Mỹ định điều động vũ khí hạt nhân đến Anh, Nga cảnh báo
Điều vũ khí hạt nhân đến Anh
Tờ Telegraph của Anh ngày 27-1 đưa tin Mỹ định điều vũ khí hạt nhân đến Anh lần đầu trong 15 năm. Các đầu đạn hạt nhân mạnh gấp 3 lần quả bom nguyên tử từng ném xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) có thể được đưa đến Căn cứ Không quân Hoàng gia Anh (RAF) Lakenhealth ở vùng Suffolk phía đông nước Anh, theo đề xuất. Tờ báo cho biết các tài liệu chưa được biên tập của Lầu Năm Góc được đăng trên các trang web mua sắm của chính phủ trong tuần này và vào tháng 8-2023. Nội dung nói về sự cần thiết phải mua thêm các phương tiện phòng thủ đạn đạo và bệ thủy lực để chuẩn bị cho sứ mệnh hạt nhân sắp tới ở Anh.
Mỹ đã chuyển tên lửa hạt nhân ra khỏi Anh vào năm 2008, sau khi cho rằng mối đe dọa từ Moscow đã giảm bớt. Mỹ hiện có đầu đạn đặt ở Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, theo thỏa thuận chia sẻ hạt nhân của NATO. Sau khi chiến sự bùng nổ ở Ukraine, một bản đánh giá của Lầu Năm Góc về vị thế hạt nhân của Mỹ cho rằng đây là "lời nhắc nhở rõ ràng về nguy cơ hạt nhân trong cuộc xung đột đương thời" và cảnh báo về "các mối đe dọa hạt nhân đối với quê nhà cũng như các đồng minh và đối tác của Mỹ". Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ sẽ "tăng cường lực lượng ở châu Âu để ứng phó với sự thay đổi trong môi trường an ninh".
Mỹ đã công bố kế hoạch triển khai 2 phi đội tiêm kích F-35 thế hệ thứ 5, có khả năng mang những quả bom trên, cùng với phi đội máy bay chiến đấu số 48 tại RAF Lakenheath. Bình luận về thông tin điều động vũ khí hạt nhân, một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc cho biết "chính sách lâu dài của Vương quốc Anh và NATO là không xác nhận hay phủ nhận sự hiện diện của vũ khí hạt nhân tại một địa điểm nhất định".
Phản ứng của Nga
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Nga đã biết về kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân tại Anh của Mỹ và đang xác minh thông tin này. “Chúng tôi đã nghe được những thông tin đó. Và chúng tôi đang điều tra nguồn gốc, cũng như tính xác thực của thông tin này”, ông nói trong một cuộc họp báo. Ngoại trưởng Lavrov cũng nhấn mạnh Nga coi tất cả vũ khí hạt nhân của ba quốc gia NATO (Mỹ, Anh, Pháp) là một và đang xây dựng các kế hoạch tương ứng để đảm bảo an ninh của Nga. Ông nhấn mạnh: “Hình thức của kho vũ khí này có thể thay đổi nhưng bản chất thì không. Tôi có thể đảm bảo rằng chúng tôi đang tính đến vấn đề này trong kế hoạch của mình”.
Trước đó, hôm 30-1, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cũng cảnh báo khả năng Mỹ đưa vũ khí hạt nhân trở lại lãnh thổ Anh sẽ là bước đi nguy hiểm và có thể làm suy yếu an ninh châu Âu. “Về giả thuyết Mỹ đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật trở lại lãnh thổ Anh, tôi muốn cảnh báo mạnh mẽ và nghiêm khắc nhất về bước đi gây bất ổn này”, ông Ryabkov nói. Nhà ngoại giao Nga cũng nhấn mạnh động thái này không tăng cường an ninh của Anh hay Mỹ, mà sẽ làm tăng mức độ leo thang tổng thể và gây ra mối đe dọa cho an ninh châu Âu.
Nga bác tin có kế hoạch tấn công NATO
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng những đồn đoán ở phương Tây về kịch bản Nga có thể tấn công các quốc gia vùng Baltic và Bắc Âu một khi xung đột Ukraine kết thúc chỉ là hư cấu. Phát biểu với những người đứng đầu các cơ quan ngoại giao Nga hôm 30-1, ông Lavrov cho biết Mỹ đã tập hợp một nhóm gồm 54 quốc gia để cung cấp viện trợ quân sự, kỹ thuật và tình báo cho Ukraine nhằm giúp nước này chống lại Nga. Ông nói thêm: "Tất cả những điều này được thực hiện nhằm ngăn cản Nga chiến thắng". Ông bác bỏ đồn đoán từ các nước phương Tây rằng "nếu Nga thắng ở Ukraine thì các nước vùng Baltic, Thụy Điển và Phần Lan sẽ là mục tiêu tiếp theo". Ngoại trưởng Nga nói rằng những tuyên bố như vậy là vô lý đối với bất kỳ ai hiểu về lịch sử và mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt Nga thực hiện ở Ukraine "mà chúng tôi đã công bố một cách công khai và không che giấu".
Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tuyên bố Moscow không có kế hoạch tấn công nhằm vào NATO.
AN BÌNH