Báo Công An Đà Nẵng

Mỹ lần đầu tiên công khai bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

Thứ tư, 15/07/2020 11:33

Từ tuyên bố đầu tiên chỉ nói chung chung năm 1995, Mỹ đã ngày càng cụ thể hơn và chỉ đích danh Trung Quốc là nước có yêu sách phi pháp.

Một chiếc MH-60R Sea Hawk trên boong tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ đang hoạt động ở Biển Đông.  Ảnh: AP

Chính quyền Tổng thống Donald Trump cuối cùng chính thức mở ra cuộc đối đầu mạnh mẽ với Trung Quốc nhằm vào một trong những vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ vốn đang căng thẳng: Biển Đông, khi Washington đã bác bỏ hầu như mọi yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở khu vực tranh chấp này.

Yêu sách của Bắc Kinh tại Biển Đông là bất hợp pháp

Trong một động thái bất ngờ, Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm 14-7 cho biết sẽ coi những yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông đang tranh chấp là bất hợp pháp, đồng thời tăng cường hỗ trợ cho các quốc gia Đông Nam Á.

Đây là tuyên bố mạnh mẽ mới nhất của chính quyền của Tổng thống Donald Trump, nhằm thách thức Trung Quốc, khi ông đang trong chặng đua nước rút cho cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Trong tuyên bố được phát trên trang mạng của Bộ Ngoại giao Mỹ rạng sáng 14-7, vị thủ lĩnh ngoại giao Mỹ nêu rõ: “Chúng tôi muốn nói rõ: yêu sách của Bắc Kinh đối với hầu hết Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, cũng như là chiến dịch bắt nạt của Trung Quốc nhằm kiểm soát chúng vậy”. Ông Pompeo tiếp tục nhấn mạnh: “Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình”.

Mỹ từ lâu bác bỏ các yêu sách càn quét của Bắc Kinh ở Biển Đông, nơi vừa là khu vực chứa các mỏ dầu khí có giá trị và là tuyến đường thủy quan trọng cho thương mại thế giới. Mỹ cũng nhiều lần chỉ trích những tuyên bố bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời thường xuyên điều động tàu chiến di chuyển qua vùng biển chiến lược nhằm thể hiện quyền tự do hàng hải ở khu vực. Nhưng đây là lần đầu tiên, tuyên bố của ông Pompeo đi xa hơn bằng cách đứng rõ ràng về phía các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Philippines và Việt Nam, sau nhiều năm Mỹ nói rằng họ không có lập trường nào đối với các yêu sách cá nhân. Đây cũng chính là tuyên bố mạnh mẽ, trực tiếp nhất của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông trong vòng 25 năm qua.

Trong nội dung tuyên bố, ông Pompeo khẳng định ở Biển Đông, Mỹ tìm cách bảo vệ hòa bình và ổn định, tôn trọng tự do trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế, duy trì dòng chảy thương mại và phản đối bất kỳ nỗ lực nào về việc sử dụng cách thức cưỡng ép hay vũ lực nhằm giải quyết tranh chấp. “Mỹ đứng về phía các đồng minh và đối tác Đông Nam Á của chúng tôi trong việc bảo vệ quyền chủ quyền của họ đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế”, ông Pompeo nói và nhấn mạnh thêm: “Chúng tôi sát cánh với cộng đồng quốc tế để bảo vệ tự do biển cả, tôn trọng chủ quyền và bác bỏ mọi nỗ lực áp đặt ở Biển Đông hoặc khu vực rộng lớn hơn”.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Pompeo cũng khẳng định, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đơn phương áp đặt ý chí trong khu vực. Ông khẳng định: “Bắc Kinh không đưa ra cơ sở pháp lý nhất quán nào cho yêu sách “đường chín đoạn” ở Biển Đông kể từ khi chính thức tuyên bố đó vào năm 2009. Trong một quyết định có sự thống nhất ngày 12-7-2016, tòa trọng tài ở The Hague (Hà Lan) thành lập theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982 – mà Trung Quốc là một quốc gia thành viên – đã bác bỏ yêu sách hàng hải của Bắc Kinh, cho đây là yêu sách không có cơ sở luật pháp quốc tế”.

Trung Quốc nói gì?

Có thể thấy, từ tuyên bố đầu tiên chỉ nói chung chung năm 1995, Mỹ đã ngày càng cụ thể hơn và chỉ đích danh Trung Quốc là nước có yêu sách phi pháp.

Ngay lập tức, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ ngày 14-7 đã đăng tuyên bố đáp trả, cho rằng những lời cáo buộc của Washington là “hoàn toàn phi lý”. Trong bài đăng trên Tân Hoa Xã, phía Bắc Kinh chỉ trích tuyên bố của Washington chỉ làm khuấy động căng thẳng trong khu vực, cũng như cho thấy mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa hai nước. “Mỹ không phải là một quốc gia liên quan trực tiếp đến các tranh chấp, nhưng họ vẫn tiếp tục can thiệp vào vấn đề này”, Đại sứ quán Trung Quốc viết trên trang mạng của họ. “Dưới chiêu bài duy trì sự ổn định, Mỹ đang phô trương sức mạnh, khuấy động căng thẳng và kích động đối đầu trong khu vực”, tuyên bố từ đại sứ quán Trung Quốc ở Mỹ nêu rõ.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ kêu gọi Washington cần tôn trọng các cam kết về trung lập trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ, tôn trọng nỗ lực của các nước trong khu vực vì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và chấm dứt ngay ý định làm gián đoạn hòa bình, gây mất ổn định tại khu vực.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, trong tuyên bố của đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ, phía Bắc Kinh có những phát ngôn trái với thực tế và ngụy biện để đánh lạc hướng vấn đề. Trước đó, khi nói về phán quyết của tòa án ở The Hague về Biển Đông năm 2016, Trung Quốc nói, đây là phán quyết “bất hợp pháp và vô hiệu”. Giới chuyên gia cho rằng, tuyên bố này phản ánh thái độ phớt lờ phán quyết của Trung Quốc lâu nay.

Trong khi đó, bên trong nội bộ nước Mỹ, hàng loạt nghị sĩ đến từ cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ, đã ủng hộ việc Bộ Ngoại giao Mỹ làm rõ lập trường rằng, các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp. Các nghị sĩ Mỹ và chuyên gia kêu gọi ngăn chặn hành động gây hấn và bành trướng của Bắc Kinh. Nghị sĩ Jim Risch (Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ), và các nghị sĩ Bob Menendez, Eliot Engel, Michael McCaul cùng nhau ra một tuyên bố nêu rõ: “Các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là phi pháp”. “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định của chính quyền để làm rõ lập trường của Mỹ rằng các yêu sách lãnh thổ và hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông là phi pháp. Trung Quốc không có sự chứng minh pháp lý nào đáng tin cho các yêu sách của họ” - các nghị sĩ nêu rõ.

Trong khi đó, trên Twitter, nghị sĩ Ted Yoho, Chủ tịch Tiểu ban Châu Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ nhấn mạnh: “Động thái này đáng lẽ nên được thực hiện từ lâu”. Ông nói rằng, Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của các nước láng giềng “một cách liên tục và trơ trẽn”, xây dựng các đảo nhân tạo và triển khai thiết bị quân sự bất hợp pháp trong nhiều năm qua. Hạ nghị sĩ Ted Yoho còn kêu gọi các nước thành viên ASEAN cùng lên tiếng mạnh mẽ trước việc Trung Quốc xâm phạm lãnh hải.

KHẢ ANH