Báo Công An Đà Nẵng

Mỹ cuộc chạy đua vũ trang mới

Thứ năm, 23/11/2017 11:11

Tổng thống Barack Obama nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ năm 2009 với lời hứa hướng đến một thế giới không hạt nhân. Cam kết này đã giúp ông giành giải Nobel Hòa bình năm đó. 1 năm sau, trong khi khẳng định Washington vẫn duy trì khả năng trả đũa trước bất kỳ cuộc cuộc tấn công hạt nhân nào, ông Obama cũng cam kết sẽ không phát triển thêm loại vũ khí hạt nhân mới. Trong vòng 16 tháng sau khi nhậm chức, Mỹ và Nga đàm phán Hiệp ước Giảm vũ khí Chiến lược mới (New START) nhằm xây dựng lòng tin và giảm nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Hiệp ước giới hạn mỗi nước chỉ sở hữu tối đa 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược.

Mỹ đang nỗ lực hiện đại hóa vũ khí hạt nhân dưới thời Tổng thống Trump.    Ảnh: Reuters

Tháng 1-2017, ngay sau khi ông Obama rời khỏi Nhà Trắng, Washington đã bắt tay ngay vào việc thực hiện chương trình hiện đại hóa gần như tất cả các vũ khí hạt nhân nhằm tăng tính chính xác và khả năng sát thương. Tổng thống Donald Trump nỗ lực hết mình để xóa bỏ phần lớn các di sản của ông Obama, trong đó có việc ủng hộ chương trình hiện đại hóa vũ khí. Ông Trump ra lệnh cho Bộ Quốc phòng hoàn tất việc xem xét kho vũ khí hạt nhân của Mỹ vào cuối năm nay. Theo báo cáo của Reuters hồi tháng 2, trong cuộc trò chuyện qua điện thoại với ông Putin, ông Trump lên án hiệp ước START mới (START II) và bác bỏ đề xuất mở rộng hiệp ước khi nó hết hạn vào năm 2021.

"Nguy hiểm nghiêm trọng"

Một số cựu quan chức cao cấp của chính phủ Mỹ, nhiều nghị sĩ và các chuyên gia kiểm soát vũ khí - nhiều người từng ủng hộ xây dựng kho vũ khí hạt nhân mạnh - cảnh báo, việc đẩy mạnh hiện đại hóa gây ra những nguy hiểm nghiêm trọng.

Nhiều người cho rằng, việc nâng cấp kho vũ khí mâu thuẫn với hiệp ước START II, vốn làm giảm mức độ không tin tưởng và giảm nguy cơ vô tình hoặc cố ý gây chiến tranh hạt nhân. Kingston Reif, Giám đốc chính sách giảm thiểu và giảm nhẹ nguy cơ tại Hiệp hội Kiểm soát vũ khí, một cơ quan nghiên cứu của Washington, cho biết: "Ý tưởng cho rằng chúng ta có thể kiểm soát xung đột hạt nhân là một cách suy nghĩ thực sự nguy hiểm". Một trong những lãnh đạo nhóm này, William Perry cũng cho rằng, "nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân ngày nay lớn hơn nhiều so với thời Chiến tranh Lạnh". Theo ông Perry, cả Mỹ và Nga đã nâng cấp vũ khí của họ theo những cách khiến cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân có nhiều điểm quan ngại hơn.

Chương trình hiện đại hóa vũ khí hạt nhân của Mỹ được nhiều người ủng hộ, ngoài ông Trump. Họ lập luận rằng, Mỹ chỉ đơn thuần điều chỉnh vũ khí cũ, chứ không phải phát triển vũ khí mới. Một số người cho rằng, tăng cường kho vũ khí là một biện pháp ngăn chặn hiệu quả hơn, giảm khả năng xảy ra chiến tranh. Cherry Murray, một cựu quan chức hàng đầu của Bộ Năng lượng, cho rằng, việc giảm số lượng vũ khí hạt nhân theo hiệp ước START II buộc Mỹ phải cải thiện kho vũ khí. "Khi giảm số lượng, chúng ta phải đảm bảo chúng hoạt động tốt hơn", bà Murray cho biết.

Bài toán ngân sách

Nỗ lực hiện đại hóa vũ khí hạt nhân của Mỹ không hề rẻ. Văn phòng Ngân sách Quốc hội ước tính, chương trình này sẽ tiêu tốn ít nhất 1,25 nghìn tỷ USD trong 30 năm.

Là Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Tổng thống Obama, ông Leon Panetta ủng hộ hiện đại hóa nhưng ông lo ngại về chi phí. Ông nghi ngờ khả năng Mỹ có thể bỏ tiền cho chương trình hiện đại hóa. "Chúng ta phải chi tiêu cho cả quốc phòng, quyền lợi và thuế trong bối cảnh đã xảy ra mức thâm hụt kỷ lục", ông nói. START II dẫn đến sự sụt giảm đáng kể số vũ khí của cả Mỹ và Nga, nhưng điều này không có nghĩa là mức nguy hiểm cũng giảm xuống. Hai bên đang nỗ lực cải tiến công nghệ. William Potter, giám đốc nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Học viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey, California, cho rằng cuộc chạy đua vũ trang mới vào thời điểm này không dựa trên số lượng vũ khí mà thể hiện ở khả năng tàn phá của chúng. "Chúng tôi đang ở trong tình huống mà những tiến bộ công nghệ vượt xa việc kiểm soát vũ khí", ông Potter nói.

Một ví dụ điển hình là bom B16. Từ một loại bom cổ điển, Không quân Mỹ đã biến nó thành bom thông minh có thể điều khiển được. Mô hình mới này có hệ thống dẫn đường cho phép phi hành đoàn ném trực tiếp vào mục tiêu. B61 mới là loại bom đắt nhất từng được chế tạo, với mức giá 20,8 triệu USD mỗi quả. Chi phí ước tính của kế hoạch chế tạo 480 quả bom là gần 10 tỷ USD.

Quốc hội cũng đã phê duyệt ngân sách 1,8 tỷ USD chế tạo loại vũ khí hoàn toàn mới, tên lửa hành trình "Long Range Stand-Off" với tổng chi phí ước tính là 17 tỷ USD. Tên lửa này được phóng lên từ máy bay. Tuy nhiên, trái ngược với máy bay ném bom tàng hình thả B61 trực tiếp xuống đất, tên lửa hành trình cho phép các máy bay ném bom bay xa khỏi hàng phòng thủ của địch và bắn tên lửa vào sâu trong lãnh thổ của địch.

Chạy đua

Mặc dù số lượng đầu đạn hạt nhân và các phương tiện phóng đi bị giới hạn bởi hiệp ước START II, nhưng hiệp ước này không ngăn cấm việc nâng cấp vũ khí hoặc thay thế vũ khí cũ bằng những thứ hoàn toàn mới. Nỗ lực hiện đại hóa vũ khí đang xảy ra ở cả Mỹ và Nga.

Theo các cựu cố vấn của ông Obama và các chuyên gia kiểm soát vũ khí bên ngoài, động thái hiện đại hóa đã làm mất ổn định tình hình Mỹ-Nga và khởi động một cuộc chạy đua vũ trang mới. Hai bên đang gia tăng sức mạnh giết người của vũ khí, nâng cấp các phương tiện phóng đi để chúng mạnh hơn, chính xác hơn và có thêm các tính năng mới nguy hiểm.

Theo bài viết trên tờ Khoa học hạt nhân, Mỹ đã tăng gấp 3 lần "sức mạnh giết người" của lực lượng tên lửa đạn đạo hiện có. Tác giả chính của bài viết, Hans Kristensen, cũng lưu ý rằng, Nga cũng đang thực hiện những cải tiến sâu rộng, bao gồm tên lửa lớn hơn và các phương tiện phóng mới. Moscow cũng đang nỗ lực chống lại các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Chương trình hiện đại hóa của Mỹ "đã tiến hành các công nghệ mới mang tính cách mạng, làm tăng đáng kể khả năng nhắm mục tiêu của kho vũ khí tên lửa đạn đạo của Mỹ. Sự gia tăng khả năng này thật đáng kinh ngạc", Kristensen viết. Theo Kristensen, sự thay đổi đáng báo động nhất là loại tên lửa Trident II được phóng lên tàu ngầm của Mỹ. Chúng sử dụng cảm biến để báo cho đầu đạn khi phát nổ. Với những chiếc Trident II mới, "tất cả các mục tiêu đều nằm trong tầm ngắm", Kristensen cho biết.

Nga cũng vậy. Moscow đang nghiên cứu hoặc nâng cao khả năng của ít nhất hai chục vũ khí chiến lược mới. Nga đang chế tạo các tên lửa mới trên mặt đất, trong đó có RS-28 Sarmat, một siêu ICBM. Tên lửa này chứa ít nhất 10 đầu đạn, có thể nhắm tới các mục tiêu riêng biệt. Các phương tiện truyền thông của Nga cho biết, tên lửa có thể phá hủy các khu vực lớn như Texas hay Pháp. Các ICBM mới của Nga có thể bổ sung đầu đạn hạt nhân nếu hiệp ước START II hết hạn. Nga cũng đang tiến hành phóng thử tên lửa từ tàu ngầm RSM-56 Bulava có độ chính xác cao hơn.

AN BÌNH (Theo Reuters)