Mỹ có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ?
Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ "tàn phá kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ" nếu Ankara quyết định tấn công người Kurd ở Syria. Ông Trump đề cập đến kế hoạch rút quân Mỹ khỏi Syria, nơi Washington chiến đấu chống tổ chức Hồi giáo IS bên cạnh người Kurd, lực lượng vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là những kẻ khủng bố. Bình luận của Tổng thống Mỹ đã dẫn đến những phản ứng gay gắt từ Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara tuyên bố ông Trump sẽ không đi đến đâu bằng cách đe dọa nền kinh tế nước này.
Sau bài đăng đe dọa hủy hoại nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ trên Twitter của ông Trump, đồng lira giảm giá so với đồng USD. Nhưng sau đó, nó đã phục hồi giá trị, cho thấy nhận xét của ông Trump có tác động hạn chế. Vậy làm thế nào Mỹ có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu họ muốn?
Căn cứ Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ rất quan trọng đối với các hoạt động của Mỹ trong khu vực. Ảnh: BBC |
Căng thẳng nối tiếp căng thẳng
Mối quan hệ giữa Washington và Ankara trong lịch sử từng rất gần gũi - về chính trị, kinh tế lẫn quân sự. Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của NATO - là một đối tác quan trọng đối với Mỹ, nhưng gần đây mối quan hệ này đã có những căng thẳng đáng kể.
Tháng 8 năm ngoái, Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ khi Ankara tiếp tục giam giữ mục sư người Mỹ Andrew Brunson. Động thái này đánh dấu mức thấp mới trong quan hệ và là một cú đánh mạnh hơn nữa vào nền kinh tế vốn đã mong manh của Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ cũng tăng gấp đôi thuế quan đối với thép và nhôm của Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 8, khiến giá trị của đồng Lira giảm khoảng 40% so với đầu năm 2018. Thổ Nhĩ Kỳ đã phản ứng bằng cách tăng thuế ô-tô nhập khẩu từ Mỹ lên 120%, đồ uống có cồn lên 140% và thuốc lá lên 60%.
Thổ Nhĩ Kỳ giao dịch với ai?
Trên thực tế, chỉ có 5% hàng xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng chỉ nhập khẩu một lượng nhỏ hàng hóa của Mỹ.
Mối quan hệ thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ với Trung Quốc, Nga và Đức là quan trọng hơn. Nhưng mặc dù thương mại tổng thể với Mỹ không lớn, vẫn có những lĩnh vực dễ bị tổn thương: vận tải hàng không, sắt thép và máy móc - và đây là các lĩnh vực Mỹ đã chọn để nhắm vào các lệnh trừng phạt trước đây. Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên ở trong tình trạng thâm hụt thương mại so với thế giới, trong đó hàng hóa nhập khẩu luôn nhiều hơn so với xuất khẩu. Tuy nhiên, khoảng cách thương mại thu hẹp đáng kể trong năm 2018 do sự sụt giảm của đồng lira, khiến hàng hóa xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ trở nên cạnh tranh hơn và hàng nhập khẩu trở nên đắt hơn.
Lỗ hổng kinh tế
Thổ Nhĩ Kỳ dễ bị tổn thương vì mức nợ cao. Theo số liệu chính thức, tính đến cuối tháng 9-2018, nợ nước ngoài của nước này lên đến hơn 50% GDP - giá trị của tất cả hàng hóa và dịch vụ mà nó tạo ra trong một năm. "Đây là gót chân Achilles của Thổ Nhĩ Kỳ. Nó đặt đất nước này vào lòng thương xót của các nhà đầu tư quốc tế và khiến nó dễ bị tổn thương khi có biến động tỷ giá", nhà kinh tế Gulcin Ozkan của Đại học York nhận định.
Có hai đặc điểm khiến nợ nước ngoài của Thổ Nhĩ Kỳ tăng lên. Thứ nhất, Ankara có mức nợ ngắn hạn tương đối cao, buộc nước này phải trả nợ trong tương lai gần. Điều đó có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc rất lớn vào tài chính bên ngoài. Ngoài ra, phần lớn tổng số nợ của đất nước là bằng ngoại tệ, chẳng hạn như đồng USD và EUR. Vì vậy, khoản nợ này trở nên đắt đỏ hơn khi đồng Lira mất giá và các đồng tiền khác mạnh lên. Trên thực tế, đồng lira phải vật lộn trong suốt năm ngoái, suy giảm tồi tệ nhất kể từ năm 2001. Sự yếu kém về tiền tệ cũng làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát dai dẳng của Thổ Nhĩ Kỳ, mà tại thời điểm năm 2018 đã đạt đỉnh trên 25%.
Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ tăng trưởng mạnh mẽ kể từ năm 2001 đến nay. Nhưng niềm tin của các nhà đầu tư vào Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu suy yếu vào năm ngoái vì lo ngại rằng nền kinh tế đang quá nóng do chi tiêu và vay nợ lớn. Ngoài ra, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã lấy đi một số quyền lực của ngân hàng trung ương, khiến các nhà đầu tư lo lắng về định hướng của chính sách tài khóa. Vì vậy, bất kỳ sự sụp đổ nào trong quan hệ với Mỹ có thể làm tăng thêm lo ngại về thị trường tài chính về "sức khỏe" của nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ. "Điều này có thể dẫn đến sự sụt giảm của dòng vốn và tác động đến giá trị của đồng tiền Thổ Nhĩ Kỳ", nhà kinh tế Gulcin Ozkan nhận định.
Đồng minh chiến lược
Tầm quan trọng của mối quan hệ chính trị và chiến lược với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có chung biên giới với Syria, Iraq và Iran, buộc Mỹ phải cẩn thận trước khi đưa ra hành động.
Thổ Nhĩ Kỳ là nước nhận các thiết bị quốc phòng lớn thứ ba của Mỹ, sau Israel và UAE, và phần lớn lực lượng không quân của nước này là do Mỹ hỗ trợ. Mỹ và NATO hiện diện rất lớn tại căn cứ không quân Incirlik, ở phía nam của đất nước. Vì vậy, Thổ Nhĩ Kỳ có thể dễ bị tổn thương về kinh tế nhưng về mặt chính trị và chiến lược, Ankara vẫn rất quan trọng với Mỹ.
AN BÌNH