Báo Công An Đà Nẵng

Mỹ đang đánh lạc hướng vụ nổ đường ống Dòng chảy phương Bắc?

Thứ sáu, 10/03/2023 08:24
Bong bóng sinh ra từ vụ rò rỉ đường ống Nord Stream 2 trên biển Baltic, ngày 27-9-2022. Ảnh: Reuters

Vào tháng 9 năm ngoái, hai đường ống dẫn khí đốt xuất khẩu của Nga sang châu Âu là Nord Stream 1 và Nord Stream 2 đã phát nổ. Sau vụ nổ lớn, các chuyên gia đã phát hiện 4 vị trí rò rỉ trên hai tuyến đường ống này. Đức, Đan Mạch và Thụy Điển không loại trừ khả năng phá hoại có chủ đích. Moscow và phương Tây đổ lỗi cho nhau về hành vi tấn công.

Chiến lược của Mỹ?

Ngày 7-3, báo New York Times của Mỹ dẫn các "nguồn quan chức" cho biết "một nhóm phá hoại thân Ukraine" đã đứng sau vụ tấn công các đường ống Nord Stream hồi tháng 9-2022. Các nguồn tin cho rằng những kẻ phá hoại rất có thể là công dân Ukraine hoặc Nga hoặc cả hai. Tuy nhiên, không có công dân Mỹ hay Anh nào liên quan đến vụ việc này. Ngoài ra, không có bằng chứng cho thấy Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky liên quan hay các quan chức trong chính phủ Ukraine đã chỉ đạo cuộc tấn công.

Phản ứng với nhận định trên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng thủ phạm thực hiện vụ tấn công đang muốn đánh lạc hướng dư luận. "Làm sao các quan chức Mỹ có thể đưa ra nhận định mà không cần điều tra?", hãng thông tấn RIA Novosti ngày 8-3 dẫn lời ông Peskov cho biết. "Rõ ràng những kẻ dàn dựng vụ tấn công muốn đánh lạc hướng. Đây là một chiến dịch truyền thông được phối hợp tốt", ông Peskov nói. "Toàn bộ câu chuyện này không chỉ kỳ lạ, nó sặc mùi tội ác khủng khiếp", ông Peskov nói thêm.

Cùng ngày, hãng thông tấn TASS dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, Mỹ và Anh đang sử dụng chiến thuật "tiết lộ thông tin có kiểm soát" về vụ nổ đường ống Nord Stream nhằm xây dựng một chương trình nghị sự phù hợp với họ, nhưng sự thật sẽ được phơi bày. Bà Zakharova nêu rõ: "Washington và London đang sử dụng thông tin rò rỉ có kiểm soát trong vấn đề này, định hình chương trình nghị sự phù hợp với họ. Nhưng tôi chắc chắn sự thật sẽ lộ ra".

Tham tán Đại sứ quán Nga tại Mỹ Andrey Ledenev cũng bày tỏ hoài nghi với thông tin rò rỉ từ giới chức tình báo, cho rằng những gì được truyền thông Mỹ công bố là nhằm gây rối loạn cho nỗ lực điều tra vụ phá hoại đường ống vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức. "Chúng tôi không có niềm tin vào sự vô tư từ các báo cáo của cơ quan tình báo Mỹ. Họ đang tìm cách đẩy trách nhiệm từ những lãnh đạo đã ra lệnh tấn công đường ống dẫn khí dưới Biển Baltic sang một số cá nhân tưởng tượng nào đó. Dường như chính quyền tại đây muốn che giấu điều gì đó", Tass dẫn tuyên bố của ông Ledenev viết trên trang Telegram của Đại sứ quán Nga tại Mỹ.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov phát biểu ở Stockholm rằng Kiev không tấn công đường ống. Cố vấn tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak cũng đăng twitter trần tình "Ukraine không liên quan gì đến vụ việc ở biển Baltic và không có thông tin gì về các nhóm phá hoại thân Ukraine".

Vẫn đang điều tra

Như vậy, hiện vẫn chưa rõ ai tấn công đường ống Nord Stream. Thông tin gần nhất cách đây một tháng, khi nhà báo đoạt giải Pulitzer, ông Seymour Hersh, công bố bài viết trên blog cá nhân rằng Mỹ đã có ý phá hoại Nord Stream từ cuối năm 2021, vài tháng trước khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Ông Hersh cho rằng Mỹ và Na Uy đã cùng nhau thực hiện vụ tấn công. Tới ngày 19-2, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC), ông John Kirby, nói với Đài Fox News rằng Washington không liên quan đến vụ phá hoại đường ống Nord Stream vào năm ngoái.

Vụ nổ đường ống Nord Stream xảy ra khi chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine kéo dài 7 tháng. Vụ việc xảy ra ở vùng quyền kinh tế của Thụy Điển và Đan Mạch tại biển Baltic. Cả hai quốc gia này đều kết luận vụ nổ xảy ra là cố ý, nhưng chưa chỉ rõ ai đứng sau vụ việc. Mỹ và NATO gọi vụ tấn công đường ống này là hành động phá hoại, trong khi Nga đổ lỗi cho phương Tây và kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập. Tuy nhiên, không bên nào đưa ra bằng chứng rõ ràng. Đan Mạch, Đức và Thụy Điển tháng trước cho biết cuộc điều tra của họ vẫn chưa kết thúc. Hôm 7-3, Mỹ và Anh cho biết họ đang chờ đợi những phát hiện mới trong cuộc điều tra.

Hôm 8-3, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã không trả lời câu hỏi vụ phá hoại đường ống Nord Stream có thể ảnh hưởng như thế nào đến viện trợ quân sự của phương Tây cho Kiev, nếu thực sự nhóm thân Ukraine đứng sau vụ nổ đường ống dẫn khí đốt của Nga. "Chúng ta sẽ phải chờ xem điều gì thực sự được xác nhận", ông Pistorius nói. Ông cũng nói rằng mọi tuyên bố trong các báo cáo chỉ là giả thuyết và khẳng định rằng hành động phá hoại có thể là một chiến dịch đánh lạc hướng nhằm gài bẫy Ukraine.

AN BÌNH