Báo Công An Đà Nẵng

Mỹ lại khuấy động thế giới "từ Jerusalem"

Thứ hai, 26/02/2018 14:12

Mỹ dự kiến sẽ chuyển Đại sứ quán từ thủ đô Tel Aviv đến Jerusalem vào tháng 5 tới, nhân dịp Israel kỷ niệm 70 năm thành lập đất nước. Động thái này đi ngược với chính sách của Washington trong vòng nhiều thập kỷ và vấp phải sự phản đối của nhiều đồng minh.

Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Tel Aviv của Israel. Ảnh: ABC News

"Chúng tôi hào hứng khi thực hiện bước đi lịch sử này và mong chờ mở cửa vào tháng 5", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết. Theo bà Nauert, hầu hết các nhân viên Đại sứ quán Mỹ vẫn sẽ ở lại thành phố Tel Aviv. Tháng 5, Mỹ sẽ chỉ chuyển Đại sứ Mỹ tại Israel David Friedman cùng một đội ngũ nhỏ lên Jerusalem. Mỹ sẽ ký phê duyệt và tạm chuyển đổi cơ sở ngoại giao ở Arnona, Jerusalem trở thành Đại sứ quán chính thức của Washington tại Jerusalem. Giai đoạn tiếp theo của kế hoạch, Mỹ sẽ tìm kiếm một địa điểm đảm bảo tiêu chuẩn về mặt an ninh để xây dựng công trình Đại sứ quán mới ở Jerusalem. Lãnh sự quán ở Đông Jerusalem sẽ tiếp tục phục vụ người Palestine, và vì những lý do an ninh, Đại sứ Mỹ David Friedman sẽ tiếp tục sinh sống ở nhà riêng thuộc Herzliya, phía bắc Tel Aviv. 

Israel hoan nghênh

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngay lập tức gửi lời cảm ơn đến Tổng thống Mỹ Donald Trump khi "giúp" buổi lễ kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh Israel trở nên ý nghĩa hơn. "Đây là thời điểm tuyệt vời đối với Nhà nước Israel. Quyết định của Tổng thống Donald Trump di chuyển Đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem sẽ khiến ngày lễ Độc lập của chúng tôi trở nên tuyệt vời hơn. Cảm ơn ông Donald Trump vì vai trò lãnh đạo của ông ấy", ông Netanyahu tuyên bố.

Palestine tưc giận

Tuy nhiên, đối với người Palestine, quyết định của Mỹ là một sự khiêu khích. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố đây là hành động không thể chấp nhận và các động thái đơn phương của Mỹ sẽ không mang lại tính pháp lý cho bất cứ bên nào, đồng thời cản trở các nỗ lực hòa bình ở khu vực.

Tổng thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Saeb Erakat cho rằng, động thái của Mỹ sẽ kích động người dân Palestine. Trong một tuyên bố, PLO nêu rõ: "Việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và quyết định dời đại sứ quán đến đây vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày Nakba, chiến dịch thanh lọc sắc tộc đối với ít nhất 418 ngôi làng Palestine và ép buộc 2/3 người dân của chúng ta phải di dời, cho thấy chính quyền Washington quyết tâm vi phạm các luật lệ quốc tế, phá hủy giải pháp hai nhà nước và kích động người dân Palestine cũng như cộng đồng Arab, Hồi giáo và Thiên Chúa giáo trên toàn thế giới".

Các cuộc biểu tình của người dân Palestine bùng nổ tại dải Gaza và khu vực Bờ Tây, nhằm phản đối quyết định chuyển Đại sứ quán của Mỹ. Đụng độ cũng xảy ra giữa những người biểu tình Palestine và lực lượng an ninh Israel, khiến ít nhất 20 người Palestine bị thương.

Quyêt định gây tranh cãi

Việc mở sứ quán Mỹ tại Jerusalem vào tháng 5 là sớm hơn nhiều so với dự kiến. Trước đó, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence thông báo với Quốc hội Israel việc này sẽ diễn ra vào cuối năm 2019.

Hồi tháng 12-2017, chính quyền Tổng thống Trump đã tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và khẳng định sẽ chuyển Đại sứ quán nước này từ Tel Aviv về thành phố còn đang tranh chấp giữa Israel và Palestine. Tuyên bố này ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích của Palestine và nhiều quốc gia trên thế giới. Sau đó, chính quyền Mỹ cắt viện trợ cho người di cư Palestine nhằm buộc Palestine chấp nhận kế
hoạch tái thiết hòa bình Trung Đông do Mỹ khởi xướng. Những diễn biến này cũng đã làm suy yếu vai trò trung gian của Washington trong tiến trình hòa giải giữa Israel và Palestine. Quyết định gây tranh cãi mới nhất của Mỹ được xem là đi ngược lại với lập trường của cộng đồng quốc tế trong giải quyết vấn đề quy chế của Jerusalem, cũng như thúc đẩy con tàu hòa bình Trung Đông giữa Israel và Palestine. Jerusalem là vấn đề rất nhạy cảm và là trung tâm của cuộc xung đột Israel-Palestine. Israel chiếm đóng khu vực Đông Jerusalem trong cuộc chiến năm 1967, sau đó sáp nhập vùng đất này và tuyên bố toàn bộ thành phố Jerusalem là thủ đô không thể chia cắt của Israel. Cho tới nay, ngoài Mỹ vẫn chưa có quốc gia nào công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, trong khi người Palestine xác định Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine trong tương lai.

Trong một phản ứng quốc tế đầu tiên, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích mạnh quyết định của Mỹ, cho rằng, hành động này vi phạm các nghị quyết của LHQ, làm tổn hại tiến trình hòa bình Israel-Palestine.                               

   AN BÌNH