lo sợ việc quân Mỹ bị sa lầy đang hiện ra trước mắt. Bởi lẽ, giới phân tích cho rằng, một khi tình hình ở Iraq “vượt tầm kiểm soát”, khả năng binh sĩ Mỹ trở lại quốc gia Trung Đông này là “một sớm một chiều”.

Khả Anh