Báo Công An Đà Nẵng

Mỹ, EU dồn dập “tấn công” Nga

Thứ năm, 31/07/2014 08:27

(Cadn.com.vn) - Trong bước đi được dự đoán chắc chắn sẽ phải đón nhận các đòn trả đũa của Moscow, Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) ngày 30-7 công bố các biện pháp trừng phạt mới, cứng rắn hơn nhằm vào kinh tế Nga.

Tuy nhiên, phát biểu với báo giới khi công bố các lệnh trừng phạt mới, Tổng thống Barack Obama khẳng định, đây không phải là một phần của cuộc Chiến tranh Lạnh mới mà chỉ là động thái mới nhằm gia tăng sức ép buộc Moscow phải có những bước đi cụ thể chấm dứt xung đột tại Ukraine.

Một nhóm điều tra quốc tế đang nỗ lực tiếp cận hiện trường vụ MH17 bị bắn rơi ở đông Ukraine. Ảnh: Reuters

CÚ ĐÁNH MẠNH VÀO KINH TẾ NGA

Các biện pháp trừng phạt mới lần này nhắm vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Nga: năng lượng, vũ khí và tài chính.

Theo đó, 3 ngân hàng có trụ sở ở Moscow gồm Ngân hàng Moscow (MB); Ngân hàng Nông nghiệp Nga (RAB) và Ngân hàng VTB và Cty đóng tàu United Shipbuilding ở St.Petersburg đều nằm trong danh sách đen. Với lệnh trừng phạt này, 3 ngân hàng của Nga sẽ không được phép nhận các khoản tài trợ trung hạn và dài hạn mới tại Mỹ. “Chúng tôi chặn xuất khẩu của Nga từ hàng hóa, công nghệ đến các lĩnh vực năng lượng. Chúng tôi mở rộng lệnh trừng phạt các ngân hàng, Cty quốc phòng và chính thức đình chỉ tín dụng khuyến khích xuất khẩu sang Nga cũng như tài trợ các dự án phát triển kinh tế ở nước này”, Tổng thống Obama tuyên bố.

Nga thật sự đang bị dồn vào chân tường khi trước đó ít giờ EU cũng tuyên bố trừng phạt kinh tế sâu rộng nhằm vào Moscow. Những biện pháp trừng phạt mới này vượt ra khỏi các lệnh phong tỏa tài sản và cấm thị thực đang được áp dụng cho đến nay. Theo đó, EU áp đặt những hạn chế trong các lĩnh vực như tài chính, quốc phòng, năng lượng, hàng hóa lưỡng dụng và các công nghệ nhạy cảm nhằm khiến Moscow chịu tổn thất lớn hơn.

Mỹ và EU bày tỏ hy vọng, các biện pháp trừng phạt kinh tế sâu rộng lần này sẽ buộc Moscow đảo ngược cách tiếp cận tại Ukraine. Tuy nhiên, Moscow nhiều lần gọi đây chỉ là “ngôn ngữ của biện pháp trừng phạt” và chắc chắn sẽ phản tác dụng.

CẦN ƯU TIÊN CHO MH17

Nhiều nhà phân tích cho rằng, Mỹ và EU đang “đục nước béo cò”, lợi dụng vụ MH17 để “kêu gọi lòng thương cảm” nhằm đánh gục Nga.  Việc Mỹ và EU gia tăng trừng phạt Nga trong lúc này là không khả thi, bởi hiện nay, các bên cần tập trung giải bài toán MH17.

OSCE TÁC NGHIỆP TẠI BIÊN GIỚI NGA - UKRAINE

Ngày 30-7, các quan sát viên OSCE bắt đầu tác nghiệp tại khu vực biên giới Nga – Ukraine, theo yêu cầu của Moscow.

Itar-Tass dẫn lời Trưởng phái bộ OSCE Paul Picard khẳng định, nhóm đầu tiên, gồm 4 quan sát viên cùng 3 nhân viên hành chính, bắt đầu giám sát hoạt động tại các trạm kiểm soát ở Gukovo và Donetsk. Trong những ngày tới, sẽ có tổng cộng 15 thành viên OSCE sẽ đến đây.

Trong tuyên bố đưa ra ngày 30-7, Thủ tướng Australia Tony Abbott. khẳng định ưu tiên việc tiếp cận hiện trường MH17 chứ không phải trừng phạt Nga. “Tôi không nói rằng, chúng tôi sẽ không trừng phạt. Nhưng tại thời điểm này chúng tôi cần tập trung việc đưa những nạn nhân xấu số của MH17 về nhà nhanh nhất có thể”, Thủ tướng Australia nhấn mạnh. Thực tế cho thấy, xung đột giữa phe nổi dậy và quân đội Kiev ngăn cản nỗ lực tiếp cận hiện trường của các nhóm điều tra quốc tế trong nhiều ngày qua.

Hơn 200 thi thể được chuyển về Hà Lan nhận dạng. Nhưng cảnh sát Hà Lan và Australia muốn nhanh chóng tiếp cận hiện trường để tìm kiếm những nạn nhân còn lại. “Nếu hôm nay không thể vào hiện trường, chúng ta sẽ cố gắng một lần nữa vào ngày mai, nếu thất bại, chúng ta sẽ thử lại vào ngày hôm sau...”, ông Abbott bày tỏ quyết tâm.

Thật sự, vấn đề cần quan tâm hiện nay là các bên cần ngồi lại để tìm kiếm lệnh ngừng bắn cho đông Ukraine, tạo điều kiện tìm ra kẻ đứng sau tội ác tày trời nhằm vào MH17. Nga, Ukraine, đại diện Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) và các tổ chức nhân quyền dự kiến sẽ gặp nhau tại Belarus nhằm bàn về vấn đề này. Đây sẽ là cuộc đàm phán giữa cựu Tổng thống Ukraine Leonid Kuchma, Đại sứ Nga tại Ukraine Mikhail Zurabov - những người gặp nhau nhiều lần kể từ khi bùng nổ khủng hoảng Ukraine nhưng chưa thể tạo được bước đột phá.

Cuộc gặp sẽ diễn ra vào hôm nay (31-7) và người ta hy vọng, những cái đầu đầy toan tính chính trị sẽ có thể đi đến một điểm chung nhân đạo.

Khả Anh

Quân đội Ukraine tái chiếm thị trấn sát Donetsk

Ngày 30-7, quân đội Ukraine tuyên bố đã chiếm lại thị trấn Avdiyivka ở vùng ngoại ô của Donetsk - thành trì chính của lực lượng nổi dậy ủng hộ Nga, đồng thời chặn một đoàn xe đến từ Nga.

AFP dẫn tuyên bố của lực lượng chính phủ cho biết họ đã giành quyền kiểm soát Avdiyivka. Trong khi đó, giao tranh xuất hiện tại khu vực xung quanh địa điểm rơi máy bay MH17 của hãng Malaysia Airlines khi lực lượng chính quyền tuyên bố họ đang tiến hành chiến dịch "càn quét" tại thị trấn Ilovaysk, cách địa điểm rơi MH17 khoảng 40 km về phía Tây.

Cùng ngày, Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine (NSDC) đã bác bỏ thông tin của truyền thông Phương Tây cho rằng Kiev đã sử dụng tên lửa đạn đạo tầm ngắn nhằm vào lực lượng nổi dậy. Theo phát ngôn viên NSDC Andriy Lysenko, lực lượng chính quyền "có đủ vũ khí với hỏa lực nhỏ" để sử dụng trong chiến dịch quân sự nhằm chiếm lại các thành phố và thị trấn.

A.Bình