Báo Công An Đà Nẵng

Mỹ hoài nghi mong muốn chấm dứt chiến sự của Nga

Thứ bảy, 24/12/2022 12:23
Cuộc xung đột ở Ukraine đã kéo dài gần 10 tháng.

Hòa bình le lói

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Điện Kremlin ngày 22-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết: "Mục tiêu của chúng tôi không phải duy trì xung đột quân sự, mà ngược lại, đó là chấm dứt cuộc chiến này. "Chúng tôi sẽ cố gắng đảm bảo rằng tất cả sẽ kết thúc, và tất nhiên càng sớm càng tốt". Ông Putin nhấn mạnh: "Tất cả xung đột vũ trang đều kết thúc cách này hay cách khác với một số kiểu đàm phán bằng con đường ngoại giao. Sớm hay muộn, bất kỳ bên nào trong tình trạng xung đột sẽ ngồi xuống và thỏa thuận. Những người chống lại chúng tôi nhận ra điều này càng sớm càng tốt. Chúng tôi chưa bao giờ từ bỏ đàm phán".

Đây không phải là lần đầu tiên phía Nga tuyên bố muốn đàm phán hòa bình và chấm dứt xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tuyên bố trên được chính người đứng đầu nước Nga khẳng định tại cuộc họp báo cuối năm nay, sau khi xung đột tại Ukraine đã bước sang tháng thứ 10 liên tiếp. Cuộc xung đột kéo dài ảnh hưởng không chỉ đến Ukraine và Nga mà còn tác động đến cả thế giới, nhất là trong lĩnh vực an ninh lương thực và an ninh năng lượng. Với tuyên bố của người đứng đầu nước Nga, cơ hội cho hòa bình tại Ukraine đã bắt đầu le lói.

Trong bối cảnh Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa có chuyến thăm Mỹ trở về nhằm kêu gọi sự hỗ trợ vũ khí của Mỹ và Bộ trưởng Tài chính của Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) cùng ngày cũng ra tuyên bố chung sẵn sàng nỗ lực nhiều hơn nữa để hỗ trợ Ukraine về mặt tài chính, đồng thời kêu gọi các nhà tài trợ khác tăng hỗ trợ, có thể thấy tuyên bố của người đứng đầu nước Nga là một quyết định mang lại nhiều hy vọng. Đó không chỉ là hy vọng thắp sáng cơ hội hòa bình mà còn góp phần dập tắt nguy cơ chiến tranh tiếp tục bùng phát mạnh hơn khi phương tây tiếp tục tăng cường viện trợ cho Ukraine.

Bị Mỹ dập tắt

Dù Nga nhiều lần nói rằng nước này muốn đàm phán hòa bình, nhưng Ukraine đều từ chối đối thoại. Kiev và đồng minh cáo buộc Moscow âm mưu "câu giờ" để tái bố trí, tập trung lực lượng sau một loạt thất bại của Nga trong cuộc chiến kéo dài 10 tháng này.

Trước phát ngôn của Tổng thống Nga, người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby cho biết ông Putin "hoàn toàn không cho thấy dấu hiệu sẵn sàng đàm phán" để chấm dứt "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine, do Nga phát động cách đây gần tròn 10 tháng. "Hoàn toàn ngược lại. Tất cả những gì ông ấy đang làm trên mặt đất và trên không đều tỏ ra là một người muốn tiếp tục gây hấn với người dân Ukraine", ông Kirby nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo trực tuyến tại trụ sở Bộ Ngoại giao ở Washington.

Theo Ngoại trưởng Mỹ, Nga có thể lập tức kết thúc chiến sự bằng cách rút quân. Trong trường hợp chưa rút quân, Nga "phải thể hiện một số bằng chứng có ý nghĩa cho thấy họ đã sẵn sàng đàm phán thực chất về một nền hòa bình công bằng và bền vững". Blinken nói rằng "hòa bình công bằng không chấp nhận một nước sử dụng vũ lực để chiếm lãnh thổ của nước khác".

Người phát ngôn Nhà Trắng cũng nhắc lại rằng Tổng thống Biden sẵn sàng đàm phán với ông Putin, nhưng chỉ sau khi nhà lãnh đạo Nga "thể hiện sự nghiêm túc về đàm phán" và cả các cuộc tham vấn với Ukraine cùng các đồng minh khác.

AN BÌNH