Báo Công An Đà Nẵng

Mỹ điều máy bay, tàu ngầm “dằn mặt Iran”

Thứ tư, 23/12/2020 13:45

Mỹ liên tục triển khai máy bay B-52 và tàu ngầm hạt nhân tới Trung Đông để răn đe trước nguy cơ Iran trả thù vụ hạ sát tướng Soleimani.

USS Georgia di chuyển trên eo biển Hormuz hôm 21-12. Ảnh: US Navy

Iran và P4+1 quyết tâm bảo vệ JCPOA

Ngày 21-12, ngoại trưởng Iran và các nước gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng Đức đã ra tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của tiến trình thực thi Nghị quyết số 2231 của Hội đồng Bảo an LHQ nhằm bảo vệ Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) thỏa thuận hạt nhân mà Iran và P5+1 đạt được năm 2015.

Tuyên bố trên được đưa ra sau hội nghị trực tuyến không chính thức của các bên còn lại tham gia JCPOA, do Đại diện cấp cao của EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell chủ trì, với sự tham gia của ngoại trưởng các nước tham gia ký kết thỏa thuận gồm Iran, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức. Mỹ không tham dự sự kiện do đã rút khỏi JCPOA. Các ngoại trưởng khẳng định thỏa thuận hạt nhân, vốn được Nghị quyết 2231 của HĐBA LHQ công nhận, vẫn là một yếu tố chủ chốt của chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu và là một thành quả quan trọng của ngoại giao đa phương, góp phần củng cố an ninh khu vực và quốc tế. Tuyên bố cũng khẳng định vai trò quan trọng của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) là một tổ chức quốc tế công bằng và độc lập duy nhất được HĐBA LHQ ủy quyền giám sát và xác minh tiến trình thực thi các cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân trong khuôn khổ của JCPOA. Ngoài ra, Iran và các nước bày tỏ lấy làm tiếc trước việc Mỹ rút khỏi JCPOA, nhấn mạnh rằng Nghị quyết 2231 vẫn có hiệu lực đầy đủ. Các ngoại trưởng cũng bày tỏ hy vọng Washington sẽ sớm tham gia trở lại văn kiện này.

Khẳng định sức mạnh quân sự

Thông báo của Hạm đội 5 thuộc Hải quân Mỹ cho biết, hôm 21-12, tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa dẫn đường USS Georgia cùng hai tàu tuần dương hộ tống USS Port Royal và USS Philippine Sea đã đi qua Eo biển Hormuz.

Lầu Năm Góc cho biết, USS Georgia là khí tài có khả năng cơ động cao, đủ sức hỗ trợ những chiến dịch bình thường và khẩn cấp, cho thấy cam kết của Washington với các đối tác khu vực và an ninh hàng hải, sẵn sàng phòng thủ trước các mối đe dọa vào mọi thời điểm. “Sự hiện diện của Georgia tại khu vực tác chiến của Hạm đội 5 cho thấy khả năng hoạt động của hải quân Mỹ tại bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”, thông cáo có đoạn viết. Trước đó, hôm 10-12, quân đội Mỹ đã triển khai hai oanh tạc cơ chiến lược B-52H xuất phát từ căn cứ Barksdale, bang Louisiana, bay thẳng không nghỉ đến Trung Đông trước khi quay về nước. Hành động này nhằm “răn đe những hoạt động hung hăng” và thể hiện cam kết của quân đội Mỹ với các nước trong khu vực, theo thông cáo từ Bộ chỉ huy Trung tâm (CENTCOM) quân đội Mỹ.

Giới quan sát nhận định, động thái bất thường tại vịnh Persian này nhằm khẳng định sức mạnh quân sự của Mỹ trong khu vực. Động thái diễn ra chỉ vài tuần sau vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân của Iran Mohsen Fakhrizadeh và chỉ hai tuần trước khi nước này tưởng niệm một năm vụ không kích sát hại tướng Qassem Soleimani, chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).

Tướng Soleimani bị hạ sát bằng tên lửa rạng sáng 3-1 bên ngoài sân bay thủ đô Baghdad, Iraq. Vụ tấn công khiến căng thẳng gia tăng đáng kể giữa Tehran và Washington, dù chưa đến mức đẩy hai nước vào chiến tranh. Căng thẳng gần đây tiếp tục leo thang sau khi nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Iran Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát trong một vụ tấn công bằng bom xe và xả súng ở thành phố Absard (gần thủ đô Tehran), hôm 27-11. Các quan chức Iran cáo buộc phương Tây và Israel, cụ thể là Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA)  đứng sau vụ sát hại, làm tăng lo ngại Tehran hoặc lực lượng ủy nhiệm có thể trả đũa các mục tiêu phương Tây trong khu vực.

Thông điệp răn đe

Giới chuyên gia đánh giá sự hiện diện của biên đội B-52 và tàu ngầm USS Georgia vừa giúp Mỹ kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của những khí tài chiến lược này, vừa phát thông điệp răn đe mạnh mẽ tới Iran, ngăn khả năng nước này hoặc các nhóm dân quân ủy nhiệm tấn công cơ sở hạ tầng và công dân Mỹ tại Trung Đông.

Đợt triển khai được coi là phép thử với năng lực triển khai chớp nhoáng, trong thời gian ngắn của Washington. Sự điều phối giữa biên đội B-52 và các máy bay tiếp dầu là tối quan trọng với thành công của nhiệm vụ, trong khi động thái phối hợp với tiêm kích F-15SA dường như là màn phô trương sức mạnh với Tehran. Việc hải quân Mỹ thông báo về chuyến di chuyển của tàu ngầm hạt nhân USS Georgia qua eo biển Hormuz là động thái khác thường. Trung tá hải quân Rebecca Rebarich, phát ngôn viên Hạm đội 5 hải quân Mỹ, cho biết đây là lần đầu tiên quân chủng này thông báo công khai về sự xuất hiện của một tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình lớp Ohio tại vịnh Ba Tư kể từ năm 2012.

USS Georgia có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, với khả năng triển khai hơn 60 lính đặc nhiệm hải quân qua khoang đặc biệt sau tháp điều khiển. Nếu bùng phát xung đột, USS Georgia có thể tấn công nhiều loại mục tiêu trong bán kính 1.600 km bằng tên lửa hành trình phóng từ dưới nước, không lo bị đáp trả bởi lực lượng tên lửa chống hạm và xuồng cao tốc của Iran. Lực lượng đặc nhiệm trên tàu cũng có thể được triển khai cho nhiệm vụ đột kích, thu thập tin tình báo và nhiều chiến dịch trên bờ biển.

AN BÌNH