Báo Công An Đà Nẵng

Mỹ loay hoay tìm cách đối phó Triều Tiên

Thứ ba, 01/08/2017 12:34

Mỹ, Trung, Nhật và Hàn đã mạnh mẽ lên án vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa hôm 28-7 của Triều Tiên. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng đã tuyên bố Washington sẽ tiếp tục gây sức ép với Triều Tiên cho đến khi Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình hạt nhân, tên lửa.  Tuy nhiên, điều Washington cần là phải cân nhắc lại chiến thuật đối với Bình Nhưỡng trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang đáng kể.

Hãng thông tấn Triều Tiên (KCNA) công bố bức ảnh vụ phóng tên lửa hôm 28-7.    Ảnh: Yonhap

Giải pháp "ngoài Trung Quốc"?

Hôm 30-7, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley tuyên bố, Washington đã thất bại khi tìm kiếm hành động trừng phạt Triều Tiên tại HĐBA LHQ như những gì đã làm sau những vụ thử tên lửa trước đó của Bình Nhưỡng.

Thay vào đó, bà Haley nhắm đến Trung Quốc, cho rằng, Bắc Kinh "phải quyết định có sẵn sàng chấp nhận các bước quan trọng" trong việc thách thức Bình Nhưỡng hay không. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 29-7 cũng bày tỏ "thất vọng đối với Trung Quốc" khi cho rằng, Bắc Kinh "khoanh tay đứng nhìn" Bình Nhưỡng phóng tên lửa. Ngày 31-7, Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhất trí cho rằng, chương trình tên lửa của Triều Tiên gây ra "mối đe dọa trực tiếp nghiêm trọng và ngày càng gia tăng", đồng thời khẳng định sẽ khôi phục sức ép kinh tế, ngoại giao đối với Bình Nhưỡng.

Biện pháp trừng phạt và gây sức ép lên Trung Quốc từng là con đường chính trong việc ngăn chặn các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên của chính quyền tiền nhiệm, nhưng biện pháp này không đạt nhiều thành công. Mặc dù vậy, một số nhà phân tích cho rằng, biện pháp trừng phạt chưa phát huy tác dụng là do chưa nhắm đúng mục tiêu hoặc không đủ mạnh. Một số còn cho rằng, biện pháp trừng phạt nên nhắm đến các lợi ích của Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải mạnh tay với Triều Tiên.

Trung Quốc là đối tác thương mại chính của Triều Tiên, và kim ngạch thương mại hai nước vẫn tăng ngay cả khi Bắc Kinh cắt nguồn nhập khẩu than và nhiều hàng hóa khác. Các nhà phân tích đặt câu hỏi, liệu áp lực kinh tế có thể ngăn chặn tham vọng quân sự của Bình Nhưỡng? Câu trả lời chắc chắn là không, bởi chương trình hạt nhân là điều kiện sống còn của nước này.

Cả chính quyền cựu Tổng thống Obama và Trump đều đặt hy vọng vào hành động của Bắc Kinh đối với người hàng xóm và cũng là đồng minh lâu năm Triều Tiên, nhưng một số nhà phân tích cảnh báo tác động của Trung Quốc đối với Triều Tiên có thể đã lỗi thời. "Tác động của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng đã bị sờn, yếu đi. Quan điểm của Tổng thống Trump cũng như người tiền nhiệm Obama rằng, đường đến Bình Nhưỡng phải đi qua Bắc Kinh - "Đó là một ngõ cụt", John Delury, chuyên gia về quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên tại Đại học Yonsei ở Seoul nhận định.

Bản thân Trung Quốc cũng không muốn gánh trách nhiệm về vấn đề Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 31-7 cho rằng, việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên cần nỗ lực chung của tất cả các bên. Trong thông báo gửi hãng tin Reuters nhằm đáp lại bình luận của ông Trump trên Twitter, bộ trên nói rằng, vấn đề hạt nhân Triều Tiên không phát sinh vì Trung Quốc.

Đàm phán?

Nếu biện pháp trừng phạt chứng minh không mang lại hiệu quả và Trung Quốc không thể tác động đến Triều Tiên, Mỹ phải đưa hai lựa chọn trước đây lên bàn cân: hành động quân sự hay đàm phán trực tiếp với Triều Tiên.

Các rủi ro của một cuộc tấn công quân sự hoặc xung đột với Triều Tiên khiến đây không phải là lựa chọn sáng suốt. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hồi tháng trước cảnh báo leo thang quân sự có thể dẫn đến thảm kịch "trên quy mô không thể lường trước được". Điều này khiến chính sách ngoại giao trở thành ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán 6 bên (gồm Triều, Trung, Nhật, Hàn, Nga và Mỹ) đã kết thúc trong thất bại. Nhiều chính quyền Mỹ tiền nhiệm từ chối trở lại bàn đàm phán với Triều Tiên trừ khi Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân.

Jon Wolfsthal, cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Obama cho rằng, Mỹ có thể phải từ bỏ mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Ông Wolfsthal cho rằng, Mỹ không nên kết hợp các biện pháp đe dọa, đàm phán và trừng phạt, thay vào đó nên chuyển hướng tới chính sách ngăn chặn Bình Nhưỡng sử dụng vũ khí. "Chính quyền Trump phải giao tiếp trực tiếp với các đối tác của Triều Tiên để đảm bảo họ hiểu rõ về những hành động sẽ kích động phản ứng trực tiếp của Mỹ", ông nói.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Dianne Feinstein thúc giục chính quyền Trump "bắt đầu đàm phán nghiêm túc với miền Bắc và dừng chương trình này". "Mỹ cần mở thêm các kênh liên lạc cấp cao trực tiếp với Bình Nhưỡng, với nhà lãnh đạo Kim Jong Un càng tốt", ông Delury cho biết.

Tuy nhiên, biện pháp này có thể gặp khó khăn. Hàn Quốc tuần trước liên tục đề nghị Triều Tiên bắt đầu các cuộc đàm phán quân sự trong tháng này, nhưng Bình Nhưỡng không đưa ra câu trả lời. Moon Sang-gyun, người phát ngôn cho Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, hôm 30-7 cho biết, cánh cửa đối thoại với Triều Tiên luôn mở.

AN BÌNH (Theo CNN)

Triều Tiên sẽ phóng thêm tên lửa, thử hạt nhân?

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 31-7 nhận định, rất có thể Triều Tiên sẽ tiến hành thêm một vụ phóng tên lửa đạn đạo và thử hạt nhân, tiếp sau vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa vào đêm 28-7.

Yonhap dẫn báo cáo của bộ trên trình Quốc hội Hàn Quốc nêu rõ: "Có khả năng Triều Tiên thử đầu đạn hạt nhân và tên lửa thông qua một vụ thử hạt nhân có sức công phá lớn hơn".