Báo Công An Đà Nẵng

Mỹ ký sắc lệnh chính thức rút khỏi Syria: Israel “hụt hẫng”

Thứ ba, 25/12/2018 10:20

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng, quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump - rút lực lượng Mỹ khỏi Syria - sẽ không ngăn cản những nỗ lực của Tel Aviv trong việc ngăn chặn Iran thiết lập sự hiện diện lâu dài tại Syria. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, mọi việc với Israel sẽ khó khăn hơn nhiều.

Một căn cứ quân sự của Mỹ ở làng Al-Asaliyah, Syria, giữa thành phố Aleppo và thị trấn phía bắc Manbij.  Ảnh: AFP

Mặc dù giới lãnh đạo Israel hoan nghênh Tổng thống Mỹ Donald Trump về một loạt quyết định, vốn hầu hết là ủng hộ đất nước họ kể từ khi lên nắm quyền, nhưng việc ông Trump rút quân khỏi Syria chắc chắn sẽ không nằm trong số này.

Chính quyền Tổng thống Trump hôm 19-12 khiến thế giới rúng động khi bất ngờ tuyên bố sẽ rút binh sĩ Mỹ khỏi Syria. Và Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh hiếm hoi tán thành quyết định của ông Trump về Syria, một quốc gia mà giờ đây họ sẽ có quyền tự do hơn để nhắm vào các chiến binh người Kurd được Mỹ vũ trang, huấn luyện và đóng vai trò chính trong cuộc chiến chống IS nhưng bị Ankara coi là lực lượng khủng bố. Và theo CNN ngày 24-12, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã ký sắc lệnh về việc rút quân này, quyết định này được xem như giọt nước làm tràn ly dẫn đến tuyên bố từ chức của ông Mattis. CNN dẫn lời các quan chức quốc phòng nêu rõ, sắc lệnh này nêu rõ cách thức và thời gian lực lượng Mỹ rút khỏi quốc gia Trung Đông bị chiến tranh tàn phá này. Theo tin trên, dự kiến việc rút quân sẽ bắt đầu diễn ra “trong vài tuần tới”.

Lợi bất cập hại

Ngay sau khi quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút lực lượng Mỹ khỏi Syria, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 24-12 đáp lại cho rằng, nó sẽ không ngăn cản những nỗ lực của Tel Aviv trong việc ngăn chặn Iran thiết lập sự hiện diện lâu dài tại Syria. “Quyết định rút 2.000 binh sĩ Mỹ khỏi Syria sẽ không làm thay đổi chính sách kiên định của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục hành động chống lại những nỗ lực của Iran nhằm củng cố sự hiện diện quân sự ở Syria và ở mức độ cần thiết nào đó, chúng tôi thậm chí sẽ gia tăng hành động tại đó”. Theo ông, hợp tác giữa Iran và Mỹ sẽ vẫn duy trì, kể cả khi Washington rút quân khỏi Syria.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, mọi việc với Israel sẽ khó khăn hơn nhiều. Sau khi ông Trump đưa ra thông báo bất ngờ về việc rút quân Mỹ khỏi Syria hồi tuần trước, Israel lo ngại khả năng kẻ thù chính của nước này là Iran sẽ có cơ hội hoạt động tự do hơn ở quốc gia láng giềng. Giới phân tích cho rằng, phản ứng của Israel đối với thông báo trên là vừa phải, cẩn trọng chỉ ra rằng, nước này tôn trọng quyết định của Mỹ, cùng với các cam kết tiếp tục bảo vệ các lợi ích của Quốc gia Do Thái ở Syria. Nhưng ẩn trong những tuyên bố công khai đó là những lo ngại về khả năng Iran sẽ tìm cách lợi dụng sự vắng mặt của Mỹ ở đất nước bị chiến tranh tàn phá này cũng như việc liệu Nga có đáp lại lời đề nghị của Israel để kiềm chế Tehran hay không.

Ngoài ra, cách thức đưa ra quyết định và tuyên bố - cùng với sự từ chức của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đáp lại quyết định đó - có thể cũng khiến các nhà lãnh đạo Israel ngập ngừng. Cựu Cố vấn an ninh quốc gia của Thủ tướng Netanyahu kiêm cựu quan chức tình báo quân đội Israel Yaakov Amidror, lưu ý, binh lính Mỹ không liên quan trực tiếp trong cuộc chiến của Israel chống lại sự hiện diện của Iran ở Syria. Nhưng ông Amidror cho rằng những lo ngại về khả năng Iran sẽ lợi dụng sự rút quân của Mỹ là hoàn toàn có lý.

Hệ quả nhãn tiền cho nước Mỹ

Ông Mattis ra đi đánh dấu việc “3 người đảm bảo nước Mỹ không rơi vào hỗn loạn” (gồm Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Chánh Văn phòng Nhà Trắng John Kelly và Ngoại trưởng khi đó Rex Tillerson) đều đã không còn ở lại với Tổng thống Trump. 

Chính nó cũng đánh dấu sự chấm hết thời kỳ “kiềm chế và kiểm soát” của chính quyền Trump, thời kỳ mà các tướng lĩnh, lãnh đạo doanh nghiệp và nhiều thành viên đảng Cộng hòa cố gắng khuyên bảo vị tổng thống này và kiềm chế sự bốc đồng của ông. Ở Washington, 3 quan chức nêu trên được xếp vào loại “nhóm tam minh”, “trục những người trưởng thành” và “ủy ban cứu Mỹ”. Tuy nhiên, khi Tổng thống Trump hướng đến năm thứ 3 điều hành nước Mỹ, những nỗ lực của 3 quan chức này đều tan biến và hầu như là “thất nghiệp”.

Những hậu quả nhãn tiền của thời kỳ mới này đã rõ ràng vào cuối năm 2018, khi Tổng thống Trump không ngăn được việc một phần chính phủ Mỹ phải ngừng hoạt động, bất chấp cảnh báo của các lãnh đạo đảng Cộng hòa và lệnh rút lực lượng Mỹ khỏi Syria bị Bộ trưởng Mattis phản đối. Một cuộc rút quân tương tự ở Afghanistan đường như cũng đang diễn ra. Các thị trường tài chính, vốn bị chao đảo bởi cuộc chiến thương mại kéo dài gần 1 năm qua, cũng rơi vào đình trệ.

KHẢ ANH