Báo Công An Đà Nẵng

Mỹ-Iran được gì từ Iraq?

Thứ sáu, 27/06/2014 10:32

(Cadn.com.vn) - Chính quyền Tổng thống Barack Obama có thể chuẩn bị bắt tay với chính quyền người đồng cấp Iran Hassan Rouhani để cùng giải quyết cuộc khủng hoảng đang ngày càng nghiêm trọng ở Iraq.

Hiện nay, sau tàu sân bay G.H.W.Bush, Mỹ đang tiếp tục điều tàu USS Mesa Verde đến Vịnh Persian. Đây là tàu hải quân Mỹ thứ tư di chuyển vào khu vực gần Iraq này. Trong khi đó, ở trong lãnh thổ Iraq, các nhóm đầu tiên trong số 300 cố vấn quân sự của Mỹ bắt đầu nhiệm vụ tại Baghdad hôm 24-6 nhằm hỗ trợ quân đội Iraq.

Nhiệm vụ của các đội này là đánh giá thực trạng của quân đội nước sở tại và không tiến hành các vụ tấn công vào phiến quân thuộc Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS).

Tổng thống Obama từng từ chối yêu cầu của Iraq khi Baghdad muốn Mỹ tiến hành không kích để đổi chiều cuộc chiến. Thay vào đó, ông Obama chỉ cử 300 cố vấn quân sự đến Iraq. Tuy nhiên, vì Baghdad luôn thúc giục một "cuộc can thiệp thực sự" của Nhà Trắng, Lầu Năm Góc có thể tính đến giải pháp xa hơn: cùng Iran chống lại các cuộc tấn công trên diện rộng của ISIS.

Theo nhiều nguồn tin, Iran đang bí mật vận hành các máy bay không người lái giám sát ở Iraq và đưa trang thiết bị quân sự đến đó để giúp Baghdad chiến đấu chống ISIS. Ngoài ra, Iran cũng điều 2 chuyến bay/ngày đến Baghdad, mỗi chuyến chở 70 tấn trang thiết bị quân sự và hàng tiếp tế.

Khi cùng tham chiến ở Iraq, cả Tehran và Washington đều có mục đích riêng cần hướng đến. Về phía Iran, họ rõ ràng sẽ được lợi hơn khi dần dần xóa bỏ được khoảng cách "thù địch cố hữu" với Mỹ trong nhiều thập kỷ qua.

Quốc gia Hồi giáo còn có thể hưởng lợi từ thành công trên chiến trường chống lại ISIS cho bàn đàm phán hạt nhân gây tranh cãi. Đó là Nhà Trắng có thể sẽ có lập trường mềm mỏng hơn về chương trình hạt nhân của Iran để tìm kiếm sự hợp tác của Tehran. Nhưng nhiều người cho rằng, dường như Mỹ sẽ được lợi hơn Iran.

Thứ nhất là Washington có thể phá vỡ được "một quốc gia trong trục ma quỷ" mà họ từng liệt kê vào. Thứ hai, từ thành công ở Iraq, Nhà Trắng có thể thúc đẩy sự hiện diện quân sự tại vùng Vịnh cũng như khắp Trung Đông - nơi họ đang mắc kẹt trong chương trình hòa bình giữa Israel và Palestine.

Nhưng theo giới chuyên gia, Nhà Trắng giờ đây đang lưỡng lự trong vấn đề Iraq vì vẫn tin về một giải pháp ngoại giao.

Chính quyền ông Obama vẫn muốn xem chính phủ do người Shiite lãnh đạo có thể làm việc với những người Kurd và tiếp cận với các dân tộc thiểu số Sunni để thảo luận về thành lập chính phủ đoàn kết mới.

Xin trích dẫn câu hỏi rất hay của một chuyên gia về tình hình hiện nay ở Iraq: "Tại sao chúng lại thỏa thuận với Stalin? Bởi vì ông ta không xấu xa như Hitler". Rõ ràng, trong suy nghĩ của ông Obama,  Iraq chưa đến mức buộc phải can thiệp quân sự.

Thanh Văn