Mỹ Latinh - thị trường vũ khí béo bở của Trung Quốc
(Cadn.com.vn) - Những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thị trường vũ khí toàn cầu. Số lượng và chất lượng vũ khí không chỉ tăng nhanh, mà phạm vi khách hàng của Trung Quốc cũng mở rộng đáng kể. Mỹ Latinh là một trong những khu vực trọng điểm Bắc Kinh nhắm đến.
Tăng doanh số bán hàng...
Venezuela tiếp tục là quốc gia dẫn đầu trong việc mua vũ khí Trung Quốc. Ước tính từ năm 2011-2015, Venezuela mua 373 triệu USD các loại vũ khí của Trung Quốc. Thỏa thuận 500 triệu USD vào năm 2012 đối với các loại vũ khí gồm xe bọc thép và pháo tự hành cho thấy mối quan hệ này tiếp tục phát triển mạnh trong tương lai.
Bolivia ký hợp đồng mua máy bay phản lực huấn luyện Karakorum và máy bay trực thăng Panther của Trung Quốc trị giá 58 triệu USD năm 2009 và 108-113 triệu USD năm 2012. Năm 2009, Peru - đối tác kinh tế quan trọng của Mỹ trong khu vực và là nước ủng hộ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ dẫn đầu - đã mua 15 tên lửa di động đất đối không (SAM) trị giá 1,1 triệu USD. Sau đó, năm 2013, Peru mua 27 bệ phóng tên lửa trong một thỏa thuận trị giá 39 triệu USD.
Với giá cả thấp và hợp đồng vũ khí với các Cty quốc phòng Trung Quốc không đi kèm nhiều ràng buộc (không giống như Mỹ), vũ khí của Bắc Kinh ngày càng hấp dẫn các nước trong khu vực.
Quân đội Venezuela đang sử dụng máy bay K-8 do Trung Quốc sản xuất. Ảnh: Diplomat |
...nhưng chưa phải là tất cả
Tăng doanh thu bán hàng là mục tiêu của Bắc Kinh. Tuy nhiên, Mỹ Latinh chỉ chiếm khoảng 6% tổng khối lượng vận chuyển vũ khí toàn cầu giai đoạn 2011-2015, doanh thu bán hàng rõ ràng không phải là yếu tố trung tâm. Thay vào đó, việc đạt được các mục tiêu kinh tế chiến lược và tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc thông qua “quyền lực mềm” mới là yếu tố chính thúc đẩy các Cty quốc phòng Trung Quốc nỗ lực tìm cách mở rộng thị trường tại Mỹ Latinh.
Chiến lược này đã được Bắc Kinh thực hiện thành công tại Trung khu vực Châu Phi cận Sahara. Chỉ chiếm 8% tổng mức bán vũ khí toàn cầu, doanh thu bán hàng từ các nước Châu Phi cận Sahara không mấy hấp dẫn. Tuy nhiên, ước tính doanh thu bán vũ khí của Trung Quốc cho Châu Phi cận Sahara giai đoạn 2011-2015 chiếm 22% tổng số vũ khí được bán cho khu vực này. Ít nhất 80% các hạm đội máy bay huấn luyện của lực lượng không quân Châu Phi hiện nay do Trung Quốc sản xuất. Doanh số bán hàng tăng giúp Bắc Kinh đảm bảo mục tiêu phát triển và đa dạng hóa nguồn năng lượng nhập khẩu từ các quốc gia giàu tài nguyên trong khu vực.
Theo đó, chiến lược của Trung Quốc tại Mỹ Latinh là tăng cường quan hệ kinh tế và xây dựng quyền lực mềm, qua đó tăng sức ảnh hưởng chính trị. Nếu các Cty quốc phòng Trung Quốc có thể thuyết phục thêm nhiều nhà lãnh đạo Mỹ Latinh chuyển hướng, không mua vũ khí của Mỹ, Nga, và các nhà cung cấp quan trọng khác, Bắc Kinh sẽ có thị phần lớn hơn. Về lâu dài, điều này có thể mở đường cho Trung Quốc gặt hái những lợi ích trong tăng cường quan hệ ngoại giao và kinh tế, chẳng hạn như giúp đảm bảo các giao dịch mua bán năng lượng hấp dẫn.
An Bình
(Theo Diplomat)