Báo Công An Đà Nẵng

Mỹ làm gì trong trường hợp Nga sử dụng vũ khí hạt nhân?

Thứ ba, 27/09/2022 10:11
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: Reuters

Khi được hỏi liệu chính quyền Mỹ có kế hoạch cho tình huống trên hay không, ông Blinken đã trả lời rằng: "Chúng tôi có". "Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để hỗ trợ Ukraine tự vệ cũng như tập hợp các quốc gia khác nhằm gây sức ép lên Nga. Chúng tôi quyết tâm không để cuộc chiến này lan rộng", ông Blinken cho hay. Chính quyền Mỹ cũng kêu gọi Nga dừng những cuộc trao đổi thiếu thận trọng về vũ khí hạt nhân. "Chúng tôi đã đưa ra tuyên bố rõ ràng cả kín đáo và công khai với Nga về việc dừng những nhận định bất cẩn về vũ khí hạt nhân", ông Blinken cho hay.

Khi được hỏi liệu chính quyền Mỹ có trao đổi với điện Kremlin về các mối đe dọa chiến tranh hạt nhân hay không, ông Blinken đã nói rằng: "Một điều rất quan trọng là Moscow đã nghe từ phía chúng tôi và biết rõ các hậu quả sẽ rất khủng khiếp. Chúng tôi đã nói rõ về điều đó". Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng tuyên bố, Washington sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu Moscow sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.

Trước đó, ngày 21-9, Tổng thống Putin cho biết ông "không nói suông" khi cảnh báo Nga sẽ cân nhắc bảo vệ lãnh thổ bằng "các vũ khí hủy diệt khác nhau". Những vùng lãnh thổ này có thể sẽ bao gồm các nước cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk, cũng như các khu vực Zaporozhye và Kherson - những nơi đang tiến hành các cuộc trưng cầu ý dân về việc gia nhập Nga từ ngày 23 đến 27-9.

Phản ứng với tuyên bố của ông Putin, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cảnh báo Washington sẽ đáp trả dứt khoát và khiến Nga chịu những hậu quả "thảm khốc" nếu sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. "Nếu Nga vượt qua lằn ranh đó, sẽ có những hậu quả thảm khốc xảy ra đối với họ. Mỹ sẽ đáp trả một cách cương quyết", ông Sullivan tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với kênh NBC. Ông Sullivan không nêu cụ thể cách Mỹ sẽ phản ứng nhưng cho biết Washington đã giải thích riêng với Moscow "điều đó chính xác là gì". Ông thêm rằng Mỹ thường xuyên liên lạc trực tiếp với Nga, kể cả trong vài ngày qua, để thảo luận về tình hình Ukraine cũng như những hành động và cảnh báo mà Tổng thống Vladimir Putin đưa ra.

Trước đó, trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, Tổng thống Mỹ Joe Biden cáo buộc người đồng cấp Nga coi thường trách nhiệm không phổ biến vũ khí hạt nhân khi công khai đưa ra "những lời đe dọa hạt nhân chống lại châu Âu".

Trả lời BBC hôm 24-9, Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell tin rằng, Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp lực lượng của Nga "bị dồn vào chân tường" ở Ukraine. Nhà ngoại giao EU cho rằng, cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine đang bước vào giai đoạn nguy hiểm. Việc quân đội Nga "bị dồn ép" có thể liên quan tới diễn biến trên chiến trường thời gian qua khi Ukraine phản công nhanh giành lại một phần lớn lãnh thổ ở Kharkov tại khu vực Đông Bắc. Theo ông Borrell, cần nghiêm túc xem xét những cảnh báo của ông Putin.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov ngày 23-9 tuyên bố Moscow không đe dọa ai bằng vũ khí hạt nhân và không ngừng cảnh báo phương Tây về những rủi ro khi can thiệp vào vấn đề Ukraine và đề nghị Mỹ tránh để xảy ra xung đột quân sự trực tiếp với Nga. Học thuyết hạt nhân hiện tại của Nga cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp có một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào lãnh thổ hoặc cơ sở hạ tầng của nước này hoặc nếu sự tồn tại của nhà nước Nga bị đe dọa bởi vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí thông thường. Mặc dù vậy, cả Nga và Mỹ đều từng khẳng định trước đó rằng, cuộc chiến hạt nhân là không thể thắng và không bao giờ nên xảy ra.

AN BÌNH