Báo Công An Đà Nẵng

Mỹ giảm viện trợ cho Palestine: LHQ lo ngại khủng hoảng tồi tệ

Thứ sáu, 19/01/2018 15:19

Một cơ quan LHQ với nhiệm vụ trợ giúp người tị nạn Palestine cho rằng, quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc cắt giảm ngân sách cho tổ chức này đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất từ trước đến nay.

Những đứa trẻ Palestine trong trại tị nạn Shatila ở thủ đô Beirut, Lebanon. Ảnh: CNN

Chính quyền Mỹ đã quyết định đóng băng khoản tài trợ hàng năm trị giá 125 triệu USD cho Cơ quan cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine của LHQ (UNRWA). Khoản tiền này theo kế hoạch đã được chuyển giao vào ngày 1-1 vừa qua nhưng đã bị đóng băng. Hiện tại, thay vì chuyển 125 triệu USD cho UNRWA, Mỹ chỉ chi 60 triệu USD.

Động thái này vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ của người Palestine và những quan ngại sâu sắc từ các quan chức LHQ và các nhóm tị nạn.  UNRWA tuyên bố sẽ khởi động chiến dịch gây quỹ toàn cầu để lấp khoảng trống ngân sách. Bỉ đã tuyên bố sẽ chi 23 triệu USD cho UNRWA để trang trải một phần sau khi khoản tài trợ 65 triệu USD của Mỹ bị giữ lại. Giới chuyên gia cảnh báo, những người theo chủ nghĩa cực đoan có thể bước vào lấp đầy khoảng trống còn lại nếu các dịch vụ của UNRWA bị thu nhỏ lại.

Ai ảnh hưởng?

Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất cho UNRWA. Chỉ riêng năm 2016, Washington đã rót cho tổ chức này 368 triệu USD.

Hơn 5 triệu người Palestine đăng ký tị nạn được hưởng lợi từ các dịch vụ giáo dục, y tế và xã hội của UNRWA. Các hoạt động của cơ quan này trải dài qua Bờ Tây, Gaza, Jordan, Syria và Lebanon. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết, ông “rất quan ngại” về những tác động của quyết định cắt giảm tài trợ cho UNRWA. Theo UNRWA, các trại tập trung người tị nạn Palestine xung quanh khu vực thường bị đói nghèo, quá tải, tỷ lệ thất nghiệp cao, điều kiện nhà ở nghèo nàn và thiếu cơ sở hạ tầng.

Nhiều người tị nạn là con cháu của những người đã buộc phải di dời khỏi khu vực sau đó được gọi là Palestine trong cuộc chiến Arab - Do Thái năm 1948-1949. Sau chiến tranh, nhà nước Israel mới thành lập đã ngăn cản họ trở lại. UNRWA cho biết, ở một số nước chẳng hạn như Lebanon, những người tị nạn Palestine không thể đòi hỏi những quyền như những công dân các nước khác vì họ không phải là công dân của một quốc gia chính thức.

Tại sao lại là bây giờ?

Đòn đánh mới nhất của Mỹ lần này nhằm vào Palestine dường như là một phần của sự sụp đổ từ quyết định gây tranh cãi của Tổng thống Trump khi công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Trên Twitter, Tổng thống Trump đã đe dọa sẽ cắt viện trợ cho các nhóm nhân đạo Palestine trừ phi các nhà lãnh đạo Palestine đồng ý nối lại các cuộc đàm phán một thỏa thuận hòa bình với Israel. Những tuyên bố của ông Trump dường như nhằm vào chính quyền Palestine sau khi Tổng thống Mahmoud Abbas nói rằng, Mỹ đã “tự loại” mình ra khỏi danh sách “quốc gia trung gian” trong tiến trình hòa bình Palestine-Israel, và tập họp Đại hội đồng LHQ để bác bỏ động thái này. Đại hội đồng đã biểu quyết và bác bỏ tuyên bố Jerusalem của ông Trump. Vài tuần sau cuộc bỏ phiếu này, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley cho biết, ông Trump dự định “đóng cửa” ngân khoản cho người Palestine cho đến khi họ “đồng ý trở lại bàn đàm phán”. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết, động thái này không liên quan đến việc “trừng phạt” người Palestine vì đã từ chối đàm phán với Israel hoặc cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng LHQ. “Đây không phải là nhằm mục đích trừng phạt bất cứ ai”, bà Nauert cho biết.

Bà Nauert nói rằng, Mỹ giữ lại một phần viện trợ vì muốn thấy những cải cách tại UNRWA, và nói thêm rằng Washington cũng muốn thấy các nước khác đóng góp nhiều hơn cho cơ quan này. Tuy nhiên, phía UNRWA vẫn tỏ ý hoài nghi mục đích đằng sau quyết định này của Washington. 

KHẢ ANH