Mỹ - Hàn triển khai THAAD, Nga - Trung nổi giận
(Cadn.com.vn) - Trung Quốc đã trao công hàm phản đối cho các đại sứ Mỹ và Hàn Quốc về việc hai quốc gia đồng minh này nhất trí triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Bắc Kinh nhấn mạnh, việc này không có lợi cho việc duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và sẽ gây hại nghiêm trọng đến an ninh của các nước trong đó có Trung Quốc.
Hệ thống THAAD của Mỹ trong một vụ thành công. Ảnh: Reuters |
Sau hàng loạt cuộc họp như con thoi trong 5 tháng qua, cuối cùng vào ngày 8-7, Washington và Seoul đạt được thỏa thuận về việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc nhằm tăng cường khả năng đảm bảo an ninh trước các mối đe dọa đang gia tăng về tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên.
Theo Reuters, trong một tuyên bố chung, Bộ Quốc phòng Hàn và Mỹ cho biết, THAAD sẽ được sử dụng nhằm mục đích tự vệ, chống lại các mối đe dọa từ tên lửa hạt nhân và tên lửa đạn đạo ngày càng tăng của Triều Tiên. Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Yoo Jeh-seung, hai nước dự kiến bắt đầu vận hành THAAD chậm nhất vào cuối năm 2017, nhưng “chúng tôi sẽ nỗ lực để hoàn tất việc triển khai trước thời điểm đó”. Theo ông Yoo, hiện đang có 4 địa điểm được xem xét để triển khai THAAD và hai nước dự định sẽ công bố địa điểm được lựa chọn trong vòng vài tuần tới.
Việc này nhanh chóng vấp phải những phản ứng gay gắt từ quốc gia láng giềng Trung Quốc và bùng nổ nhiều tranh cãi. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố phản đối mạnh mẽ động thái này, hối thúc hai nước ngừng việc triển khai THAAD. Phía Bắc Kinh cho rằng, việc Hàn-Mỹ triển khai THAAD không những làm mất ổn định trên bán đảo Triều Tiên mà còn gây hại nghiêm trọng đến an ninh các nước trong đó có Trung Quốc. Trong động thái cho thấy sự giận dữ cao độ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã trao công hàm phản đối chính thức cho các đại sứ Mỹ và Hàn Quốc.
Đứng cùng “chiến tuyến” với Trung Quốc, Nga cho rằng, việc Mỹ triển khai THAAD sẽ gây ra những hậu quả không thể bù đắp được. Moscow đồng thời cảnh báo sẽ triển khai các hệ thống tên lửa ở miền đông để đối phó với việc này. Trong khi đó, Nhật ủng hộ việc triển khai THAAD của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc vì cho rằng, việc triển khai một hệ thống radar cùng với một hệ thống THAAD sẽ giúp sớm phát hiện một vụ phóng tên lửa từ Triều Tiên.
Và ngay trong nội bộ Hàn Quốc, động thái này làm dấy lên những cuộc tranh cãi căng thẳng. Những người ủng hộ cho rằng, việc triển khai THAAD là biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh và tạo thế răn đe hiệu quả các động thái không thể lường trước được của Triều Tiên. Tuy nhiên, những người phản đối lại cho rằng, việc làm này có thể là “sai lầm chiến lược” vì sẽ làm gia tăng tình trạng căng thẳng liên Triều, làm tổn hại mối quan hệ với Bắc Kinh - đối tác thương mại chính của Seoul và một đồng minh ngoại giao ngày càng chặt chẽ -từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của Hàn Quốc.
Nhiều người còn lo ngại, THAAD sẽ làm bùng nổ tình trạng căng thẳng giống như thời Chiến tranh Lạnh ở Đông Bắc Á. Bất chấp những chỉ trích và phản đối, Seoul vẫn kiên quyết bảo vệ quyết định triển khai THAAD. Nhà Xanh khẳng định, một khi được triển khai, THAAD sẽ không nhắm tới nước nào khác ngoài Triều Tiên và sẽ chỉ được sử dụng để đối phó với các mối đe dọa về hạt nhân và tên lửa của nước này.
Mỹ-Hàn bắt đầu mở các cuộc đàm phán công khai về vấn đề triển khai THAAD ngay sau khi Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa hồi đầu tháng 2 tiếp sau vụ thử hạt nhân vào tháng 1. Ngoài THAAD, Lầu Năm Góc hiện vẫn duy trì 28.500 quân tại Hàn Quốc, một di sản của cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Khả Anh